Giáo dục

Vụ 'Làm việc ở thị trấn, hưởng lương khu vực rẻo cao biên giới', có bao biện?

Sau khi Báo NNVN đăng loạt bài phản ánh những khuất tất trong công tác “biệt phái” giáo viên của các phòng GD-ĐT cấp huyện ở Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An có công văn giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở GD-ĐT kiểm tra vấn đề báo nêu...

Nguyên chánh văn phòng Sở Giáo dục-Đào tạo Nghệ An nói gì?
Chuyện lạ ở Nghệ An: Làm việc ở thị trấn, hưởng lương khu vực rẻo cao biên giới

Ngày 30/8/2016, Sở Nội vụ Nghệ An đã có báo cáo nhanh số 1398/SNV.TCBC về vấn đề này. Để rộng đường dư luận, NNVN xin trở lại vấn đề trên.

Mượn gió bẻ măng

Báo cáo của Sở Nội vụ Nghệ An cho rằng: Với định biên từ 70 - 90 công chức cấp huyện chia đều cho 12 - 13 phòng ban thì UBND các huyện không thể bố trí đủ 18 biên chế công chức cho Phòng GD-ĐT theo đúng yêu cầu của Công văn 8150/BGD ĐT-TCCB và Thông tư liên bộ số 47/2011/TTLB-BGD&ĐT-BNV của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ. Đồng thời cho rằng do Phòng GD-ĐT các huyện chỉ có 2 - 8 công chức nên UBND huyện đã phải điều động từ 15 - 18 viên chức ở các trường về Phòng GD-ĐT để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn tại đây...(!?)

Báo cáo nhanh của Sở Nội vụ Nghệ An


Lý giải nói trên của Sở Nội vụ Nghệ An chỉ đúng một phần. Việc UBND cấp huyện chỉ có từ 70 - 90 biên chế công chức mà phải bố trí cho mỗi Phòng GD-ĐT 18 công chức là không thể thực hiện được là đúng. Nhưng việc UBND các huyện phải điều động giáo viên đứng lớp từ các trường về hoạt động chuyên môn tại Phòng GD-ĐT các huyện từ 15 - 18 người là hoàn toàn không có thực.

Thực tế, Phòng GD-ĐT các huyện đã “lách luật” bằng cách tham mưu cho UBND các huyện ra quyết định điều động một số chuyên viên đang công tác ổn định tại các Phòng GD-ĐT cấp huyện về các trường rồi sau đó lại ra quyết định đưa số chuyên viên này trở lại Phòng GD-ĐT để hưởng các khoản phụ cấp trái quy định mà Báo NNVN đã nêu. Đây cũng là lý do giải thích vì sao số chuyên viên đang công tác tại các Phòng GD-ĐT đều được “biệt phái” đến các trường vùng đặc biệt khó khăn và được hưởng cùng một lúc nhiều chế độ ưu đãi với tỷ lệ hưởng cao nhất.

Điều này khiến không ít giáo viên đang công tác tại cơ sở bức xúc khi gửi đơn yêu cầu báo chí vào cuộc mong được làm rõ. Họ cho rằng những người này ngoài việc nắm quyền sinh quyền sát trong công tác chuyên môn và công tác tổ chức cán bộ còn được “ngồi mát, ăn bát vàng” một cách hết sức vô lý (!)

Sở bao biện cho cái sai?


Trong công văn, Sở Nội vụ đã biện minh rằng: Ngày 15/4/2012, Chính phủ có Nghị định số 34/2012-NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp công vụ (25%) thì số viên chức được điều động về Phòng GD-ĐT không thuộc đối tượng điều chỉnh (không được hưởng phụ cấp công vụ).

Điều này chỉ đúng với số viên chức đang công tác tại các trường khi được UBND huyện điều động biệt phái về phòng để làm các nhiệm vụ chuyên môn mà số công chức tại các Phòng GD-ĐT không làm xuể.

Thế nhưng, vấn đề NNVN nêu ra lại hoàn toàn khác. Đó là thực trạng số chuyên viên (viên chức) đang công tác ổn định tại các Phòng GD-ĐT, đã được “lách luật” theo hình thức “biệt phái” ngược để hưởng các chế độ ưu đãi trái quy định (lẽ ra họ đương nhiên phải được biên chế thành công chức để hưởng chế độ phụ cấp công vụ) thì họ bỗng dưng trở thành loại đối tượng không được hưởng các quy định tại Nghị định số 34/2012-NĐ-CP của Chính phủ.

Rõ ràng cách làm trái khoáy nói trên của UBND các huyện đã đẩy họ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và còn bị mang tiếng là “tham bát, bỏ mâm”. Điều đáng nói chính là dư luận còn cho rằng nhờ việc “biệt phái” ngược này nhằm đẩy họ ra khỏi biên chế công chức để UBND các huyện có cơ hội tăng thêm biên chế công chức cho các phòng ban khác trong cơ quan huyện (!?)

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Nghệ An, tổng số công chức tại 21 Phòng GD-ĐT huyện, thị của Nghệ An hiện mới có 87 người (bình quân 4,1 công chức/Phòng GD-ĐT); số lượng giáo viên “biệt phái” hiện có trên dưới 190 người, bình quân trên 9 viên chức biệt phái/Phòng GD-ĐT.

Bởi thế, điều khiến dư luận quan tâm là trong số 190 viên chức biệt phái nói trên, có bao nhiêu người được biệt phái đúng nghĩa? Bao nhiêu người đã lợi dụng việc biệt phái để “rút ruột” ngân sách? Đó là những điều cần được mổ xẻ, phân tích và làm sáng tỏ khi đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao.

Xin lưu ý là trong thời điểm hiện nay lực lượng giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập của Nghệ An đang dôi dư đáng kể. Không biết đội ngũ này có phải chính là những người đang phải đứng lớp, gánh thêm nhiệm vụ của số giáo viên “biệt phái” không đúng quy định này để họ hàng ngày yên ổn ngồi làm việc tại các Phòng GD-ĐT, hàng tháng hưởng lương chót vót theo kiểu “ngồi mát ăn bát vàng” như đơn thư phản ánh hay không?

Làm việc với PV, ông Đậu Văn Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho rằng: “Cái này em phát hiện là đúng rồi nhưng chỉ có ở miền núi thôi! Chỉ nghĩ anh em họ điều từ các trường về phòng làm việc thôi chứ không nghĩ chênh lệch (thu nhập-PV) thế. Anh đã chỉ đạo làm nghiêm, sẽ xử lý nghiêm, đã công tác ở Phòng GD-ĐT thì không được hưởng các khoản ưu đãi dành cho giáo viên”.

Tác giả bài viết: Nhóm PVĐT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok