Kinh tế

Vụ án Hà Văn Thắm: Con đường từ “đại gia” đến lúc vướng vào lao lý

Vụ án Ocean Bank được đánh giá là một trong những đại án kinh tế với các con số kỷ lục. Với cáo buộc để xảy ra nhiều vi phạm trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần. Từ đại gia trên sàn chứng khoán phất lên rất nhanh nhưng giờ đây bị cáo Hà Văn Thắm đối mặt mức án cao nhất 30 năm tù giam, với 3 tội danh bị truy tố theo Bộ luật hình sự.

Đại gia 40 tuổi “phất lên như diều”

Ngày 27.2.2017, TAND TP.Hà Nội chính thức mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn cùng 46 bị cáo liên quan. Thông tin này thu hút sự chú ý đặc biệt của giới tài chính ngân hàng bởi trong vụ đại án này, bị cáo Văn Thắm và thuộc cấp gây thiệt hại cho ngân hàng gần 2.000 tỉ đồng. Chỉ cách đây vài năm ông Hà Văn Thắm còn nằm trong top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Thời điểm năm 2010, TTCK xôn xao trước thông tin về “đại gia” Hà Văn Thắm, chủ tịch CTCP Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group (OGC). Tập đoàn Ocean Group từng “đình đám” với một loạt các cuộc mua bán sáp nhập (M&A) và trở thành Tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề từ bất động sản, khách sạn, tài chính, truyền thông.

Một trong những thương vụ M&A nổi tiếng là vụ thâu tóm Thương hiệu Kem Tràng Tiền của Công ty cổ phần Tràng Tiền. Giới bất động sản thời đó kháo nhau việc ông Hà Văn Thăm và Ocean Group mua lại thương hiệu kem chỉ là phụ, mục đích chính là ngắm tới khu đất vàng rộng 1.500m2 trên phố Tràng Tiền, một trong những con phố đắt giá nhất Hà Nội. Ngoài ra Ocean Group còn mua lại Givral, thương hiệu bánh lâu năm tại Sài Gòn. Givral sở hữu khu đất 144 Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận mà ngay nay là Khách sạn StarCity Sài Gòn. Tập đoàn này cũng từng là chủ sở hữu một chuỗi siêu thị mang tên Ocean Mart.

Thương vụ đình đám tiếp theo là Dự án vành khăn 5ha - StarCity Centre nằm tại khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, xung quanh là công viên hồ điều hòa Nhân Chính, đối diện với trung tâm thương mại BigC. Đây được đánh giá là một trong những mảnh đất “vàng” còn sót lại khu vực Trung Hòa - Nhân Chính. Dự án này do Công ty cổ phần Đầu tư Đại Dương Thăng Long (Ocean Group nắm 80% cổ phần) hợp tác cùng Tổng công ty Vinaconex triển khai, tổng vốn đầu tư 7.500 tỉ đồng. Từ năm 2010, dự án vẫn chưa thể triển khai, và từng bị rơi vào danh sách có nguy cơ bị thu hồi.

Trong lĩnh vực tài chính, ông Thắm và OGC là cổ đông lớn chi phối tại OceanBank, Ocean Sercurities (75%),... Ông Thắm còn trực tiếp và gián tiếp sở hữu nhiều DN như Ocean Hospitality (75%), Bảo Hà, Công ty TNHH VNT, Đại Dương Thăng Long, Ocean Media (50%). Chỉ sau 6 năm, Ocean Group đã có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, tăng gấp 300 lần so với hồi đầu thành lập.

Ngân hàng 0 đồng

Sau khi ông Hà Văn Thắm bị bắt, tháng 5.2015, Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) chính thức trở thành ngân hàng thứ hai sau NH Xây dựng (VNBC) bị NHNN mua lại với giá 0 đồng/cổ phần. Đồng thời, chuyển đổi NHTMCP Đại Dương thành Cty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu với tên gọi là NHTM TNHH MTV Đại Dương, tên viết tắt là NH Đại Dương. Một loạt cán bộ của VietinBank được Thống đốc NHNN điều động sang hỗ trợ cho NH Đại Dương.

Sáng 4.1.2017, tại họp báo của NHNN, ông Nguyễn Văn Hưng - Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết năm 2017 là năm bản lề xử lý dứt điểm các NHTM yếu kém, tiến tới xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo của các TCTD. Cụ thể, NHNN đặt mục tiêu xử lý dứt điểm 5 ngân hàng yếu kém trong năm 2017 gồm 3 ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng là VNCB, OceanBank, GPBank, DongA Bank và Sacombank. Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị để xử lý 5 trường hợp này.
Ông Hà Văn Thắm (45 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại dương - OceanBank) cùng 47 bị can khác bị VKSND Tối cao truy tố về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. VKSND Tối cao uỷ quyền cho VKSND Hà Nội giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên toà sơ thẩm. Bị cáo Hà Văn Thắm bị truy tố cùng lúc về 3 tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo khoản 3, Điều 179; tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3, Điều 281 và tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3, Điều 165-BLHS. Bị cáo thứ hai là Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962, nguyên quán tại Hà Tĩnh và trú ở đường Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội) - nguyên Tổng giám đốc Oceanbank và từng giữ chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Bị cáo Sơn bị xem xét cùng lúc về 2 tội danh quy định tại các Điều 281 và Điều 165-BLHS. Bị cáo thứ ba là Nguyễn Minh Thu (SN 1973, nguyên quán Hà Nội) - nguyên Phó Tổng giám đốc, rồi Tổng giám đốc Oceanbank. Bị cáo Thu cũng bị đưa ra truy tố theo 2 tội danh như bị cáo Sơn. Ngoài ra còn 45 bị cáo khác giữ các chức vụ là giám đốc, phó giám đốc các khối; giám đốc, phó giám đốc chi nhánh; phòng giao dịch của Oceanbank … bị truy tố với vai trò đồng phạm, theo từng tội danh cụ thể được đề cập trong vụ án.

Tác giả bài viết: Lan Hương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok