Trong nước

Vợ lấy luôn thẻ ATM của chồng, cha mẹ bắt con đi học thêm suốt có phải bạo lực gia đình?

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng nói việc nhận diện hành vi cụ thể có phải là bạo lực gia đình không là rất khó, nên cơ quan soạn thảo cố gắng phân làm 4 nhóm và nhận diện thành 16 biểu hiện như dự thảo luật sửa đổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Phú Cường - Ảnh: PHẠM THẮNG

Sáng 16-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Nghiên cứu kỹ biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” là một nội dung mới quy định ở điều 33 dự thảo luật. Do đó cần rà soát, đánh giá kỹ đảm bảo quy định tương thích với các điều ước quốc tế.

Ông nói: cơ quan soạn thảo có viện dẫn Luật thi hành án hình sự có hình phạt cải tạo không giam giữ tương tự thế này. Nhưng một bên là quyết định của tòa, còn một bên là quyết định hành chính của chủ tịch UBND cấp xã. Vì vậy, cần rà soát để thuyết phục hơn với đại biểu Quốc hội.

Cạnh đó, ông cho hay nên có quy định những trường hợp nào được loại trừ trong quy định để tương thích với các luật khác.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định trong dự thảo luật về thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 24 giờ và không quá 8 giờ mỗi ngày cao hơn rất nhiều biện pháp của tòa.

"Tòa chỉ xử phạt 4 giờ/ngày và không quá 5 ngày/tuần, còn đây 8 giờ/ngày thì sẽ khó làm được việc gì khác", ông Huệ nêu.

Một điểm được Chủ tịch Quốc hội chỉ ra đó là cần đảm bảo tính khả thi của quy định này. Bởi có nhiều trường hợp vi phạm ở địa phương nhưng lại là người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương thì khó làm được việc lao động ở đó. Bên cạnh đó, "một ông đi làm hai ông đi trông thì lấy đâu người mà đi trông".

Từ đó Chủ tịch Quốc hội nói nếu như có biện pháp này thì chỉ coi như biện pháp bổ sung cần thiết, còn thành chế tài như tòa tuyên sẽ khó thực hiện, chưa kể không phải xã lúc nào cũng có việc công ích, phục vụ cộng đồng.

Ông nêu rõ do đây là chính sách mới nên nếu giữ cần lấy ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: PHẠM THẮNG

Bắt con đi học thêm suốt là bạo lực gia đình?

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Phú Cường bày tỏ băn khoăn về điều 3 dự thảo quy định định nghĩa hành vi bạo lực gia đình.

Ông nói tại điểm e điều 3 nêu quy định ngăn cản thành viên gia đình ra khỏi nhà, gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh là hành vi bạo lực gia đình.

Tuy nhiên khi thảo luận tổ, có ý kiến đại biểu chỉ ra việc có con, cháu 16 - 17 tuổi cuối tuần không chịu đi học mà định cùng nhóm bạn đi chơi, phượt song gia đình không cho. Khi gia đình không cho đi thì con cháu tố cáo là bị bạo lực gia đình thì có đúng không?.

Theo ông Cường, điều 3 này quy định về cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức. Nhưng rất nhiều bố mẹ, gia đình ngoài việc học chính thống ở trường sẽ bắt con đi học thêm suốt.

"Những hành vi đó mà con tố cáo thì việc mẹ thường xuyên đưa con đi học có phải hành vi bạo lực gia đình không?", ông Cường hỏi.

Cùng với đó, điểm o quy định việc cưỡng ép thành viên đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính được coi là bạo lực gia đình.

Về điều này, ông Cường cho hay ở nước ngoài mặc dù là vợ chồng nhưng không thể biết, không thể kiểm soát thu nhập lẫn nhau, chồng có tài khoản riêng, vợ có tài khoản riêng.

"Còn ở Việt Nam, vợ chồng có tài khoản chung, thậm chí vợ lấy luôn ATM của chồng, có phải bạo lực gia đình không?", ông Cường nêu vấn đề.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết việc nhận diện hành vi cụ thể có phải là bạo lực gia đình không là rất khó.

“Ngay các cơ quan truyền thông cũng đưa lên là liệu không nghe điện thoại có phải là bạo lực không, tương tự Thường vụ hỏi, việc này việc khác rất khó. Ví dụ không nghe điện thoại người ta nói là bạo lực mạng.

Nếu như cứ đi vào từng thực tiễn, từng vụ việc để cố gắng khu trú lại từng hành vi quả thực rất khó. Cho nên cơ quan soạn thảo cố gắng phân ra làm 4 nhóm và nhận diện thành 16 biểu hiện", ông Hùng giải thích.

Ông nói thêm đến nay cơ bản đã bao quát được tình hình lĩnh vực, đặc biệt nhận diện sâu hơn một chút về bạo lực tinh thần.

Tác giả: Thành Chung

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok