Kinh tế

Vốn FDI vào bất động sản tăng mạnh lên tới 300 triệu USD

Chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2017, lĩnh vực bất động sản đã thu hút 297,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, bằng gần 1/4 cả năm 2016.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong tháng 1/2017, cả nước đã thu hút được trên 1,4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoạt động đầu tư từ nước ngoài vào các dự án cấp mới tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và hoạt động kinh doanh bất động sản. Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc là 3 nước đối tác đầu tư hàng đầu khi chiếm trên 80% tổng vốn FDI.Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút 297,4 triệu USD (chiếm 21,2% tổng vốn FDI tháng 1/2017)

fdi zing
Lĩnh vực bất động sản chiếm tới 20% tổng lượng FDI cả nước tháng 1/2017. Đồ họa: Hiếu Công.

FDI vào lĩnh vực bất động sản cả năm 2016 ước tính khoảng 1,3 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong tháng 1/2017, số vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đã bằng gần 1/4 cả năm 2016.

Hiện chưa có công bố chính xác về danh sách các doanh nghiệp đã đổ vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư nước ngoài phần lớn đều đổ mạnh vào phân khúc cao cấp. Dẫn đầu là các nhà đầu tư đến từ châu Á như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan.

Một số doanh nghiệp lớn của các nước trên đã và đang đổ nhiều vốn vào bất động sản Việt Nam như Maeda, Tập đoàn Mitsubishi, Creed Group (Nhật Bản), CapitaLand, Keppel Land, Mapletree (Singapore)…

Tập đoàn Maeda (Nhật Bản), nhà thầu thi công dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đang đầu tư dự án có tên là Wateria Suites, thông qua hợp tác với Công ty xây dựng Thiên Đức. Wateria Suites có tổng vốn đầu tư 30 triệu USD với 89 căn hộ có diện tích 150-200 m2.

Nhà đầu tư đến từ Singapore CapitaLand cũng vừa mua lại một dự án có diện tích 0,5 ha tại quận 1, TP.HCM, trị giá là 51,9 triệu USD. Sau dự án này, CapitaLand sẽ thành lập thêm một quỹ thương mại mới để mua lại các dự án bất động sản tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, quỹ này sẽ được thành lập vào năm tới, với vốn đầu tư 500 triệu USD, tập trung vào các dự án bất động sản thương mại tại TP.HCM và Hà Nội.

2metro 8 zing 1
Bất động sản Hà Nội và TP.HCM tiếp tục được nhiều nhà đầu tư ngoại lựa chọn. Ảnh: Anh Tuấn - Lê Quân.

Tập đoàn Mitsubishi cũng đã ký kết với Tập đoàn Bitexco thành lập liên doanh cùng phát triển dự án The Manor Central Park. Trong giai đoạn hợp tác đầu tiên, liên doanh này cùng phát triển 240 căn hộ thấp tầng và 2 tòa nhà cao tầng với 1.036 căn hộ. Ước tính tổng số tiền đầu tư đầu tiên của cả hai bên là khoảng 290 triệu USD.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội bất động sản TP.HCM, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản tăng cao trong tháng 1 là tín hiệu tích cực phản ánh sự hấp dẫn của thị trường hiện nay.

Năm 2016, FDI vào bất động sản có phần chững lại so với năm 2015. Nhưng năm 2017, với nhiều sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn từ châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đang ở mức cao.

Ông Châu cũng dự đoán vốn đầu tư FDI vào bất động sản trong năm nay sẽ tăng cao hơn nữa.

Tác giả bài viết: Hiếu Công

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok