Ở nhà với vợ con đã đành, vì thôi thì Thùy cũng chấp nhận “sống chung với lũ”. Cô tự an ủi mình rằng anh thương vợ con và hướng về gia đình là được, đầy người đàn ông còn tệ bạc lắm kia. Thế nhưng ra ngoài gặp gỡ bạn bè, trong khi chồng những người khác thì giỏi giao tiếp, ga lăng với vợ trước mặt bạn để vợ được sĩ diện, Đức lại chẳng bao giờ làm được những điều như thế.
Chưa hết, nhà Thùy có ba chị em đều là gái, cô là út, trong khi các anh rể khác nhanh mồm nhanh miệng, khéo léo lấy lòng bố mẹ cô, mua quà tặng những ngày lễ Tết nọ kia thì Đức hoàn toàn kém trong khoản ấy. Những dịp đại gia tình tụ họp, chồng của các chị cô đều xông xáo vào bếp giúp đỡ phụ nữ nấu ăn, còn nịnh nọt khiến các bà các cô cười tít mắt, hầu chuyện các bậc cha chú đâu ra đấy khiến ai cũng gật gù khen, duy chỉ có Đức là lúc nào cũng im im như người vô hình. Vì vậy, anh trở nên xa cách với anh em họ hàng nhà Thùy, không được mọi người quý mến, thậm chí còn bị so sánh, phàn nàn sau lưng. Bố mẹ Thùy cũng chẳng mấy ưng ý anh con rể vô tâm và khô khan này, cứ mỗi lần gặp Thùy là lại kêu ca, phê bình, bảo cô phải “cải tạo” lại anh khiến cô nẫu hết cả ruột gan.
Chuyện sẽ vẫn như thế nếu như không có một sự việc xảy ra. Đó là bố Thùy phải nhập viện. Bệnh tình của ông không quá nghiêm trọng nhưng thời gian nằm viện không hề ngắn. Tính cả thời gian chờ phẫu thuật và hồi phục hậu phẫu cũng lên đến cả tháng trời. Cả nhà Thùy nháo nhác lên vì việc đó. Bởi ngoài kinh tế để lo điều trị cho ông, thì còn phải sắp xếp người vào chăm sóc ông mỗi tối nữa, trong khi các con ai cũng bận việc công ty, việc nhà và con cái.
Mẹ Thùy sức khỏe kém, không thể liên tiếp thức đêm trông bố cô trong bệnh viện, được vài buổi là bà đã đổ bệnh, chỉ còn ba chị em gái cô phải phân công công việc với nhau. Mấy anh rể của cô cũng đều xung phong tham gia vào việc chăm nom bố cô. Nghĩ đến Đức là cô lại muốn thở dài. Giờ cô bảo anh sắp xếp công việc tới trông bố mình trong viện không biết anh có đồng ý không, phải làm sao để thuyết phục, nếu anh không đồng ý thì ăn nói với nhà mình thế nào đây?
Nhưng dường như Thùy đã lo bò trắng răng. Bởi khi cô chưa nói hết câu thì Đức đã đáp ngay: “Anh cũng đang bảo để anh cùng mọi người vào viện trông bố. Công việc của anh có thể thu xếp được!”. Khỏi nói Thùy mừng hơn bắt được vàng.
Những ngày sau đó, mỗi khi đến phiên mình Đức đều vào viện từ sớm rồi sáng mới trở về, chăm sóc bố vợ rất tận tình. Thậm chí khi hai anh rể của Thùy mỗi người trông bố vợ được hai, ba hôm thì đều lấy cớ bận công việc nọ kia để vắng mặt nhưng Đức thì không thể. Anh thậm chí còn nhận luôn phần của hai anh rể cô, bởi như anh nói thì “anh khỏe hơn mấy chị em phụ nữ bọn em mà, anh trông bố được”.
Mấy hôm sau Đức còn đưa Thùy một số tiền, bảo cô đưa cho mẹ giúp bà lo thêm vào viện phí cho bố: “Anh mới được thưởng, cũng chẳng có nhiều”. Thùy cảm động muốn rơi nước mắt, khi cô đưa tiền cho mẹ, bà cũng xúc động mãi không thôi. Bởi hai chàng rể quý hóa kia của bà thì dạo này lặn mất tăm, chứ đừng nói là biếu tiền cho bố vợ chữa bệnh.
Một tháng ròng rã bố Thùy nằm trong viện, cuối cùng hóa ra người chăm sóc ông nhiều nhất lại chính là Đức – cậu rể út mà ông không có mấy cảm tình. Lúc ông ra viện, rõ ràng thái độ của ông với Đức đã thay đổi 180 độ. Mỗi lần Đức tới chơi nhà, dù anh vẫn ít nói như thế nhưng bố vợ thì vui mừng hớn hở, rót nước tiếp chuyện như khách quý.
Thùy thấy vậy thì vui lắm. Cô cũng không ngờ, người chồng ít nói, vô tâm, thiếu chu đáo, không biết giao tiếp và khô như ngói của mình, lại là một người có tấm lòng đáng quý tới vậy. Còn mẹ Thùy thì thi thoảng lại tặc lưỡi: “Đúng là hoạn nạn mới biết ai chân tình!”.
Tác giả bài viết: Phạm Giang
Nguồn tin: