Tìm kiếm thỏa thuận hạt nhân Iran mới và thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là những gì chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng theo đuổi. Tuy nhiên, những nỗ lực này của nước Mỹ đang vấp phải trở ngại rất lớn - đó là Iran đã không còn đủ niềm tin để đàm phán với Washington, trong khi Triều Tiên cũng đang dần thất vọng khi những động thái của Mỹ vẫn đang đi theo “lối mòn cũ” của các chính quyền tiền nhiệm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN |
Gần 2 tháng sau thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Singapore, Triều Tiên hôm qua (9/8) đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ tiếp tục theo đuổi các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng, bất chấp những động thái “thiện chí” gần đây của quốc gia Đông Bắc Á này trong việc hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định, những cam kết đã được đưa ra trong cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 6 vừa qua, sẽ không thể “cán đích” nếu Mỹ vẫn đi theo “kịch bản cũ” mà các chính quyền tiền nhiệm trước đây sử dụng. Và rằng những chính sách “vốn đã lỗi thời đó” chỉ đem lại kết quả “thất bại” trong cách thức giải quyết các vấn đề.
Những từ ngữ “kịch bản cũ, chính sách lỗi thời” mà Triều Tiên nhắc đến cho thấy rõ sự thất vọng phần nào của Bình Nhưỡng đối với những cử chỉ thiếu tình chất xây dựng lòng tin từ phía Mỹ.
Trong khi đó, khác hẳn với Mỹ, Triều Tiên đã có những bước đi thể hiện thiện chí của mình như: quyết định ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, phá hủy bãi thử hạt nhân, đồng thời trao trả các hài cốt binh sĩ Mỹ tử trận trong Cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Tuy nhiên, câu trả lời mới nhất của Washington cho các hành động của Bình Nhưỡng là việc đưa thêm một cá nhân và 3 thực thể nước ngoài có hợp tác với Triều Tiên vào danh sách trừng phạt mới – một động thái vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Triều Tiên, Nga và Trung Quốc.
Phía Triều Tiên khẳng định, chừng nào Mỹ vẫn đi theo kịch bản cũ mà các chính quyền tiền nhiệm đã cố công thực hiện, song đã thất bại, thì cộng đồng quốc tế cũng không nên kỳ vọng vào những bước tiến trong việc thực hiện tuyên bố chung giữa Mỹ và Triều Tiên về phi hạt nhân hóa.
Trong lúc Triều Tiên đang mất dần đi niềm tin vào Mỹ, thì 1 đối tác quan trọng của nước này là Iran lại tiếp thêm “1 gáo nước lạnh” cho niềm tin chưa thực sự đủ mạnh ấy của Bình Nhưỡng. Trong buổi tiếp Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đang ở thăm Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 9/8 tuyên bố, Mỹ là một quốc gia “không thể tin tưởng”.
Nhà lãnh đạo Iran cho rằng, hành động của chính quyền Mỹ trong những năm vừa qua cho thấy quốc gia này không đáng tin cậy trên trường quốc tế khi mà Mỹ không đáp ứng bất kỳ nghĩa vụ nào của mình. Đó cũng là lý do Iran đã bác bỏ đề xuất đàm phán vào phút chót mà Mỹ đưa ra trước khi tái áp một phần các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Tehran.
“Trước tiên, Tổng thống Donald Trump hãy cho thấy ông ấy có muốn tham gia đàm phán để giải quyết vấn đề hay không? Tổng thống Mỹ thực sự có ý định gì khi vừa áp đặt trừng phạt, vừa kêu gọi đàm phán cùng một lúc. Điều này giống như ai đó cầm con dao đâm đối thủ khi vẫn đang nói chuyện về các cuộc đàm phán. Hãy bỏ con dao đó đi và đến bàn đối thoại”, Tổng thống Rouhani nói.
Dường như Triều Tiên và Iran đang cùng chung 1 con thuyền, cùng chịu chung 1 chính sách đàm phán “đặc trưng” của chính quyền Tổng thống Donald Trump, là vừa gây sức ép, vừa đàm phán. Liệu rằng tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có diễn ra suôn sẻ hay những căng thẳng Mỹ – Iran có đến được hồi kết khi mà hai quốc gia muốn từ bỏ chương trình hạt nhân này đang mất dần niềm tin vào nước Mỹ?./.
Tác giả: Đình Nam
Nguồn tin: Báo VOV