Trong nước

Vụ Bình Định cấm bán cát ra ngoài tỉnh: Quyết định của tỉnh đứng trên luật!

Hàng ngàn khối cát của doanh nghiệp đang tồn đọng tại các cảng nhưng UBND tỉnh Bình Định vẫn giữ quyết định cấm doanh nghiệp bán cát ra ngoài tỉnh

Ngày 30-7, ông Đào Trung Vịnh, Giám đốc Công ty CP Môi trường và Nông nghiệp UV Tech (trụ sở TP HCM), cho biết vẫn chưa nhận được phản hồi của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định về công văn xin xuất số cát xây dựng đang bị ách tại cảng Thị Nại, TP Quy Nhơn.

Gây thiệt hại cho doanh nghiệp

Theo ông Đào Trung Vịnh, công văn trên được công ty của ông gửi UBND tỉnh Bình Định vào ngày 25-7. Số cát hiện đang bị tồn tại cảng lên đến 1.700 m3. "Tỉnh Bình Định đã lập đoàn kiểm tra và xác nhận số cát trên được chúng tôi tập kết về kho bãi ở cảng Thị Nại trước ngày UBND tỉnh Bình Định có thông báo không cho vận chuyển cát ra ngoài tỉnh (ngày 14-7). Lô hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hóa đơn chứng từ hợp pháp, vậy nhưng chẳng hiểu vì sao đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi của UBND tỉnh Bình Định" - ông Vịnh thắc mắc.

Nhiều doanh nghiệp tồn hàng ngàn khối cát sau lệnh cấm của UBND tỉnh Bình Định Ảnh: ANH TÚ

Cùng ngày, nhiều doanh nghiệp (DN) khai thác cát có giấy phép tiêu thụ nội địa cũng cho biết chưa nhận được thông báo nào kể từ sau khi UBND tỉnh Bình Định ban hành văn bản ngày 14-7 về việc không cho xuất bán cát ra ngoài tỉnh. "Trả lời báo chí mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu nói rằng pháp luật hiện hành không có quy định nào cấm DN bán cát ra ngoài tỉnh. Tuy nhiên trước đó, cũng chính UBND tỉnh Bình Định lại ban hành văn bản gửi các cơ quan chức năng địa phương yêu cầu không cho xuất bán cát ra ngoài tỉnh. Nói một đường làm một nẻo như vậy thì DN chúng tôi không biết đường nào mà lần" - chủ một DN khai thác cát ở Bình Định nói.

Nhiều ý kiến của các DN ở địa phương cho rằng nếu Bình Định thật sự cần khối lượng lớn cát xây dựng công trình trong tỉnh thì cũng phải bàn bạc với DN để tìm tiếng nói chung, chứ không thể bất ngờ ra văn bản mang tính cục bộ địa phương như thế. Ít nhất, UBND tỉnh cũng nên tạo điều kiện để các DN triển khai tiếp các hợp đồng xuất bán cát ra ngoài đang thực hiện dở dang, nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt cho họ.

Ban hành quy định trái luật

Liên quan đến vụ việc trên, một nguồn tin riêng của Báo Người Lao Động cho biết cuối tuần qua, Thường trực Tỉnh ủy Bình Định đã có ý kiến về việc quản lý hoạt động khai thác cát xây dựng trên địa bàn. Theo đó, cơ quan này yêu cầu chính quyền địa phương cần có giải pháp giữ cát để phục vụ các công trình xây dựng trong tỉnh.

Luật sư Cao Thế Luận, Công ty Luật Kao Kiến (tỉnh Bạc Liêu), cho rằng việc UBND một số tỉnh, thành ra quyết định cấm bán cát ra ngoài tỉnh trong thời gian vừa qua là vi phạm điều 33 của Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh và điều 7 Luật DN về "tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm". Xét về thẩm quyền ban hành văn bản, UBND cấp tỉnh, thành không thể ban hành một quy định trái ngược với Hiến pháp và Luật DN.

Nếu thấy sản lượng khoáng sản cát tại địa phương có sự thay đổi nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của địa phương thì có thể xem xét, vận dụng điều 14 Luật Khoáng sản để lập lại quy hoạch khai thác cát tại địa phương và trình cấp có thẩm quyền để thay đổi, hạn chế sản lượng cát được khai thác hằng năm hoặc khuyến khích, tổ chức áp dụng các biện pháp sử dụng tiết kiệm khoáng sản nhất có thể.

Nhưng rõ ràng, việc khan hiếm sản lượng cát để phục vụ các công trình xây dụng trọng điểm tại nhiều địa phương cho thấy việc theo dõi, quản lý khoáng sản trên địa bàn là chưa sâu sát, thiếu tính bao quát và định hướng, dẫn đến tình trạng khan hiếm để ban hành việc "cấm xuất bán" như trên.

Xâm phạm quyền tự do kinh doanh

Luật sư Cao Thế Luận cho biết việc ban hành những quyết định vượt thẩm quyền như trên, trước hết là xâm phạm quyền tự do kinh doanh của các DN, gây thất thu cho ngân sách địa phương và sau đó là gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế chung của cả nước. "Các DN khai thác cát để xuất bán ra bên ngoài (trong phạm vi cả nước) cũng để phục vụ mục tiêu, phát triển kinh tế của toàn xã hội. Khi sản lượng cát không được xuất bán đúng thời gian, số lượng thì việc xây dựng, phát triển các công trình dân sinh ở địa phương khác cũng gặp khó khăn nhất định và tiến độ hoàn thành các công trình xây dựng nói chung sẽ bị ảnh hưởng. Từ đó giá bán cát sẽ bị đẩy lên cao dẫn đến chi phí xây dựng gia tăng ảnh hưởng dây chuyền đến hàng loạt ngành khác" - ông Luận nói. Tr.Hoàng

Tác giả: Nhóm Phóng viên

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok