Sáng nay, ngày thứ hai của phiên tòa, VKS quân sự Trung ương đề nghị Tòa án quân sự Trung ương xem xét các tình tiết giảm nhẹ hình phạt với bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út “Trọc”, cựu thượng tá, nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng).
Cơ quan công tố nhận thấy việc bị cáo Hệ kêu oan cho hai tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức là không có cơ sở.
Ở hành vi chủ mưu làm giả hợp đồng hợp thức hóa số xăng dầu kém chất lượng bị lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra, dù bị cáo không thừa nhận song lời khai của nhiều người khác đã chứng minh việc kết tội là có căn cứ.
Bị cáo Hệ sử dụng bằng tốt nghiệp đại học giả là có "chủ đích rõ ràng" khi nhiều lần kê khai vào bảng lương, hồ sơ để nâng quân hàm và đây là hành vi phạm pháp.
Theo VKS quân sự trung ương, việc bản án sơ thẩm không chấp nhận xem xét các huân, huy chương của bị cáo là "chưa đúng pháp luật". Bị cáo Hệ vào quân đội từ năm 1994, đến trước khi bị khởi tố đã được nhận huân, huy chương và nhiều bằng khen của cơ quan, tổ chức. Hiện chưa có cơ quan, tổ chức nào đề nghị tước bỏ vì thế VKS đề nghị cấp phúc thẩm xem xét việc này.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa phúc thẩm mở ngày 30-31/10. Ảnh: TTXVN |
Về kháng cáo của ông Phùng Danh Thắm (cựu đại tá, cựu tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn), VKS thấy ông đã không làm hết trách nhiệm với bị cáo Hệ để cấp dưới này cho thuê, mượn hàng chục ôtô biển xanh, đỏ. Ông Thắm để ông Hệ cấu kết với các quân nhân khác làm giả hợp đồng nhằm trốn tránh xử phạt kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, gây thất thoát cho nhà nước. Hành vi của ông Thắm là thiếu trách nhiệm.
Do ông Thắm phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp khi giữ chức tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn và được cấp dưới nhiều lần có đơn xin giảm nhẹ, VKS đề nghị tòa xem xét xử phạt ở loại hình khác, nhẹ hơn.
VKS bác kháng cáo của ông Trần Văn Lâm (cựu tổng giám đốc Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P) do không có cơ sở. Mức án 5 năm là cấp sơ thẩm đã xem xét, giảm nhẹ.
VKS quân sự trung ương thấy, trung tá Cung Đình Minh (Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) không liên quan vụ án phúc thẩm song lại quản lý 30% vốn tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P.
Trong biên bản họp cổ đông, cùng với ông Hệ và một số cán bộ, ông Minh đã đồng ý cho thế chấp 4 chiếc ôtô. VKS quân sự Trung ương đề nghị xử lý ông Minh và những người khác nhằm đảm bảo công bằng, nghiêm minh.
Theo bản án sơ thẩm, khi giữ chức chủ tịch HĐQT Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, ông Hệ (công ty con của Tổng công ty Thái Sơn) đã đề nghị Ban lãnh đạo Tổng công ty Thái Sơn mua ôtô bằng vốn tự có và đăng ký biển quân sự và biển xanh 80A.
Ông Hệ chỉ đạo ông Lâm thế chấp, cho thuê, mượn 28 trong 39 xe biển quân sự, biển xanh 80A, thu lời bất chính hơn 6 tỷ đồng. Việc đăng ký, cho thuê, thế chấp các xe này đã gây thất thoát hơn 3 tỷ đồng do không nộp thuế trước bạ.
Ông Hệ còn chỉ đạo bị cáo Lâm, Sơn cùng với ông Tiệp làm giả hợp đồng gửi, giữ 20.000 lít xăng kém chất lượng để không bị Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương xử phạt gần 1,5 tỷ đồng.
Năm 2000, ông Hệ mua bảng điểm và bằng tốt nghiệp giả ĐH Kinh tế quốc dân, chuyên ngành quản trị. Trong nhiều năm, bị cáo đã dùng giấy tờ giả này để đưa vào hồ sơ xét nâng lương, thăng quân hàm tới thượng tá.
Tác giả: Việt Dũng
Nguồn tin: Báo VnExpress