Nhân ái

Vợ liệt sĩ mong có căn nhà mưa không dột, nắng không chói vào để thờ chồng

Hơn 80 tuổi, cụ Miêng mắt đã mờ, tóc đã bạc, chân đi không còn vững nhưng vẫn phải ở một mình trong căn nhà mưa thì dột, nắng thì chiếu vào nhà, gió bão thì nơm nớp lo sập. Ước mơ duy nhất trước khi chết của cụ đó là xây được một căn nhà vài gian để thờ chồng – liệt sỹ Lương Khắc Thứ, hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ bảo vệ Tổ Quốc.

Liệt sĩ Lương Khắc Thứ (SN 1937) tham gia kháng chiến chống Mỹ và vĩnh viễn nằm lại ở mặt trận Cồn Cỏ năm 1967, để lại người vợ trẻ cùng 3 đứa con thơ dại. Năm ấy, cụ Miêng mới ngoài 30 tuổi. Chồng mất, cụ tần tảo nuôi con khôn lớn trưởng thành. Thế rồi, các con cụ, người mất, người đi xa. Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, cụ còm cõi sống trong căn nhà rách nát, chỉ chực sập.

Tôi đến thăm cụ Phạm Thị Miêng (82 tuổi, thôn 9, xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vào một ngày cuối tháng 6 nắng gay gắt. Tôi nhớ mãi cái hình ảnh thấy khách đến, cụ vội vàng đi thu dọn mấy cái chậu để trong nhà và trải lại chiếc chiếu rồi thật thà “Tối qua mưa, nhà dột hết, phải dùng chậu để hứng và gấp chiếu lại không nước chảy vào. Hôm nay thì lại nắng to rồi, nắng chiếu cả vào trong, cô thông cảm, cụ già rồi cũng chẳng có tiền mà sửa sang lại”.

Cụ Miêng bên tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sỹ Lương Khắc Thứ đã bị nước mưa dột vào nhà làm nhòe nhoẹt, mốc ố
Cụ Miêng bên tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sỹ Lương Khắc Thứ đã bị nước mưa dột vào nhà làm nhòe nhoẹt, mốc ố

Rồi cụ bảo căn nhà cụ ở đã ngót hơn nửa thế kỷ rồi, không có tiền nên chưa sửa lần nào. Đó là căn nhà của bố mẹ chồng cụ để lại. Đã mười mấy năm nay cụ không dám ngủ trên căn nhà này mà phải kê chiếc giường dưới bếp nấu ăn để ngủ phần vì ngày mưa thì dột, ngày nắng thì ánh nắng chiếu vào khắp nhà. Ngói trên nóc đã vỡ lã chã, mùn, mỗi khi có gió những mùn ngói này lại bay cả vào người. Những ngày gió bão thì cụ sợ lắm, cứ co ro dưới bếp vì sợ nhà sập.

Đúng là căn nhà hơn nửa thế kỷ chưa một lần được sửa chữa. Tôi nhìn đâu cũng thấy những tấm bìa cát tông, tấm bì gai cụ chằng trên nóc để tránh mưa nắng. Ngay cả gian giữa để thờ tổ tiên và cụ ông thì cũng bị hổng hoác không có ngói, cụ Miêng phải nhét một cục bao bì to đùng. Những mảng tường vôi vữa đã đổi màu, bong tróc, lở loét từng tảng.

Trời mưa khiến cụ phải dùng chậu hứng nước và cuốn chiếu lại để nước mưa không chảy vào
Trời mưa khiến cụ phải dùng chậu hứng nước và cuốn chiếu lại để nước mưa không chảy vào

Cụ bảo tấm bằng ghi công của cụ ông cũng vì bị nước mưa dột vào mà giờ mốc và bị rách rất nhiều, cụ không dám treo nữa mà phải gấp lại cất đi.

Rồi cụ ngậm ngùi khi nhớ về cái ngày nhận tin ông hy sinh ở chiến trường: “Lấy nhau được hơn 10 năm, sinh được 3 người con thì ông ấy hy sinh. Ngày nhận giấy báo tử của ông ấy mà tôi không dám tin là sự thật, ngày nào cũng khóc suốt. Ngày đó đói lắm, sợ rồi không biết sẽ sống và nuôi con như thế nào. Thế rồi, thời gian cứ trôi đi, mẹ con có rau ăn rau, cháo ăn cháo rồi chúng cũng cứ sống và lớn lên. Nhìn đi ngoảnh lại cũng đã hơn 50 năm qua rồi, tôi cũng lại sắp về với tổ tiên rồi”

Nhắc về các con của cụ, cụ thở dài, như có cái gì đó nghèn nghẹn ở cổ họng người mẹ này: “3 đứa thì một đứa đã mất từ lâu, chỉ còn hai nhưng chúng đi xa hết. Chúng ở cách tôi hàng nghìn cây số, thằng con trai ở trong Huế thì mỗi năm về thăm mẹ được một lần. Nó cũng là thương binh nên sức khỏe cũng yếu, còn con gái thì chồng mất, hoàn cảnh lắm. Đã 6-7 năm nay nó không về thăm tôi rồi. Chúng cũng thương mẹ nhưng hoàn cảnh khó khăn cả”.

Nơi thờ cúng tổ tiên và liệt sỹ Lương Khắc Thứ phải dùng bìa cát tông để chống mưa dột, nắng chiếu vào
Nơi thờ cúng tổ tiên và liệt sỹ Lương Khắc Thứ phải dùng bìa cát tông để chống mưa dột, nắng chiếu vào

Những nơi có đồ đạc, cụ Miêng phải dùng bạt để che

“Chỉ tủi nhất là khi ốm khi đau, chẳng có đứa con đứa cháu nào ở gần. Người ta có con có cháu chăm bẵm tuổi già, mình thì cứ cô đơn mãi. Tủi thân thân lắm cô ạ. Tiền nhà nước trợ cấp thì kể có ăn cũng không hết được, mỗi tháng hơn 1 triệu nhưng rồi ốm đau hết cô ạ. Tháng nào cũng tiêu vào thuốc thang hết. Gìa rồi, đủ thứ bệnh. Muốn gom mấy đồng sửa cái nhà cũng không có”.

Khi được hỏi về mong ước của cụ trước lúc nhắm mắt xuôi tay, cụ bảo: “Tôi chỉ mong có ít tiền sửa sang lại nhà cửa làm nơi thờ tổ tiên và ông nhà tôi chứ nhà này giờ xuống cấp lắm rồi, gió bão chỉ chực sập thôi”.

Căn bếp- nơi cụ Miêng kê chiếc giường để ngủ cũng phải che tấm bạt lại để không bị mưa dột
Căn bếp- nơi cụ Miêng kê chiếc giường để ngủ cũng phải che tấm bạt lại để không bị mưa dột

Cái ước mơ nhỏ nhoi của cụ Miêng khiến chúng tôi không khỏi nhói lòng, mùa mưa bão đến gần, không biết căn nhà ấy có còn đủ sức để chống chọi? “Gần đất xa trời”, liệu ước mơ của cụ có trở thành hiện thực?

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Cụ Phạm Thị Miêng, thôn 9, xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Tác giả: Nguyễn Thùy

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: vợ liệt sĩ , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok