“Phức tạp hóa một vụ án thông thường. Một vụ bình thường mà ngay cả Tòa án tỉnh Hà Tĩnh còn không xử lý trơn tru được, phải đưa lên Tòa cấp cao; thì thử hỏi các vụ khác sẽ như thế nào?” - bạn đọc Son Voquang cùng rất nhiều bạn đọc khác của Dân trí tỏ ra vô cùng phẫn nộ, bức xúc vì “vụ án tưởng đã khép lại từ lâu, cháu Khánh tưởng đã đi học lại rồi vì đã có sự can thiệp của TAND cấp cao cùng dư luận xã hội… Rất mong Dân trí vào cuộc đem lại niềm tin cho người dân chúng tôi” - bạn đọc Doan Linh chia sẻ.
Sau hơn 30 kỳ báo điều tra của Dân trí làm rõ từng góc khuất trong vụ án em Lê Văn Khánh bị kết tội Cướp tài sản kêu oan, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chính thức quyết định hủy bản án phúc thẩm xét xử lại. Và dự kiến phiên tòa phúc thẩm để xét xử lại vụ việc sẽ diễn ra vào ngày 9/5/2017, nhưng do bị hại Võ Văn Tý vắng mặt, ảnh hưởng đến quá trình xét xử nên phiên tòa đã được hoãn đến ngày 2/6/2017. Tuy nhiên đến ngày 2/6, thẩm phán chủ tọa bị ốm nên phiên tòa tiếp tục được hoãn đến ngày 29/6/2017!
Mong một kết cục có hậu cho cháu Khánh và gia đình!
Sự việc kéo dài đã khiến.cuộc sống của em Khánh cũng như gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. |
Bạn đọc Lưu Chí Hiếu lo lắng: “Án treo sẽ đeo đẳng em đến suốt mấy đời đấy. Tương lai của em Khánh đã chấm dứt từ đây khi xã hội còn nhiều mặc cảm với pháp luật. Thử hỏi sau này khi tốt nghiệp phổ thông, em sẽ đi xin làm hoặc đi học ở đâu với cái án treo trên đầu, ghi trong hồ sơ lý lịch?”.
Bạn đọc Khiem Ha cùng ý kiến: “Trong vụ án này nếu xử em Khánh tù treo thì cũng là án tù rồi, hết sức khó khăn cho Khánh về cuộc sống sau này, mong rằng tòa phúc thẩm sẽ cân nhắc xét xử cho thật thuyết phục”.
“Đã qua 2 năm rồi mà vẫn chưa xử xong vụ này làm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của cháu”. - bạn đọc Quang Hoa Nguyen.
Bạn đọc Vule88833: “Một vụ án quá đơn giản mà các cơ quan tố tụng đã dày công nhào nặn đến hai năm trời. Từ khi Khánh đang là đứa trẻ chăn trâu đến nay vào tuổi trưởng thành nhưng vẫn chưa xét xử xong. Đề nghị các cơ quan báo chí truyền thông tiếp tục theo dõi phản ánh để các cấp tiếp tục chỉ đạo làm rõ tránh oan khuất cả một đời người. Xin cảm ơn quý báo”.
Bạn đọc Suluong phân tích: “Sau đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định, tuy bị cáo Khánh không có sự bàn bạc, kích động, xúi giục trong việc lấy tiền của người bị hại Võ Văn Tý nhưng bị cáo có mặt từ đầu. Khi được Tuấn gọi vào lấy tiền Khánh biết rõ nguồn gốc số tiền trên là của anh Tý nhưng Khánh đến bàn bi-a lấy tiền, đếm tiền, thông báo số tiền 2,8 triệu đồng và cất số tiền vào túi quần. Sau đó, Khánh đi ra đứng ở cửa quán bi-a tiếp tục chứng kiến Tuấn và Đạt đe dọa, cưỡng ép anh Tý để lấy thêm tiền.
Điều này góp phần cũng cố tinh thần thêm cho Tuấn và Đạt, tạo điện kiện cho Tuấn, Đạt tiếp tục chiếm đoạt của anh Tý số tiền 1,2 triệu đồng. Hành vi của Khánh đã đồng phạm với Đạt và Tuấn với vai trò là người tiếp sức.
Cứ như nhận định này của Tòa án cấp cao tại Hà Nội thì Khánh phạm tội cướp với vai trò đồng phạm và theo hướng xét xử là án treo. Còn Linh và nhiều người khác thì sao? họ cùng chứng kiến vụ việc Tuấn - Đạt cướp tiền của Tý. Như vậy Khánh chỉ có thêm hành động bất khả kháng là được Tuấn nhờ cầm tiền và nếu Tuấn nhờ ai thì người đó cũng là đồng phạm trong vụ cướp này hay sao?
Nếu như Khánh chủ động cầm tiền cho Tuấn thì không phải bàn, còn sự việc bất khả kháng mà Khánh phải cầm tiền cho Tuấn thì Tòa án cấp cao tại Hà Nội cần xem lại vì còn rất nhiều người chứng kiến vụ cướp này từ đầu đến cuối và họ cũng là người cũng cố tinh thần cho Tuấn và Đạt hay sao?.
Chúng tôi mong ở công lý và phải hết sức tránh việc bao che, bao biện cho cái sai của nhau trong ngành Tòa án mà xử cháu Khánh tội cướp”.
Bạn đọc Nguyễn Đức Vinh đặt câu hỏi: “Vấn đề là tòa án xử vậy thì sai ở đâu? Nếu xác định được lỗi sai thì có thể kiện ngược Hội đồng xét xử được không? Nếu thắng kiện thì ai phải chịu bồi thường? Lẽ nào cứ để Luật cho Dân mà Lệ thì cho Quan? Mong Dân Trí tiếp tục thông tin cho dân nghèo chúng tôi”.
Bạn đọc Pham Dz: “Trời ạ, tôi nghĩ rằng vụ án hình sự của em Khánh đã khép lại rồi chứ. Pháp luật Việt Nam không sai, nhưng có kẽ hở để cho người thực thi pháp luật (không có nhân phẩm, đạo đức) làm bậy làm càn, bẻ cong vụ việc. Tôi thiết nghĩ, chuyện em Khánh nên khép lại để tương lai em còn có con đường sống. Pháp luật Việt Nam là răn đe, giáo dục nhằm cho họ trưởng thành và sống tốt cho đời, chứ không phải tất cả đều bắt bớ, giam cầm. Chúc em Khánh và gia đình em tai qua nạn khỏi, đứng lên và sống tốt cho đời”.
Bỏ lọt tội "Đánh bạc" để kết tội "Cướp tài sản"?
Là người theo sát sự việc ngay từ đầu, Luật sư Lê Thị Kim Soa, Công tác tại văn phòng luật sư Lê Trần (thuộc Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An) khẳng định hành vi của Lê Văn Khánh không cấu thành tội “Cướp tài sản”, bản án của hai cấp tòa đã tuyên là chưa đúng người đúng tội, chưa khách quan, công bằng. Các cơ quan tố tụng đã bỏ qua nhiều nhân chứng, tình tiết có lợi cho em Khánh.
Luật sư Lê Thị Kim Soa cũng cho rằng hai bản án đã bỏ lọt tội “đánh bạc” đối với Trần Văn Giáp (cán bộ huyện đoàn Hương Khê) và Võ Văn Tý.
Anh Lê Văn Hoàng (xã Hà Linh), người chứng kiến gần như từ đầu đến cuối cuộc chơi bi-a giữa Giáp và Tý thuật lại: “Bữa đó là anh Giáp và Tý chơi bi-a. Lúc đầu là cơ 500 nghìn, anh Giáp lúc đó thắng được 6 triệu. Sau đó anh Tý vào cắm xe máy cho chủ quán 6 triệu. Sau đó nâng lên cơ 1 triệu đồng. Lúc đó anh Giáp lại thua. Đánh được vài cơ thì lại nâng lên cơ 2 triệu rồi 3 triệu. Lúc đánh cơ 3 triệu anh Giáp thua 4 cơ nhưng trả có 3 cơ. Lúc chuyển lên đánh cơ 3 triệu thì anh Trần Văn Công (em trai anh Giáp) vào và cầm tiền cho Giáp và trả tiền thua bi-a cho anh của mình".
Và điều này cũng đã được Tý thừa nhận trong lời khai tại Cơ quan điều tra, Công an huyện Hương Khê. “Trong quán, tôi và anh Giáp chơi bi-a bằng hình thức ăn tiền, chơi bi-a lỗ. Sau khi chơi xong thì anh Giáp thua, tôi thắng. Tôi không nhớ là thắng bao nhiêu”, Tý khai nhận.
“Từ những phân tích trên có thể khẳng định vào ngày 19/7/2015 tại quán bi-a Anh Nhung, Võ Văn Tý và Trần Văn Giáp đã có hành vi đánh bạc bằng hình thức chơi bi-a ăn tiền…” luật sư Soa nói trong đơn đề nghị gửi các cơ quan chức năng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM chỉ ra rằng: Pháp luật hình sự Việt Nam quy định việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Do đó, việc điều tra, xử lý các vụ việc hình sự có liên quan đến người chưa thành niên phải được tiến hành hết sức thận trọng.
Trong trường hợp của Lê Văn Khánh, khi xét xử, nếu em Khánh phạm tội thật nhưng nếu không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Tòa án có thể áp dụng một trong các biện pháp tư pháp có tính giáo dục, phòng ngừa như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thì cho rằng cần khẩn trương xem xét lại vụ án: Phải đề nghị các đồng chí lãnh đạo TAND, VKSND Tối cao và cấp cao sớm quan tâm xem xét đơn kêu oan của Lê Văn Khánh và ý kiến của cơ quan báo chí đã thông tin về vụ án này nhằm sớm có kết quả trả lời trước công luận, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Rất mong vụ án Lê Văn Khánh kêu oan sớm được kiểm tra, xem xét lại.
Tác giả: Khả Vân
Nguồn tin: Báo Dân trí