Giám đốc điều hành Herbert Diess của Volkswagen cho biết: “Chúng tôi đã làm việc hết sức mình để giải quyết những vấn đề trong quá khứ. Các bước đi tiếp theo là rất cần thiết để dần khôi phục lại niềm tin vào công ty, cũng như ngành công nghiệp ô tô.”
VW hiện vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt rắc rối khác ở cả trong và ngoài nước, bao gồm các thủ tục tố tụng pháp lý tại 55 quốc gia, và cả những cuộc điều tra về việc thao túng thị trường chứng khoán tại Đức. Các nhà đầu tư cáo buộc công ty thông tin quá muộn về những cuộc điều tra của chính quyền, trong khi phía VW lập luận rằng, chính bản thân hãng cũng không thể lường trước được mọi việc lại trở nên nghiêm trọng đến vậy.
Cổ phiếu của Volkswagen đã giảm 4,7% trong năm nay, khiến giá trị vốn hoá thị trường của hãng chỉ còn 79,5 ỷ euro.
Tính cả khoản tiền phạt mới này, VW đã phải bỏ ra 4 tỷ euro kể từ đầu năm đến nay để giải quyết các vụ việc liên quan đến bê bối gian lận khí thải. Còn nếu tính chung từ khi vụ bê bối bị vỡ lở, hãng xe của Đức đã phải chi ra 25,8 tỷ euro để dàn xếp các rắc rối. Tính đến cuối quý I năm nay, VW có lượng tiền mặt ròng vào khoảng 24 tỷ euro, cho phép hãng có đủ nguồn lực để giải quyết các vấn đề.
Theo chuyên gia phân tích Arndt Ellinghorst của Evercore ISI, việc phải nộp 1 tỷ euro tiền phạt dĩ nhiên là điều không mấy dễ chịu đối với VW, nhưng vụ việc đã đuợc xử lý ổn thoả, theo chiều hướng tích cực, và điều này còn quan trọng hơn những con số vật chất.
Trong khi VW đã dần ổn định lại bộ máy quản lý và bắt đầu tiền hành các cải cách nội bộ, cuộc khủng hoảng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Khoản tiền phạt 1 tỷ euro mới đây, chỉ có thể dàn xếp cuộc điều tra tại Braunschweig - nơi đặt toà án phụ trách thành phố Wolfsburg, chứ không ảnh hưởng đến các cuộc điều tra khác nhằm vào các cá nhân, những khiếu nại dân sự và vụ kiện của các cổ đông nhằm vào Volkswagen. Đó là chưa kể đến các cuộc điều tra từ Munich, nhằm vào thương hiệu Audi và từ Stuttgart nhằm vào thương hiệu Porsche.
Hôm qua 18/6, ông Rupert Stadler - CEO của Audi đã bị bắt giữ sau khi cơ quan điều tra Đức khám xết nơi ở của ông này, cùng một thành viên khác trong hội đồng quản trị Audi.
Vụ bê bối đã làm suy giảm nhu cầu đối với các loại xe diesel - yếu tố chủ chốt trong kế hoạch của các hãng xe nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn mới về khí thải của giới chức châu Âu, đồng thời đẩy nhiều nhà sản xuất ô tô vào diện bị nghi ngờ. Daimler AG - tập đoàn sở hữu thương hiệu xe sang Mercedes Benz - đã phải triệu hồi một lượng lớn xe trong tuần qua, sau khi giới chức Đức kết luận rằng hãng đã sử dụng các hệ thống trái phép để gian lận bài kiểm tra khí thải. Hãng xe có trụ sở tại Stuttgart đã chấp nhận nâng cấp phần mềm của 774.000 xe nhằm tránh phải nộp một khoản tiền phạt lớn.
Tác giả: Lạc Diệp
Nguồn tin: Báo Dân trí