Xã hội

Vụ ngộ độc nấm rừng cực độc ở Hòa Bình: 4 bệnh nhân đã xuất viện

Mới đây, 4 bệnh nhân ngộ độc nấm rừng, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã được xuất viện trong tuần qua.

Theo TS.BS Hoàng Công Tình - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK tỉnh Hòa Bình, sau khi trở về nhà, các bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sức khoẻ và hiện tất cả đều có sức khoẻ ổn định.

Trước đó, ngày 18/2/2023, bữa cơm có món canh nấu từ nấm rừng có 8 người cùng ăn. Sau hơn nửa ngày, 6 người bị đau bụng, tiêu chảy. 2 bệnh nhân nặng nhất được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê gan, lọc máu, tiên lượng rất nặng.

Người nhà bệnh nhân mô tả nấm có màu trắng, hình dáng gần giống nấm rơm. Theo nhận định ban đầu, đây là loại nấm cực độc. Bởi số lượng nấm được dùng để nấu canh rất ít nhưng vẫn khiến cho các bệnh nhân bị ngộ độc nặng.

Cũng chính tại huyện Mai Châu, cách đây ít năm từng xảy ra vụ việc 2 người trong một gia đình tử vong do ngộ độc nấm.

Bệnh nhân ngộ độc nấm điều trị tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Nói về nấm độc, BS. Tình cho biết, tất khó phân biệt nấm độc và nấm không độc về màu sắc và mùi vị. Nấm độc cũng có màu sắc giống nấm thường, mùi vị cũng thơm và dễ ăn. Có nhiều loại nấm độc mọc tự nhiên nhưng trên lâm sàng thường chia ra thành 2 loại.

- Loại gây ngộ độc nhanh (trước 6 giờ sau ăn) và loại gây ngộ độc chậm (6-40 giờ sau ăn). Các ca ngộ độc sớm thường được chẩn đoán kịp thời, chất độc còn trong đường tiêu hoá nên điều trị thường hiệu quả, ít có trường hợp tử vong.

- Các ca ngộ độc chậm thường đến viện muộn, chất độc đã ảnh hưởng đến các tạng trong cơ thể nên điều trị rất khó khăn, tỷ lệ tử vong cao.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên sử dụng nấm mọc tự nhiên (đặc biệt là nấm rừng) hoặc nấm không rõ nguồn gốc để làm thức ăn. Khi không may bị ngộ độc nấm, cần đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu nhanh nhất.

Tác giả: Thế Hào

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok