Giới trẻ

Vụ cặp đôi bị ngăn cấm tình yêu: Cậu con trai mới là người có lỗi lớn

Cho tới nay, vụ việc đôi nam nữ gào khóc đòi tự tử vì bị bố mẹ ngăn cấm tình yêu vẫn đang là chủ đề khiến người ta không ngừng tranh luận.

Tin mới về cặp đôi dọa tự tử vì gia đình ngăn cấm
Gia cảnh và đường tình trắc trở của cô gái đăng clip bị gia đình bạn trai cấm yêu qua lời kể bạn thân
Cô gái live stream gào khóc vì bị gia đình bạn trai ép hủy đám cưới​​​​​​​

Đừng vội bênh vực người con trai


Tôi thấy đây là một vụ việc vừa hy hữu lại vừa...quá bình thường. Hy hữu ở chỗ: Một câu chuyện riêng tư gia đình bị quay đưa lên mạng xã hội cứ như phim; nhân vật chính trong câu chuyện ứng xử với tình huống không giống một người đàn ông.

Còn quá bình thường ở chỗ: Nguyên nhân dẫn đến vụ việc bạn sẽ gặp rất nhiều, trong xã hội Việt Nam hiện nay dù cuộc sống đã mở rất nhiều.

Có thể tôi hơi truyền thống và tôi nghĩ, là người Việt Nam phải xem nếp nhà là một nét độc đáo của người Việt, nên chuyện quay phim vụ việc của gia đình rồi đưa lên cho cả xã hội "ném đá" là một việc không thể chấp nhận được của cặp đôi kia. Nhất là cô con dâu tương lai của gia đình ấy.

Hãy nhớ rằng, ngàn cái comment bênh vực, nào là tội các em quá, thương các em quá; rồi thời này thời nào mà ép duyên, và đủ thứ lời lẽ khác của những người dưng nước lã, sau khi xem chớp nhoáng mấy phút trên màn hình, không có giá trị bằng cái quyết định của người trong cuộc.

Đây vẫn là chuyện nội bộ của một gia đình, mà hơn ai hết, là những người trong cuộc sẽ hiểu chuyện gì đang xảy ra với họ, và nguyên nhân từ đâu.

Có thể, có sự khác biệt thế hệ, nhưng không vì thế mà không ngồi với nhau để giải quyết sự việc, mà theo tôi, việc một chàng trai lấy vợ, một nhà có con dâu, không quá to tát đến mức như thế. Nó bình thường mà. Con trai bình thường khoẻ mạnh thì việc lấy vợ có gì bất thường đâu?

Thế nên, người đáng trách ở đây, trước hết là chàng trai. Anh chàng này đã trên 18 tuổi, là người có quyền định đoạt cuộc sống của mình. Anh lấy ai, sống như thế nào, là bản thân anh chứ không để ai định đoạt giúp.

Câu chuyện của cặp đôi này nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. (Ảnh cắt từ clip)

Trong câu chuyện này, anh là nhân vật trung tâm, một bên là vợ tương lai, một bên là cha mẹ. Anh hoàn toàn có thể ngồi xuống nói chuyện với cha mẹ tôn trọng việc lấy vợ của mình, thay vì cùng dắt cô gái bỏ trốn để cha mẹ phải đi tìm rồi khiến sự việc ầm ầm lên như thế.

Cô vợ ở đây, cũng bình thường xinh đẹp, có học thức đàng hoàng, đâu có gì mà chàng trai phải sợ đến mức chấp nhận sống trốn chui trốn lủi với nhau?

Qua câu chuyện của hai vị cha mẹ chia sẻ trên báo chí để mọi người có thông tin hai chiều thì đúng cặp đôi con cái này hành xử cũng chẳng giống ai. Cha mẹ hoàn toàn chấp nhận và muốn họ tốt hơn, sao cứ phải đưa nhau vào một chốn xa lạ để sống một cuộc sống bất ổn về mọi thứ như thế?

Và cũng trong clip, tôi lại càng không bênh vực nổi chàng trai, khi mà lúc ấy anh có thể đứng lên nói chuyện với cha mẹ một cách bình thường.

Đằng này, cứ ôm cứng lấy người yêu, rồi sau đó khóc rống lên. Trời ạ, làm cái thằng đàn ông, giữa những chuyện như thế này mà không đủ bản lĩnh, thì có thể có bản lĩnh để đối mặt với bao nhiêu chuyện khác ngoài cuộc đời không?

Hơn nữa, làm một người con, để người khác đưa cha mẹ mình ra phỉ báng, "ném đá". Việc này, không thể chấp nhận được.


​​​​​​​

Cặp đôi livestream kể về câu chuyện tình của mình. (Ảnh cắt từ clip)

"Con phải về. Con chết má chôn" - Một cách dạy con đầy áp đặt

Tuy nhiên, nhìn đi thì cũng nhìn lại, việc hành xử của cặp cha mẹ trong clip này cũng chứa đựng nhiều thứ bất thường nhưng nó được bắt nguồn từ những lý do...bình thường.

Hình như ở đây, cặp cha mẹ này không cho con cái quyền định đoạt, muốn con phải sống theo ý họ, theo những gì mà họ đã sắp đặt. Có thể, những sắp đặt đó sẽ tốt hơn, nhưng ít nhất, cần phải biết con mình muốn gì.

Tôi biết, rất nhiều bạn trẻ không muốn chiều theo sự sắp đặt của cha mẹ, có thể sự sắp đặt đó toàn là thảm hoa hồng, và họ tự tìm đến một phương trời mới sống tự lập, để không quá phụ thuộc cha mẹ hoặc phải mang ơn đấng sinh thành quá nhiều. Và nhiều bậc cha mẹ của họ đã tôn trọng điều ấy.

Nhưng cặp cha mẹ này thì không. Có thể (tôi lại dùng từ này), họ vẫn yêu con họ như hồi mới lọt lòng mà sự lớn cả về thể chất, tuổi đời và trách nhiệm với bản thân của người con đó, trong suy nghĩ của cặp cha mẹ này, không hề có ý nghĩa.

Thế nên mới dẫn đến việc là "Con phải về. Con chết má chôn". Một cách dạy con áp đặt ở thế hệ trước vẫn được các bậc cha mẹ khư khư giữ, dù ngoài kia, cuộc sống đã trôi theo nhiều chiều hướng khác.

Nói đi nói lại thì hành xử của bố mẹ chàng trai cũng không nhận được sự đồng tình.

Tôi kể bạn nghe câu chuyện này. Có một gia đình nọ ở Hà Nội có một người con trai 20 tuổi. Một hôm, chàng trai đón một cô bạn đến cà phê cùng người mẹ. Khi cô gái đi rồi, người mẹ nói: "Bạn gái con đấy à? Mẹ không thích cô này, và mẹ sẽ không muốn gặp lại cô ta".

Chàng trai chờ mẹ nói xong thì đáp: "Cô này không phải là bạn gái con. Nhưng nếu là bạn gái con, việc mẹ không thích cô ấy là việc của mẹ.

Việc mẹ không muốn gặp cô ta con tôn trọng mẹ nhưng không ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng con, và con vẫn gặp cô ấy".

Người mẹ ngớ người một lúc và cũng đành nói "Ừ nhỉ".

Thế đấy. Không ít cha mẹ bây giờ vẫn đưa cảm xúc của mình đặt vào quan hệ con cái và áp đặt suy nghĩ, lựa chọn của mình vào mối quan hệ của con. Mà họ chẳng biết rằng, con họ được quyền lựa chọn cuộc sống của con, được quyền chọn người đồng hành và chịu trách nhiệm trước lựa chọn đó.

Một người mẹ khác, có con du học. Anh chàng về nước bảy ngày, ăn cơm ở nhà có ba bữa. Anh chàng nói sẽ lập gia đình trong vài năm tới. Bà mẹ nói: "Con lấy ai là quyền của con nhưng chúng ta sẽ không ở cùng.

Vì mẹ biết, cách sống với vợ của con sẽ khác với mẹ nên có thể xảy ra va chạm. Hơn nữa, nhiều khi cách dạy con của các con cũng khác, nên mẹ sẽ không chịu nổi. Tốt nhất cứ chia tay nhau và đến với nhau lúc nào đẹp đẽ và thoáng mát nhất".

Người con rất thích suy nghĩ đó của người mẹ và họ giống như hai người bạn. Riêng ông bố, thấy con đi suốt thì nhắc khéo: "Hôm nào ra sân bay cho bố ngồi cạnh con chút chứ con về như này, bố con mình ngồi với nhau có đủ ấm chỗ đâu?"

Người con đáp: Thôi, bố con mình cứ nói với nhau những lúc thế này, chứ ngồi cùng lại bất đồng quan điểm, khó nói chuyện lắm.

Người bố, dĩ nhiên, tôn trọng điều đó ở con.

Đến lúc nào, tất cả bố mẹ chúng ta có thể mở lòng mình ra để đón nhận những sự khác biệt của con cái và tôn trọng điều đó một cách tuyệt đối nhỉ?

Dĩ nhiên, khác biệt khác với dị biệt - khác biệt không làm tổn hại đến ai và đến điều gì. Đó là tinh thần của bài viết này!

​​​​​​​* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn Vũ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok