Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (mã chứng khoán VPB) mới đây đã thông báo về việc đăng ký mua lại hơn 73,2 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Đây là lượng cổ phiếu nằm trong số cổ phiếu ưu đãi cổ tức do ngân hàng này phát hành cách đây 3 năm theo hợp đồng mua bán bán cổ phần đã ký kết giữa VPBank và các nhà đầu tư làm cổ phiếu quỹ, giá phát hành lúc đó là 27.584 đồng/cổ phiếu.
VPBank sẽ chi gần 2.500 tỷ đồng để mua lại lượng cổ phiếu ưu đãi phát hành trước đó. Ảnh: VPB. |
Theo kế hoạch đã được ban lãnh đạo ngân hàng xác định trước, giá mỗi cổ phiếu VPB được mua lại đợt này sẽ là 33.996,8 đồng, tương đương nhà băng sẽ phải chi ra gần 2.500 tỷ đồng cho thương vụ lần này.
Nguồn vốn mua lại sẽ được ngân hàng lấy từ thặng dư vốn cổ phần và quỹ đầu tư phát triển theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông trước đó. Giao dịch sẽ diễn ra qua hệ thống chuyển quyền sở hữu chứng khoán của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam - VSD sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận từ ngày 9 đến 20/7.
Theo kế hoạch tăng vốn của VPBank, sau khi mua lại làm cổ phiếu quỹ, số cổ phiếu này sẽ được phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Đây cũng chính là lượng cổ phiếu đã được ban lãnh đạo VPBank dự kiến chốt danh sách để trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2017. Theo đó, ngày 29/6 tới sẽ là ngày đăng ký cuối cùng và tỷ lệ chia cổ tức là 20% tiền mặt (cổ đông sở hữu một cổ phiếu ưu đãi sẽ nhận 2.000 đồng tiền mặt), áp dụng cho cổ đông sở hữu cổ phiếu ưu đãi, không áp dụng với cổ phiếu phổ thông. Với hơn 73,2 triệu cổ phiếu ưu đãi, nhà băng này sẽ phải chi ra hơn 146 tỷ đồng tiền mặt để chi trả cổ tức.
Trước đó, VPBank cũng đã phát hành 925 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, tương ứng với số vốn tăng thêm 9.256 tỷ đồng theo mệnh giá. Tỷ lệ cổ phần phát hành thêm là 61,8%, trong đó 30,2% để chi trả cổ tức và 31,6% để tăng vốn điều lệ.
|
Thời gian gần đây, cổ phiếu VPB cũng liên tục trở thành tâm điểm với những thương vụ “sang tay” cổ phiếu giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Mới đây nhất, ngày 15/6, gần 34,5 triệu cổ phiếu VPB đã được “sang tay” từ Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Tín Tâm cho một đại gia 9x là ông Nguyễn Mạnh Cường.
Tại giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/6 ở mức 49.500 đồng/cổ phiếu, thương vụ này có giá trị lên tới hơn 1.700 tỷ đồng. Chủ sở hữu và người đại diện tại Tín Tâm cũng chính là ông Nguyễn Mạnh Cường (23 tuổi) tại Hà Nội.
Cuối tháng 3, gần 100 triệu cổ phiếu VPB cũng được 2 tổ chức là Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng và Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên sang tay cho bốn nhà đầu tư cá nhân. Nếu tính theo giá thị trường của cổ phiếu VPB thời điểm đó, giá trị của thương vụ này lên tới 6.400 tỷ đồng.
Sau đó không lâu, ngày 11/4, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam tiếp tục công bố nhà đầu tư Trần Quốc Anh Thuyên (26 tuổi) đã nhận chuyển quyền sở hữu 22,7 triệu cổ phiếu VPB từ Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Trang Thành.
Đáng chú ý, các thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu VPB đều từ một pháp nhân đứng tên chuyển cho lãnh đạo và người đại diện pháp luật tại chính pháp nhân đó. Cả 4 pháp nhân Quang Đăng, Lưu Khuyên, Trang Thành và Tín Tâm đều dừng hoạt động kinh doanh và giải thể sau thời gian ngắn thành lập. Nguyên nhân dẫn đến giải thể đều vì khó khăn; các cá nhân nhận chuyển nhượng cổ phiếu đều là lãnh đạo các công ty này.
Hiện tại, sau đợt phát hành cổ phiếu thưởng vừa qua, thị giá VPB đã được điều chỉnh xuống mức 32.550 đồng/cổ phiếu, tăng 22% so với đầu năm (tính theo giá điều chỉnh).
Nguồn: VNDirect. |
Tác giả: Hoàng Thanh
Nguồn tin: zing.vn