Trong tỉnh

Vụ án “cú đá oan nghiệt” tại Thanh Hóa: Tòa kết án khi chưa làm rõ “vật tày gây thương tích”

Tại phiên sơ thẩm, dù cơ quan công tố đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) dừng phiên tòa, triệu tập giám định viên nhằm làm rõ về “vật tày” đã gây “đa chấn thương” cho bị hại nhưng HĐXX không đồng ý.

Luật sư cho rằng tòa sơ thẩm đã bỏ lọt người, lọt tội trong vụ án.

Bản án sơ thẩm đã được tuyên nhưng câu hỏi về việc bàn chân của bị cáo có phải là “vật tày” gây “biến dạng mặt” cho bị hại hay không thì vẫn chưa có lý giải rõ ràng.

Lời khai một đằng, thực nghiệm điều tra một nẻo

Như PLVN đã thông tin, bị cáo Võ Ngọc Tuấn bị VKSND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) cáo buộc “cố ý gây thương tích” (hậu quả chết người) do đã đá ông Lê Cảnh Hiền (cùng ngụ xã An Nông) hai cái sau khi phát hiện ông này trộm vịt của gia đình vào đêm 30/8/2019, tại cánh đồng thôn Đô Thịnh.

Tại phiên sơ thẩm mới đây, TAND huyện Triệu Sơn đã xử phạt bị cáo Tuấn 7 năm tù do cho rằng bị cáo đã đá vào cổ, vùng miệng ông Hiền gây tổn thương, sưng nề tụ máu nặng vùng cổ; đa chấn thương vùng miệng, cằm, mắt phải vùng mặt (làm xương hàm, mặt biến dạng)… trên nền bệnh xơ gan… Khi được cấp cứu, ông Hiền bị hôn mê, trào ngược thức ăn vào đường thở, dẫn đến suy hô hấp, tử vong.

Cũng như trong giai đoạn điều tra, truy tố, tại phiên sơ thẩm, bị cáo tiếp tục khẳng định chỉ đá trúng một cái khiến nạn nhân gãy răng cửa rồi cả hai cùng rời hiện trường đi về nhà. Bị cáo chỉ nhận trách nhiệm về cú đá này. Nguyên nhân ông Hiền bị những thương tích nghiêm trọng khác cần được HĐXX lãm rõ để không gây oan sai cho bị cáo, không bỏ lọt tội.

LS Đinh Duy Hải (Cty Luật TNHH Mạnh Quân, Đoàn LS Hà Nội, người bào chữa cho bị cáo) cũng khẳng định, việc quy kết bị cáo gây nên cái chết cho ông Hiền là oan sai. Bởi chỉ với một cú đá thì ông Hiền không thể bị “đa chấn thương” nghiêm trọng như giám định đã thể hiện (vết bầm tụ máu 6,5x4,5cm vùng dưới núm vú phải; vết rách da đuôi mắt phải (4x2cm); vết rách cung đuôi mày phải (5x1cm); vết thương rách da 3x2cm; vết bầm giập, sưng nề vùng môi dưới; vết bầm tím vùng cổ trước đến vùng cổ bên trái; vết sưng nề, bầm tím vùng cằm dưới; vết sưng nề, bầm tụ máu vùng hố mắt phải; gãy răng số 1 hai bên hàm trên; vết trầy xước da vùng má phải; vết xước da mặt trong đùi phải, mặt ngoài giữa đùi phải và mặt ngoài đầu gối trái…).

Trong khi đó, Điều tra viên (ĐTV) Hà Văn Duy khi tiến hành thực nghiệm điều tra (mà không có mặt bị cáo) đã cho “diễn lại” hành vi không đúng như lời khai của bị cáo. Bị cáo khai đá ông Hiền ngã về phía sau thì ĐTV lại cho người đóng thế ngã nghiêng sang phải. Bị cáo khai ông Hiền dứng dậy, đi lên đường để về nhà thì ĐTV lại cho người đóng thế bò, trườn lên mặt thành mương và mặt ao trát xi măng…

LS cho rằng từ việc thực nghiệm điều tra sai lệch như trên, ĐTV tiếp tục đưa ra suy đoán bất lợi cho bị cáo rằng, việc bị hại ngã vào cạnh mương hay “bò trườn” trên mặt thành mương “phù hợp”, mặt ao “phù hợp” với vết thương vùng miệng, cằm, vùng mặt và mắt phải của bị hại.

LS Hải nói, hồ sơ không có gì chứng minh cho sự suy đoán trên bởi thành cạnh mương bờ cạnh sắc chứ không phải vật tày. Vị trí này cũng không có vết máu, không có tổ chức da… của bị hại. Hiện trường không hề có ao trát xi măng. Bị hại bị vô số vết thương nghiêm trọng vùng thái dương phải, vùng cằm, vùng mặt... nhưng kết luận là “phù hợp” với việc ngã vào bờ mương là rất vô lý.

Kiểm sát viên đề nghị dừng phiên tòa làm rõ vật tày

Đặc biệt, LS Hải khẳng định, dù trong Kết luận giám định đã khẳng định rõ các thương tích của bị hại “do vật tày tác động” nhưng tại phiên tòa, vẫn chưa làm rõ cái gì được coi là vật tày đã tác động gây đa chấn thương cho bị hại.

Tại phần tranh luận, bị cáo Tuấn tiếp tục đề nghị kiểm sát viên (KSV) trả lời rõ vật tày đã gây đa chấn thương cho bị hại là gì.

KSV sau đó đề nghị HĐXX cho “dừng phiên tòa” để triệu tập Giám định viên nhằm giải thích rõ về vật tày trong vụ án này. Trước đó, tại phần khai mạc phiên tòa, LS Hải cũng có đề nghị tương tự.

Với việc không làm rõ hung khí nào là vật tày đã gây đa chấn thương cho bị hại, LS Hải cho rằng, bị cáo đã bị truy tố oan. Bởi chiếc gậy mà bị cáo mang ra hiện trường đã được giám định, thể hiện không có dấu vết đánh người. Điều này cũng có nghĩa, cơ quan tiến hành tố tụng đang bỏ lọt một số nghi phạm đã sử dụng gậy, đèn pin (là vật tày) đánh bị hại.

LS Hải cho biết, Biên bản hội chẩn của BV Đa khoa Thanh Hóa khi cấp cứu cho ông Hiền ngày 31/8/2019 thể hiện: “Theo lời kể của bệnh nhân thì bị đánh bằng gậy, nhiều phát vào đầu. Sau đó bệnh nhân tỉnh, đau đầu, biến dạng hàm, mặt, vào viện đa chấn thương”.

LS Hải đánh giá, lời khai này được chính các bác sỹ ghi lại một cách rất khách quan (khi ĐTV chưa kịp lấy lời khai bị hại) nên có thể coi đây là chứng cứ quan trọng thể hiện việc bị hại đã bị đánh bằng gậy.

Như vậy, thay vì “suy đoán” rằng bị hại bị ngã vào bờ mương, cơ quan tố tụng cần tập trung, điều tra làm rõ ai là người đã dùng gậy đánh ông Hiền, trong đó không thể bỏ qua 3 người có mặt tại hiện trường tham gia “bao vây” trộm đêm 30/8/2019 là ông Lê Cảnh Vĩnh, Lê Quang Thắng, Hoàng Văn Nở.

Dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội

Tại CQĐT, ông Nở và ông Thắng đã thừa nhận mỗi người cầm một đoạn gậy luồng (dài 1,5m) cùng đèn pin đi ra cánh đồng tìm bắt trộm (ông Hiền). Riêng ông Nở còn có lời khai thể hiện ông Lê Cảnh Vĩnh cũng cầm đèn pin ra hiện trường

Đồng thời, anh Lê Cảnh Từ (con bị hại Hiền) cũng có lời khai cho biết, bố anh khi về nhà (trong tình trạng máu chảy nhiều vùng đầu, mặt) có kể lại: “Tau đi bắt ếch ngoài đồng thấy con vịt nên tao bắt, có Thắng “Thinh”, Vĩnh “Tế” rồi kêu thằng Tuấn “Phòng” ra bảo tao ăn trộm rồi đánh tau”.

Như vậy, nghi vấn đêm 30/8/2019, tại khu vực xảy ra vụ án, có ít nhất 4 người (gồm bị cáo Tuấn, ông Thắng, ông Nở, ông Vĩnh) đều cầm theo đèn pin (trong đó có 3 người cầm thêm gậy gỗ). Trong khi đó, chiếc gậy gỗ dài 90cm, đường kính 4cm mà bị cáo Tuấn đã cầm theo đã được thu giữ, đưa đi giám định nhưng không tìm thấy vết máu người.

Từ chi tiết này, LS Hải đánh giá, việc điều tra vụ án này đã có sai sót nghiêm trọng; có sự thiếu trách nhiệm của ĐTV Hà Văn Duy và KSV Nguyễn Quốc Tú khi đã không kịp thời thu giữ các gậy gỗ, đèn pin mà ông Thắng, ông Nở và ông Vĩnh mang theo khi ra hiện trường tìm trộm.

Đồng thời, CQĐT cũng không làm rõ ông Hiền đã đi đâu, làm gì trong khoảng thời gian từ khoảng 0h (sau khi bị bị cáo Tuấn đánh) đến 4h sáng ngày 31/8/2019 (thời điểm ông Hiền về đến nhà). Liệu trong quãng đường vài trăm mét từ hiện trường về đến nhà, ông Hiền có bị ai đánh, gây thêm rất nhiều thương tích khác ngoài cú đá gãy răng do bị cáo Tuấn gây ra trước đó?

Trong giai đoạn điều tra, bản thân gia đình bị hại cũng như bị cáo Tuấn đều có đề nghị CQĐT mở rộng điều tra với một số người khác, vì cho rằng cái chết của nạn nhân có liên quan đến ông Vĩnh, ông Thắng, ông Nở. Tuy nhiên, CQĐT cho rằng không có cơ sở xác định 3 ông này có bàn bạc hay tham gia đánh ông Hiền.

LS Hải đánh giá, cho dù kết luận không có cơ sở xác định ông Vĩnh, ông Thắng, ông Nở có liên quan thì cơ quan tố tụng không thể mặc nhiên suy đoán rằng, bị cáo Tuấn đã gây ra toàn bộ những vết thương trên người bị hại. Vì hiện còn rất nhiều mâu thuẫn trong kết luận giám định cơ chế gây thương tích, lời khai của bị cáo, hiện trường vụ án, thực nghiệm điều tra…

Tuy không lý giải cụ thể về những mâu thuẫn như trên, nhưng HĐXX TAND huyện Triệu Sơn vẫn nhận định rằng “các dấu vết trên cơ thể nạn nhân phù hợp với các tài liệu trong hồ sơ và lời khai bị cáo” và tuyên phạt bị cáo Tuấn 7 năm tù.

Chủ tọa: “Tôi không giải thích vật tày là thế nào...”

Sau phiên tòa sơ thẩm, PLVN đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Ngũ, Chánh án TAND huyện Triệu Sơn, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa

Thẩm phán Lê Văn Ngũ.

* Ngay tại phiên tòa, KSV đã đề nghị HĐXX cho dừng phiên tòa để triệu tập Giám định viên (GĐV) nhằm giải thích rõ về vật tày đã gây thương tích cho bị hại. Như vậy, bản thân cơ quan công tố còn thấy “lăn tăn” và thấy cần làm rõ về chứng cứ kết tội. Tại sao HĐXX không chấp nhận đề nghị này?

- HĐXX thấy giám định đã đầy đủ nên không cần triệu tập GĐV. Nếu có dừng phiên tòa để triệu tập GĐV thì cũng chỉ mất thời gian, làm kéo dài vụ án và không thay đổi được gì.

* Vậy theo ông thì chân của bị cáo có phải là vật tày? Và cú đá của bị cáo có phù hợp với các chấn thương vùng cổ, vùng mặt của bị hại?

- Phù hợp hay không tôi không trả lời. Tôi không giải thích vật tày là thế nào, việc này thuộc cơ quan khác.

* Nếu HĐXX không có trách nhiệm phải giải thích vật tày như thế nào, vậy tại sao không triệu tập GĐV đến phiên tòa để làm rõ? Điều này là cần thiết bởi cả phía bị cáo bị hại đều cho rằng, ngoài bị cáo Tuấn còn có ông Nở, ông Thắng và ông Vĩnh đã cầm gậy, đèn pin (là vật tày) ra hiện trường. Trong khi đó, bị cáo thì không dùng gậy để đánh bị hại.

- Bị cáo Tuấn khai khi đá ông Hiền thì ông Nở, ông Thắng và ông Vĩnh đang ở xa. Còn sau khi Tuấn thả ông Hiền về thì 3 người này có ngồi lại nói chuyện với Tuấn nên chúng tôi cho rằng họ không đánh ông Hiền.

* Nhưng HĐXX đã không làm rõ khoảng thời gian 3 tiếng, kể từ khi ông Hiền bị bị cáo Tuấn đánh cho đến khi về đến nhà thì ông này đã đi đâu, làm gì. Liệu có việc ông Hiền đã bị ai đó đánh bằng vật tày trong khoảng thời gian này?

- Lời khai của con bị hại Hiền cũng chỉ nói khoảng thời gian ông Hiền về nhà chứ cũng không chính xác thời gian. Vì vậy, chúng tôi không giải thích về vấn đề này.

Tác giả: K.Lâm

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok