Kinh tế

Vụ C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì: Tính tiền đền bù thế nào là hợp lý?

Theo nguyên Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trong vụ nước uống nhiễm chì, nếu số tiền đền bù được tính toán căn cứ vào số chai nước nhiễm chì không thể thu hồi và giá bán sản phẩm thì đó là con số quá ít.

Liên quan đến 2 lô hàng C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì, thông tin công ty này tính toán phương án bồi thường cho người tiêu dùng khi một phần lớn của 2 lô hàng này không thể thu hồi được đã được dư luận chú ý.

URC đền bù là một sự việc chưa có tiền lệ

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) - cho biết dù Công ty URC đã phản hồi về phương án đền bù ở cuộc họp thứ hai giữa công ty này và Vinastas ngày 6/9 nhưng vấn đề này sẽ được công bố cụ thể vào một buổi họp báo trong thời gian tới, hiện tại chưa thể cung cấp.

Ngoài ra, việc ban lãnh đạo URC có chấp thuận phương án do vị đại diện Vinastas này đưa ra hay không cũng không được tiết lộ dù tại thời điểm ngày 6/9, ông Hùng cho biết Tổng giám đốc Công ty URC đã đánh giá cao ý kiến của ông là bồi thường phải khả thi, đến đúng người tiêu dùng và chấp nhận đề xuất về phương án xử lý của bên Hội.

nguyen manh hung fotor 1473243336971
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Ảnh: Tuấn Nam)

Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 7/9, ông Hùng cho biết khoản tài chính để đền bù được đề cập đến chỉ là đền bù thiệt hại tài sản (không bao gồm sức khoẻ).

Khoản tiền được tính toán dựa trên dữ liệu về hai lô sản phẩm bị kết luận nhiễm chì phải thu hồi; số lượng sản phẩm đã thu hồi được; số lượng chưa thu hồi được (được hiểu là người tiêu dùng đã mua hoặc sử dụng), có kiểm chứng của Thanh tra Bộ Y tế, giá bán sản phẩm của công ty.

Tại thời điểm URC bị phạt 5,8 tỉ đồng hồi cuối tháng 5/2016, cơ quan chức năng xác định công ty đã bán hai lô sản phẩm nhiễm chì với tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 3,9 tỉ đồng.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng việc doanh nghiệp đưa ra phương án đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng như URC là chưa có tiền lệ. Theo ông Phong, dù chưa bàn đến việc làm thế nào để người tiêu dùng bị thiệt hại có thể thụ hưởng số tiền đền bù chính xác nhất, nhưng cách tính tổng tiền đền bù thì phải cân nhắc cho hợp lý.

Nếu số tiền đền bù tính theo bán lô hàng thì ít hay nhiều?

Chia sẻ với chúng tôi, ĐBQH khoá XII Bùi Thị An - nguyên Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nói:

"Việc sản phẩm chứa độc tố là sự vi phạm quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm một cách rõ ràng. Nhiễm chì là một trong những vấn đề cực kỳ khó xử lý vì chì lưu trong cơ thể trong một thời gian rất dài và gây ra nhiều hậu quả".

Khi đề cập đến phương án giả định số tiền đền bù được tính dựa trên số chai nước không thể thu hồi và giá bán của nhà sản xuất, bà An cho rằng đó là cách tính giản đơn và không xứng đáng.

"Tại sao lại nghĩ đến phương án đơn giản như vậy? Tôi thấy nó hơi lạ bởi vì sản phẩm đó đã gây ra sự nhiễm độc. Việc tính chính xác là khó nhưng tính bằng giá trị số lượng chai nước không thu hồi được thì chả có ý nghĩa gì. Đó chỉ là sự đền bù nước uống hoàn toàn bình thường.

Nếu mà nó gây ra hậu quả liên quan đến tính mạng con người thì số tiền là bao nhiêu? Không thể đơn giản như vậy được. Số tiền như vậy là quá ít. Và phương án dựa theo phương thức tính như vậy là không ổn".

bui thi an 1474553151194
Bà Bùi Thị An (Ảnh: Hoàng Long)

Theo bà An, trong vụ việc này, cần phải có chế tài khác để có sự răn đe tránh những URC thứ hai cũng như việc người dân Việt Nam sẽ lại bị nhiễm độc, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đến trí lực, đến nòi giống.

Các cơ quan quản lý phải tính phương án đền bù khác để buộc những người sản xuất ra những sản phẩm liên quan đến sức khoẻ của người dân thì phải đảm bảo không độc 100% là cần thiết.

Đồng tình với quan điểm này, TS Đinh Xuân Thảo - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội - cho rằng căn cứ vào vỏ chai để tính toán đền bù là chuyện rất khó, vì người dùng ít khi giữ lại vỏ chai sau khi uống hết. Không còn vỏ chai, cũng đồng nghĩa với việc không còn bằng chứng về việc người dùng có hay không dùng sản phẩm đã nhiễm chì.

"Ở đây là trách nhiệm dân sự: Nếu ai gây ra thiệt hại cho người khác thì phải đền bù theo trách nhiệm dân sự. Trong quy định về trách nhiệm bồi thường dân sự có quy định là phải xác định rõ thiệt hại cụ thể chứ không thể chỉ dựa trên phán đoán, suy diễn giữa người có lỗi và hậu quả xảy ra đối với người bị thiệt hại".

Ông Thảo cũng bày tỏ sự không đồng tình với phương án tính số tiền đền bù thiệt hại tài sản đối với người dân theo số lượng chai nước không thu hồi được và giá bán của nhà sản xuất bởi những chai nước đó đã bị nhiễm độc chứ không phải là những chai nước bình thường.

Vị nguyên ĐBQH này lấy ví dụ ở Mỹ, một loại sản phẩm bán ra, chỉ cần một người dùng có xảy ra hậu quả xấu về sức khỏe thì người đó đã có quyền kiện và nếu thắng sẽ được đền bù.

Tuy nhiên, điều này sẽ không được tự động áp dụng tương tự với tất cả các khách hàng đã mua sản phẩm, nếu các khách hàng này không chứng minh được mối liên hệ giữa việc dùng sản phẩm và sức khỏe của mình.

"Ở đây không phải là vấn đề chất lượng kém như nồng độ các chất không đầy đủ. Nếu nhiễm chì gây hại đến sức khoẻ của người dân thì đó lại là một vấn đề khác. Thiệt hại về tài sản khi đó lớn hơn nhiều", ông Thảo nói.

Tác giả bài viết: Tuệ Minh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok