Thế giới

VN lên tiếng về phát ngôn của ứng viên ngoại trưởng Mỹ

Năm 2017 sẽ chứng kiến nhiều hoạt động đối ngoại của Việt Nam, trong đó tổ chức APEC là minh chứng rõ nét nhất cho hội nhập sâu rộng của đất nước.

Trong cuộc họp báo ngày 12/1, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước bình luận rằng Trung Quốc nên bị cấm tới các đảo nhân tạo ở Biển Đông của ông Rex Tillerson, người được đề cử cho chức ngoại trưởng Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ:

"Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu chung, lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực”.

“Chúng tôi cho rằng các bên liên quan, các bên trong và ngoài khu vực đều phải có trách nhiệm đóng góp mang tính xây dựng vào mục tiêu chung cũng như bảo đảm những lợi ích chung này”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Trong họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết năm 2017, Việt Nam sẽ "ưu tiên hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng".

2017 là năm diễn ra nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước như "kỷ niệm 40 năm Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc, 50 năm thành lập ASEAN và nhiều chuyến viếng thăm cấp cao quan trọng", ông Lê Hải Bình cho biết.

Ông đánh giá việc Việt Nam hai lần được chọn đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) trong vòng 10 năm là "minh chứng sinh động cho thấy sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam".


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tại cuộc họp báo chiều 28/1. Ảnh: Hoàng Hà.

Người phát ngôn cũng tóm lược những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong năm 2016, nói đây là "năm sôi động" về đối ngoại của đất nước.

Năm ngoái, Việt Nam đón gần 30 nguyên thủ quốc gia ghé thăm, tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế như hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mekong (WEF - Mekong), hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 8 (CLMV)...

"Việt Nam tới nay đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước và quan hệ toàn diện với 10 nước, trong đó bao gồm các cường quốc và các quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", ông Lê Hải Bình cho biết. Việt Nam cũng chủ động tham gia hơn 70 cơ chế từ khu vực tới quốc tế.

Liên quan đến việc Việt Nam đàm phán với Ấn Độ để mua hệ thống tên lửa Akash, ông Lê Hải Bình chưa xác nhận thông tin này nhưng khẳng định rằng Việt Nam "kiên trì chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ".

"Việc mua sắm trang thiết bị quân sự nếu có cũng hoàn toàn phù hợp với chính sách này, đó là việc làm hoàn toàn bình thường để bảo vệ đất nước", ông nói.

Tác giả bài viết: Ngụy An - Thế Long

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok