Nhằm bảo vệ thông tin cá nhân
Bà Nguyễn Mai Phương được nhắc đến trong vụ án này như một người phụ nữ “quyền lực” đứng ra dàn xếp toàn bộ sự việc. Suốt ba ngày xét xử, bà Mai Phương liên tục xuất hiện trong lời khai của bị cáo Phương Nga, Thùy Dung cũng như nhân chứng.
Hoa hậu Phương Nga tại phiên tòa. |
Tới chiều ngày 27/6, bà Nguyễn Mai Phương mới xuất hiện tại tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đồng thời cũng là nhân chứng. Tuy nhiên, bắt đầu phiên tòa, chủ tọa Vũ Thanh Lâm công bố do bà Nguyễn Mai Phương có yêu cầu được ngồi cách ly để tránh việc bị báo chí ghi hình, gây ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư.
Tòa đã chấp nhận yêu cầu này của bà Phương và cho phép bà ngồi trong phòng kín, theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi, trả lời qua loa phát thanh. Những người dự khán chỉ nghe thấy tiếng nói của bà Nguyễn Mai Phương.
Khi tiến hành thẩm vấn người làm chứng, luật sư Nguyễn Văn Quynh (bảo vệ cho bị cáo Phương Nga) đã đề nghị hội đồng xét xử cho ông vào phòng cách ly để xác nhận với bà Phương một số tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử đã yêu cầu luật sư chuyển các chứng cứ này cho thư ký phiên tòa để thư ký chuyển vào phòng cho bà Mai Phương xem. Vì vậy, sự tương tác giữa các luật sư và người làm chứng có lúc bị gián đoạn.
Việc cho người làm chứng ngồi phòng cách ly từ đầu đến cuối không thấy mặt rất ít khi diễn ra ở tòa án. Thường thì hội đồng xét xử cho phép bị cáo, người làm chứng, người liên quan… cách ly khi thẩm vấn để xem xét độ chính xác của các lời khai, khi khai xong thì được trở về phòng xử.
Sai với quy định?
Liên quan tới vấn đề này, ông Vũ Phi Long, nguyên Chánh án Tòa Hình sự TAND TPHCM cho biết: “Theo Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BCA-BQP- VKSNDTC-TANDTC thì bà Mai Phương có quyền yêu cầu. Nhưng bà phải đưa ra được bằng chứng cho thấy do làm chứng nên bà đã bị, hoặc sẽ bị xâm hại ở mức độ nguy hiểm đáng kể đến tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản. Nếu có, bà Mai Phương phải yêu cầu bằng văn bản. Nếu thuộc trường hợp khẩn cấp thì mới được yêu cầu trực tiếp bằng lời nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản”.
“Thông tư này cũng hướng dẫn tùy từng vụ án cụ thể, trước khi đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần trao đổi thống nhất với cơ quan có trách nhiệm bảo vệ về việc áp dụng các hình thức để bảo đảm việc giữ bí mật cho người được bảo vệ (trong đó có việc cách ly và thực hiện việc hỏi kín đối với họ)”, ông Long cho biết thêm.
Tuy nhiên, ông Long đặt nhiều câu hỏi nghi ngại trong trường hợp cho bà Mai Phương trả lời từ phòng kín. Ông nói: “Ở đây, phiên tòa đang diễn ra, tòa phải quyết định áp dụng biện pháp dẫn giải mới “triệu” được bà Phương đến tòa thì liệu có thuộc trường hợp mà Thông tư liên tịch số 13/2013 hướng dẫn không? Giả thiết có chiếu cố thì không biết chủ tọa phiên tòa đã trao đổi bằng văn bản với cơ quan điều tra (CQĐT)? Mặt khác, nếu xét thấy cần áp dụng biện pháp bảo vệ đối với họ thì tòa đề nghị (bằng văn bản) CQĐT trực tiếp thụ lý vụ án hình sự ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với họ. Không biết các thủ tục cần thiết trên HĐXX đã thực hiện đúng chưa mà đã vội đồng ý cho bà Mai Phương được ngồi trong phòng kín để trả lời!”.
Theo ông, khi nhân chứng trả lời các câu hỏi, tòa có thể cách ly các bị cáo để nhân chứng trả lời HĐXX và những người tham gia tố tụng khác. Tuy nhiên, việc thẩm tra lý lịch nhân chứng, cam kết khai báo trung thực, thực hiện việc đối chất, trả lời phải được công khai tại tòa. Nhân chứng Mai Phương không thể làm người giấu mặt.
Ông cho rằng: “Tòa phải làm thủ tục công khai, nhân chứng trả lời công khai những gì mình biết liên quan đến vụ án. Nhân chứng Mai Phương đã có lệnh dẫn giải của tòa vì không đến tòa theo giấy triệu tập. Tức là người này cũng không còn quyền lựa chọn hay đề nghị về khai báo riêng, mọi lời khai phải được công khai cho mọi người biết”.
Tác giả: Xuân Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí