Cháu Phương Anh và người thân trước giờ phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Hoàng Lam.Cháu Phương Anh và người thân trước giờ phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Hoàng Lam. |
Lược trích nhận định của Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia tại bản án sơ thẩm ngày 16/5/2017 như sau:
Về quan hệ tranh chấp: Đây là vụ kiện “bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm” phát sinh từ việc các cháu học sinh trong giờ ra chơi đã dùng thước nô đùa cùng các bạn, ném nhau, không may gây thương tích cho bạn. Người gây hại và người bị thiệt hại đều dưới 15 tuổi, do đó mẹ cháu Phương Anh là người giám hộ, đương nhiên là đại diện hợp pháp khởi kiện bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của cháu. Theo khoản 5, Điều 69, Bộ Luật tố tụng dân sự. Đối với cháu Lê Ngọc Tuấn, lẽ ra cháu Tuấn là người gây thiệt hại phải bồi thường, nhưng vì cháu chưa đủ 15 tuổi là người không có năng lực bồi thường. Cháu gây thiệt hại trong thời gian trường học trực tiếp quản lý, do đó nhà trường phải chịu trách nhiệm do hành vi trái pháp luật có lỗi do người dưới 15 tuổi thực hiện.
Cháu Tuấn tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Hoàng Lam. |
Trước đây, theo quy định tại Điều 625 Bộ Luật Dân sự năm 1995, khi các em dưới 15 tuổi gây thiệt hại cho người khác trong trường học thì trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại luôn luôn thuộc về cha mẹ, trường học chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cùng với cha mẹ. Điều 621 Bộ Luật Dân dự năm 2005 và Điều 599 Bộ Luật Dân sự năm 2015 đã được nhà làm luật sửa lại: Trong trường hợp này “nhà trường phải bồi thường” đã làm rõ hơn trách nhiệm của nhà trường trong việc quản lý học sinh. Do đó bà Phùng Thị Lợi – mẹ đẻ cháu Tuấn (cháu bé dùng thước chơi, không máy ném vào mắt Phương Anh) tham gia trong vụ án này được xác định lại tư cách là người giám hộ cháu Tuấn.
Về áp dụng pháp luật: HĐXX xét thấy, đối chiếu với các quy định tại Điều 688 Bộ Luật Dân sự 2015; Điều khoản chuyển tiếp: Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau: Điểm b.1. Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của bộ luật này thì áp dụng quy định của bộ luật này.
Yêu cầu nhà trường bồi thường của chị Hà là hành vi pháp lý đơn phương: Được coi là giao dịch dân sự một bên. Đây là quan hệ dân sự được xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt dựa trên sự thể hiện ý chí của một bên chủ thể. Hành vi này vẫn làm phát sinh, thay đổi quyền và nghĩa vụ của chủ thể đó và những chủ thể khác trong quan hệ dân sự. Việc gây thương tích xảy ra vào tháng 1/2016, tuy nhiện việc chị Hà yêu cầu Trường tiểu học Hải An bồi thường thiệt hại chưa thực hiện xong nên áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết.
Trách nhiệm bồi thường: Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự: Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đủ 4 yếu tố sau: Phải có thiệt hại xảy ra, phải có hành vi trái pháp luật, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hai xảy ra, phải có lỗi cố ý, hoặc vô ý của người gây thiệt hại.
Việc cháu Phương Anh bị thương tích ở mắt trái, đã đủ yếu tố cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Điều 599 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể về trường hợp “Bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác đang trực tiếp quản lý”. Khoản 1, điều này quy định: “Người chưa đủ 15 tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra”.
Tại phiên tòa, bà Đinh Thị Hương (hiệu trưởng Trường tiểu học Hải An) khẳng định: “Trong giờ học và giờ ra chơi, các em học sinh đều chịu sự quản lý của nhà trường”.
Qua quá trình giáo dục học sinh trong nhà trường tiểu học được thực hiện thông qua tổ chức các hoạt động giáo dục dạy học trong và ngoài giờ lên lớp. Các cháu học sinh trong giờ ra chơi, đây là trong thời gian học tại trường, nhà trường đang trực tiếp quản lý, phải có trách nhiệm quản lý học sinh. Hoạt động vui chơi của các cháu cũng là một hoạt động giáo dục. Nhà trường cần có những giải pháp quản lý tốt học sinh trong giờ ra chơi, tổ chức cho các cháu vui chơi đúng cách, tránh cho các cháu có những trò chơi nguy hiểm.
Điều 42, Điều lệ trường tiểu học, quy định quyền của học sinh được bảo vệ, được bảo đảm những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập và rèn luyện.
Tại khoản 3 Điều 599 Bộ luật Dân sự quy định “Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoảng 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý. Trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân dự phải bồi thường”. Nhà trường chứng minh không có lỗi trong việc quản lý học sinh như: Trong trường hợp đối với học sinh có hành vi vi phạm nhà trường đã xử lý nghiêm theo các mức độ khiển trách, cảnh cáo, đã thông báo đến phụ huynh học sinh đó để phụ huynh học sinh có biện pháp cùng giáo dục. Tuy vậy, học sinh vẫn vi phạm, trường hợp này nhà trường không có lỗi trong việc quản lý học sinh, vì vậy cha mẹ hoặc người giám hộ phải bồi thường thiệt hại do học sinh đó gây ra.
Nhà trường cũng đã có quy định: “Nếu học sinh nào cố tình làm sai các quy định trên thì nhà trường, liên đội sẽ có hình thức nhắc nhở và tùy vào mức độ vi phạm để có biện pháp phối kết hợp cùng với gia đình và nhà trường giải quyết giáo dục”. Đối với trường hợp của cháu Tuấn, nhà trường không chứng minh được đã nhắc nhở nhiều lần về hành vi vi phạm của cháu, chưa có việc liên hệ với gia đình để cùng nhà trường giáo dục, nhắc nhở cháu. Nhà trường không chứng minh được không có lỗi trong việc quản lý học sinh.
Đối với học sinh lớp 1, sáu tuổi vào lớp 1 là bước ngoặt lớn của trẻ thơ. Môi trường thay đổi, bước đầu kiềm chế dần tính hiếu động, bột phát để chuyển thành tính kỷ luật, nền nếp, chấp hành nội quy học tập. Các cháu còn đang trong quá trình phát triển toàn diện về mọi mặt, hành vi ý chí chưa cao, bản tính hiếu động, khó kiềm chế, kém tự chủ nên dễ phạm lỗi, do vậy, nhà trường cần giám sát chặt chẽ, nhắc nhở kịp thời đối với các cháu. Do công tác kiểm soát học sinh trong trường học chưa chặt chẽ, đặc biệt là quản lý học sinh trong giờ ra chơi, nên dẫn đến xảy ra hậu quả, tai nạn thương tâm đối với cháu học sinh. Đây là lỗi vô ý, là trường hợp không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại có thể xảy ra.
Từ nhận định trên, Trường tiểu học Hải An phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho cháu Phương Anh là đúng theo quy định của pháp luật.
Tác giả: Hoàng Lam
Nguồn tin: Báo Tiền phong