Pháp luật

Vụ nữ sinh bị tạt axit: 100 ngàn đồng, một đời người

Việc giải quyết mâu thuẫn, đánh ghen, trả thù… bằng axit ngày càng gia tăng về mức độ nghiêm trọng. Nhưng sức khỏe, tính mạng con người, sự nguy hiểm với xã hội lại được đánh đổi một cách dễ dàng.

Câu chuyện về một nữ sinh xinh xắn quê ở Đắk Lắk bị tạt axit vì liên quan đến mối tình đồng tính khiến nhiều người xót xa. Tạm gác lại nguyên nhân vụ việc, không bàn đến sự bất nhất trong lời khai của bị cáo và đồng phạm, có một chi tiết làm tôi giật mình. Đó là lời khai của bị cáo trực tiếp gây thương tích cho nạn nhân tại phiên tòa xét xử: 500ml axit đậm đặc dùng để tạt vào nạn nhân được mua với giá 100 ngàn đồng.

3 bị cáo trong vụ tạt axit trước tòa. (Ảnh: Dân Việt)

Tất nhiên, giá cả axit không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ việc. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn đề cập tới một khía cạnh khác: Việc buông lỏng quản lý các loại hóa chất độc hại trên thị trường hiện nay.

Ai cũng biết tại chợ “thần chết” ở Sài Gòn, việc mua axit dễ như mua rau. Từ các loại hóa chất dùng trong công nghiệp, thực phẩm, kể cả hóa chất độc hại nằm trong danh mục bị hạn chế hoặc cấm sử dụng cũng được bày bán công khai và ai cũng có thể mua được dễ dàng. Những con buôn ở đây từng “tự tin” cho rằng trên thế giới có loại chất gì thì ở chợ này bán loại đó.

Có đợt, axit HCl loãng được bán với giá 10.000 đồng/l, việc mua bán chỉ diễn ra trong 5 phút. Cũng có thời điểm, hơn 30 gian hàng ở chợ đầu mối này e dè với người mua. Nhưng chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Việc siết chặt quản lý các loại hóa chất độc hại này chưa thực sự hiệu quả dù rằng luật Hóa chất đã được Quốc hội ban hành từ lâu.

Hằng năm, trên thế giới sản xuất 140 triệu tấn axit sulfuric, được dùng trong nhiều ngành công nghiệp như: Luyện kim, sơn, dầu mỏ, thuốc nổ,… và cả nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu…. Ngoài ra, axit citric, axit folic, axit lactic… lại là những loại axit có lợi cho sức khỏe, chưa kể đến axit là một hóa chất được dùng nhiều trong y tế. Nhưng tuyệt nhiên tác dụng của nó không phải là đánh ghen!

Nữ sinh bị mù một bên mắt, khuôn mặt tổn thương một nửa và phải bịt kín khẩu trang dù đã được phẫu thuật. (Ảnh: Dân Việt).

Hóa chất có đủ mọi mức giá nhưng sức khỏe và tính mạng con người là vô giá. Vậy tại sao việc quản lý những loại hóa chất độc hại lại bị xem nhẹ? Tại sao người bán đặt nặng lợi nhuận lên trên hết, không cần có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Tất nhiên, hóa chất tự thân nó không có tội, lợi hay hại là do ý thức và mục đích sử dụng của con người. Nhưng việc mua bán hóa chất cũng là một vấn đề hết sức nhạy cảm.

Tại sao khi mua hàng, người mua không xuất trình lý do, mục đích sử dụng hóa chất hay giấy tờ tùy thân, giấy phép của cơ quan có thẩm quyền… làm căn cứ rõ ràng cho hành động mua bán hóa chất độc hại chứ không phải chỉ cần có tiền thì ai muốn mua sao cũng được.

Nạn nhân của những vụ tạt axit phải chịu đau đớn về thể xác và tinh thần đến suốt cuộc đời trong khi để gây ra vết thương ấy lại là chuyện quá đơn giản. Điều này làm người dân lo lắng, bất an. Nhưng có khi nào nó khiến các nhà quản lý phải lăn tăn, trăn trở?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tác giả: Thảo Nguyên

Nguồn: Người Đưa Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok