Nhân ái

Vợ trẻ ôm 3 con thơ bất lực nhìn chồng chống chọi với bệnh hiểm nghèo

Hơn 2 năm anh mắc bệnh là chừng ấy thời gian chị cùng các con lâm vào cảnh cùng cực, không nhà cửa, không công việc. Đến giờ phút này, chị đã kiệt sức và bất lực. Người mẹ ấy chỉ biết ôm con mà khóc vì không biết xoay xở đâu ra tiền để tiếp tục hành trình chữa bệnh cho chồng.

Chị Cù Thu Huyền (SN 1982, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) tâm sự rằng chị đã phải bán đi tất cả những gì có thể bán, vay mượn tất cả những nơi có thể vay rồi. Căn nhà vợ chồng anh chị chắt bóp mua được cũng đã phải bán để cứu chữa cho anh.

Không còn tiền để nằm viện, anh Minh phải trở về nhà để điều trị

Hơn 2 năm anh bị bệnh là chừng ấy thời gian mẹ con chị dắt díu nhau đi ở trọ cũng như theo anh ra Hà Nội chữa bệnh. Hết nằm bệnh viện Bạch Mai đến bệnh viện Quân đội 108. Hơn 600 triệu tiền vay mượn và bán nhà đã đi theo căn bệnh của anh nhưng chồng chị đến giờ phút này cũng chỉ giữ được mạng sống và chấp nhận sống chung với căn bệnh quái ác.

Còn chị thì kiệt quệ, bế tắc, 3 đứa con chị đang tuổi ăn tuổi học nheo nhóc. Chị bảo đứa thứ 3 năm nay lên lớp 1 nhưng không có tiền, chắc phải để sang năm mới cho đi học.

Với căn bệnh quái ác nhưng mấy ngày nay thuốc đặc trị đã hết, chỉ còn vài vỉ thuốc được bảo hiểm phát

Nằm lọt thỏm giữa những căn nhà cao tầng là căn nhà gia đình chị tá túc. Căn phòng ẩm thấp, chật chội và tối om ấy là nơi ở của 5 con người, vợ chồng chị cùng 3 đứa con. Tôi đến căn nhà ấy vào ngày cơn mưa chiều dai dẳng lại càng thấy cái khung cảnh ấy trở nên ảm đạm hơn.

Trong căn nhà, chồng chị - anh Đỗ Anh Minh (SN 1982) với căn bệnh hiểm nghèo viêm tụy cấp hoại tử biến chứng suy đa tạng toàn ổ bụng, chỉ có thể nằm một chỗ. Đã hơn 2 năm nay rồi, căn bệnh khiến anh từ một người đàn ông trụ cột trong gia đình trở thành người mất hết sức khỏe. Không những mất sức khỏe, không còn sức lao động, anh còn trở thành gánh nặng cho vợ con.

Những phiếu thu hàng chục, hàng trăm triệu đồng khi anh Minh điều trị ở bệnh viện

Gặp tôi, người đàn ông ấy khóc rưng rức, những giọt nước mắt bất lực của người chồng, người cha khiến tôi cảm thấy xót xa vô cùng. Không day dứt sao được khi chính bản thân mình khiến vợ con khổ sở.

Anh buồn rầu tâm sự rằng hơn 2 năm trước bỗng nhiên anh phát hiện mình thi thoảng có những cơn đau bụng bất thường. “Mỗi lần cơn đau kinh khủng lắm, nhưng rồi phần vì không có tiền phần vì ham làm nên tôi mặc kệ chẳng đi khám gì. Mọi người khuyên nên đi khám và kiêng làm việc nặng. Nhưng công việc của tôi là phụ hồ, bốc vác, không làm thì lấy gì cho con cái ăn. Rồi tôi cứ để liều vậy. Chính vì thế khi phát hiện, bệnh đã quá nặng. Lúc phát hiện ra bệnh cũng là lúc vùng bụng của tôi đã bắt đầu hoại tử” – anh Minh đau đớn kể lại.

“Vì không có bảo hiểm nên những ngày điều trị tại bệnh viện, phải lọc máu, một ngày chi phí lên đến 30 – 35 triệu đồng. Để cứu lấy mạng sống cho tôi, vợ tôi đã phải gửi con, bán căn nhà của hai vợ chồng. Hơn 2 năm qua, chi phí chữa bệnh cho tôi đã ngốn hết sạch số tiền vợ bán nhà, rồi vay mượn nữa nhưng bệnh vẫn không khỏi. Bác sĩ nói tôi phải sống chung với căn bệnh suốt đời. Vợ tôi ngày trước bán rau vặt vãnh ngoài chợ, từ ngày tôi bị bệnh, cô ấy cũng không thể làm gì vì suốt ngày đưa tôi đi viện. Giá ngày đó ông trời bắt tôi chết đi để tôi khỏi làm khổ vợ con, chứ sống mà bắt vợ con mang nợ, là gánh nặng cho vợ con thế này tôi đau lòng lắm” – Nói rồi anh len lén quay đi giấu giọt nước mắt đang chực chảy ra trên khóe mắt bởi anh biết mỗi lời anh nói ra là như ngàn mũi kim đâm vào trái tim người vợ trẻ.

Những đứa trẻ con của anh chị ngây thơ không hiểu rằng con đường học của bản thân có thể phải dừng vì bệnh tình của bố

Tôi hiểu rằng, người đàn ông ấy muốn khóc biết nhường nào để giải tỏa nỗi khổ giằng xé, nỗi bất lực với bản thân mình nhưng anh chẳng thể khóc, đau đớn anh cũng không dám kêu, cứ một mình nghiến răng chịu đựng vì sợ vợ và các con đau lòng. Anh nằm đó, mỗi giọt nước mắt cả một biển trời đau khổ đang nuốt ngược vào trong.

Chị Huyền, vợ anh ngồi bên tôi cũng sụt sùi, chị bảo nhà chẳng còn gì để bán nữa nên anh về nhà điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ. Khi nào nguy cấp thì lại ra Hà Nội để họ lọc máu.

Tranh thủ những ngày anh ở nhà điều trị, chị Hiền lại cuốn chả mang ra chợ bán để kiếm miếng cơm qua ngày cho chừng nấy con người

Mấy ngày nay, thuốc của anh cũng đã hết, các con của chị chuẩn bị vào năm học mới mà chị chẳng biết kiếm đâu ra tiền. Chị chỉ biết tranh thủ những ngày anh ở nhà, lại gom ít rau và làm chả cuốn mang ra chợ bán.

Tôi không biết rồi đây, người phụ nữ ấy sẽ phải xoay xở ra sao trên hành trình chữa bệnh cho chồng khi mà miếng cơm manh áo của chừng nấy con người trong gia đình với chị còn khó khăn và việc học hành của các con chị còn trên bờ vực phải bỏ giữa chừng?

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Mã số 2625: Chị Cù Thu Huyền, số nhà 14, Kiều đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa

SĐT: 0973.955.055

Tác giả: Nguyễn Thùy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok