Bị kiện chiếm đoạt tài sản của chính mình?
Trong cuộc gặp duy nhất với báo chí suốt 5 năm qua, ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhắc lại việc vợ ông – bà Lê Hoàng Diệp Thảo từng giả chữ ký của ông để bán toàn bộ cổ phần Trung Nguyên (TNG) ở công ty Trung Nguyên International với giá 1 SGD. Chi tiết này đã khiến vụ việc 3 năm trước “nóng” trở lại.
Theo đó, cuối năm 2015, đầu năm 2016, TNG do ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm đại diện đã khởi kiện công ty Trung Nguyen International (TNI, tiền thân là Trung Nguyen Singapore - TNS) được đại diện bởi bà Lê Hoàng Diệp Thảo lên tòa án Singapore.
Phía TNG cho rằng, bà Diệp Thảo đã giả chữ ký, trộm con dấu để chuyển giao trái phép và gian lận 7.520.800 cổ phiếu của ông Vũ, gây thiệt hại cho nguyên đơn.
“Cuối tháng 11/2015, tôi bàng hoàng nhận được trát của Tòa án do TNG kiện tôi vì đã chuyển giao trái phép cổ phần của TNG, dựa trên cáo buộc rằng tôi đã giả mạo chữ ký của anh Vũ, nhằm “cướp” công ty TNS. Tôi run bắn người, không hiểu chuyện gì đang xảy ra”, bà Thảo kể lại trên trang cá nhân.
Theo khẳng định của bà Thảo thì bà “không bao giờ ký chữ ký của người khác. Việc tuân thủ pháp luật là việc cơ bản nhất mà một doanh nhân cần phải làm!”.
Vợ của “vua cà phê” cũng cho rằng, việc khởi kiện nói trên là không có cơ sở, chỉ nhằm triệt hạ uy tín của người sáng lập TNS để buộc bà phải đầu hàng. “Tại TNG và TNS vợ chồng Trung Nguyên sở hữu chung trên 90% số cổ phần. Thật là vô lý khi khởi kiện mình về chiếm đoạt tài sản của chính mình!”, bà Thảo bình luận.
"Tại sao tôi lại phải gian lận và giả mạo nhằm lấy chút tài sản nho nhỏ mà lại là của chính mình?", bà chia sẻ thêm trên trang cá nhân.
Cho biết TNS do chính một tay mình sáng lập, bà Thảo thuật lại: Năm 2008, bà sang Singapore phát triển mạng lưới kinh doanh quốc tế của Trung Nguyên. Ngày 28/4/2008, Công ty Trung Nguyen Singapore Pte., Ltd được thành lập (viết tắt là TNS, sau này đổi tên là Trung Nguyen International Pte., Ltd – viết tắt là TNI) với mã số đăng ký tại Cơ quan quản lý kế toán và Doanh nghiệp Singapore (ACRA) là 200808224R.
Trên Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 150/BKH-ĐTRNN ngày 7/7/2008 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp cũng chứng nhận bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người đầu tư ra nước ngoài để thực hiện dự án TNS. TNS có số vốn đăng ký ban đầu tại ACRA là 50.000 SGD, được khẳng định là số tiền cá nhân của bà Thảo, với 1 chủ sở hữu duy nhất là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Ngày 11/1/2011, bà Thảo và TNG ký hợp đồng chuyển nhượng 520.800 cổ phần mà mình nắm giữ cho TNG. Do vừa là người ký hợp đồng bán TNS nhưng cũng chính là người ký thanh toán cho chính mình nên giao dịch này không có giá trị pháp lý. Trong khi đó, việc bán lại các cổ phần với giá tượng trưng 1 đôla Singapore theo bà Thảo là đã được chấp nhận bởi cơ quan ACRA của Singapore vào ngày 10/7/2015.
Một phần hợp đồng chuyển nhượng cổ phần TNS của bà Lê Hoàng Diệp Thảo với TNG vào năm 2011 |
Đề nghị trả con dấu nhiều lần nhưng Trung Nguyên… không chịu nhận?
Trước đó vào hồi tháng 3, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã thắng kiện bà Lê Hoàng Diệp Thảo trong vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNH) do ông Vũ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép các con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của TNH và các công ty con trực thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
Tại vụ kiện này, Hội đồng xét xử TAND TPHCM chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện và đã tuyên buộc bà Thảo trả lại con dấu đã chiếm giữ trái phép cũng như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của TNH.
Song về phần bà Diệp Thảo, bà khẳng định rằng, mọi việc bắt đầu từ việc TNG đột ngột đình các đơn hàng xuất khẩu vào đúng dịp chuẩn bị dịp Noel và đón năm mới. Nếu giao chậm trễ, công ty của bà sẽ bị phạt hợp đồng lên đến hơn 4,8 triệu USD cho 44 đơn hàng.
Vì thế, vào ngày 16/10/2015, bà đã đích thân đến TNG lấy con dấu do bà đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên. Vì biết rõ bà Diệp Thảo là chủ của Trung Nguyên nên nhân viên thư ký đã giao toàn bộ con dấu và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Tập đoàn cho bà.
Sau khi xử lý xong công việc, đưa TNG khỏi nguy cơ bị phá vỡ hệ thống phân phối quốc tế, bà Thảo cho biết, nhiều lần bà đã đề nghị bàn giao lại con dấu và các giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các Công ty, tuy nhiên phía TNG từ chối không nhận lại (đã được làm vi bằng bởi văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh).
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo trong thời gian qua cũng luôn khẳng định về một “âm mưu cướp trắng Trung Nguyên” của một nhóm được ông Đặng Lê Nguyên Vũ ký ủy quyền là “Tổ vận hành” gồm 4 người.
“Khi buộc phải lên tiếng về Trung Nguyên sau nhiều năm âm thầm làm việc và hậu thuẫn chồng, tôi vô cùng đau xót. Trung Nguyên là “đứa con” yêu quý của gia đình chúng tôi, về mọi nghĩa. Nhưng người ta đang muốn cướp trắng Trung Nguyên bằng mọi giá, nhất là khi điều kiện ngày càng thuận lợi: ông chủ thì không minh mẫn mà bà chủ thì bị tước quyền”, bà Lê Hoàng Diệp Thảo giãi bày trên trang cá nhân.
Còn ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong lần gặp gỡ duy nhất với báo chí trong 5 năm vừa qua diễn ra gần đây đã đáp lại rằng, mặc dù ở trên núi song ông thấu hiểu mọi chuyện và tường tận từng ngõ ngách của công ty.
“Với Trung Nguyên này từng ngõ ngách, Qua đều biết, Qua đã chuẩn bị cho những người anh em của Qua... Mọi người cứ thế thực thi và tập đoàn vẫn tồn tại và phát triển. Qua ở trên núi nhưng Qua biết hết”, ông Vũ nói như vậy với các phóng viên.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí