Pháp luật

Vụ nữ Việt kiều hứa thưởng luật gia 55 tỷ bị xét xử lại

TAND Tối cao cho rằng còn nhiều vấn đề phải xem xét nên hủy hai bản án tuyên buộc mẹ con nữ Việt kiều trả cho luật gia 55 tỷ hứa thưởng.

Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao vừa chấp nhận kháng nghị, ra quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy hai bản án của TAND TP HCM và TAND Cấp cao tại TP HCM buộc mẹ con bà Vương Thị Khanh (Việt kiều Mỹ) trả cho luật gia Đặng Đình Thịnh 55 tỷ đồng hứa thưởng. Hồ sơ vụ án được giao cho TAND TP HCM xét xử lại từ đầu.

Động thái này được đưa ra sau khi Hội đồng thẩm phán xác định vụ án còn nhiều vấn đề phải xem xét lại - như quan điểm kháng nghị của VKS.

Cụ thể, năm 2007-2008 ông Thịnh, bà Khanh và con trai Nguyễn Đắc Quang, đã lập nhiều phụ lục hợp đồng, cam kết hứa thưởng cho luật gia 15% sau đó tăng lên 35% giá trị căn nhà nếu đòi được. Bà Khanh chỉ thừa nhận ký hợp đồng hứa thưởng ngày 3/1/2007 tại TP HCM với ông Thịnh, mức thưởng là 15% giá trị nhà đất.

Thỏa thuận về việc tăng mức thưởng lên 35% sau đó tại Mỹ do ông Thịnh xuất trình thì bà Khanh không ký. Cam kết này được lập tại Mỹ và có công chứng, song không được hợp pháp hóa lãnh sự của cơ quan có thẩm quyền.

Do vậy, trong trường hợp cần thiết phải giám định chữ ký của họ, xác định phía bà Khanh có ký cam kết tại Mỹ hay không, làm căn cứ giải quyết. Tòa án hai cấp căn cứ vào bản thỏa thuận ký tại Mỹ không được hợp pháp hóa lãnh sự để buộc bà Khanh, ông Quang trả cho ông Thịnh 55 tỷ đồng là không đúng quy định của pháp luật.

Đối với căn nhà 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai là tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng bà Khanh. Năm 2004 chồng bà này mất, họ còn có 9 người con chung. Trong khi hợp đồng hứa thưởng cho luật gia chỉ có bà Khanh và ông Quang ký, cần xác định ý kiến của 8 người con còn lại mới đủ căn cứ giải quyết vụ án.

Ngoài ra, Hội đồng thẩm phán cũng cho rằng hai cấp tòa đã vi phạm tố tụng. Bởi vụ án có nhiều quan hệ tranh chấp, cần giải quyết đồng thời trong cùng một vụ án mới đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.

Sau nhiều năm theo kiện, luật gia Thịnh chưa được nhận thưởng. Ảnh: Hải Duyên.

Theo nội dung vụ kiện, căn nhà 446-448 đường Nguyễn Thị Minh Khai của vợ chồng bà Khanh được Nhà nước quản lý theo diện "vắng chủ" khi gia đình bà đi xuất cảnh. Khi về Việt Nam, bà Khanh và con trai muốn xin lại.

Năm 2007, mẹ con bà Khanh ủy quyền cho luật gia Thịnh làm các thủ tục đòi lại căn nhà và hứa thưởng 15% giá trị nếu đòi được. Năm sau, mẹ con bà Khanh tiếp tục lập thỏa thuận, cam kết tại Mỹ rằng "ông Thịnh sẽ thay mặt bà Khanh liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để đòi nhà, bà Khanh sẽ trả thưởng cho ông Thịnh 35% tổng giá trị nhà và đất sau khi đòi lại được".

Luật gia Thịnh làm đơn gửi các cơ quan địa phương và trung ương. Bốn năm sau (28/6/2011) Bộ Xây dựng ra quyết định trả nhà cho bà Khanh. UBND TP HCM sau đó cũng ban hành quyết định trả nhà cho nữ Việt kiều.

Ông Thịnh yêu cầu bà Khanh thực hiện cam kết trả thưởng không được nên khởi kiện ra tòa. Trước khi bà Khanh được trả lại căn nhà, cũng như trong thời kỳ phát sinh tranh chấp giữa luật gia và thân chủ, ông Quang đã thực hiện nhiều giao dịch mua bán căn nhà, nhận tiền cọc 210 tỷ đồng cũng như lập di sản thừa kế với toàn bộ tài sản nói trên.

Hai năm trước, TAND TP HCM xử sơ thẩm đã buộc mẹ con bà Khanh phải thực hiện hợp đồng hứa thưởng cho nguyên đơn, trả lại tiền cọc cho người mua căn nhà. VKSND TP HCM sau đó kháng nghị hủy một phần bản án do vi phạm tố tụng.

Luật gia Thịnh kháng cáo, đề nghị tách quan hệ tranh chấp hứa thưởng của ông ra giải quyết. Những người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo...

Tháng 6 năm ngoái, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, chấp nhận một phần kháng nghị của VKS, một phần kháng cáo của ông Thịnh, buộc đồng bị đơn là bà Khanh và ông Quang trả cho ông Thịnh gần 55 tỷ đồng hứa thưởng. Phần liên quan đến các tranh chấp khác bị hủy và tách ra để xử lý thành vụ án khác.

Chánh án TAND Tối cao sau đó đã kháng nghị yêu cầu hủy cả hai bản án nói trên. Sau nhiều năm theo kiện, vụ án quay về vạch xuất phát.

Tác giả: Hải Duyên

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: luật gia , việt kiều , Xét xử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok