Sáng 23/5, phiên tòa xét xử 3 bị cáo trong vụ án chạy thận xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục diễn ra.
HĐXX vụ án chạy thận sáng 23/5. |
Tại phiên tòa hôm nay, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hòa Bình giữ quyền công tố đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Trên cơ sở căn cứ pháp luật và lời khai tại Tòa cũng như tại cơ quan điều tra, đại diện Viện Kiểm sát nhận định:
Bị cáo Hoàng Công Lương (bác sỹ điều trị tại đơn nguyên thận nhân tạo, khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 là đúng quy định pháp luật.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1999 là đủ căn cứ và đúng pháp luật.
Bị cáo Trần Văn Sơn (nhân viên Phòng Vật tư – Thiết bị BVĐK tỉnh Hòa Bình) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 là đúng quy định pháp luật.
Theo nhận định của đại diện VKS, tuy bị cáo Lương trong quá trình điều tra và xét xử đã không nhận tội nhưng có tình tiết giảm nhẹ là đã tích cực cấp cứu cho bệnh nhân, người nhà nạn nhân xin giảm nhẹ cho bị cáo. Hành vi của Quốc, Sơn, Lương là nguyên nhân dẫn đến 9 người tử vong.
VKS cũng đề nghị Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và công ty Thiên Sơn phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân.
Đại diện VKS đề nghị mức án với các bị cáo trong vụ án |
Trên cơ sở đó, VKS đưa ra mức án đề nghị với các bị cáo như sau:
Bị cáo Hoàng Công Lương từ 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc, từ 5 - 6 năm tù về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1999.
Bị cáo Trần Văn Sơn từ 4 - 5 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999.
Trong bản luận tội, VKS cho rằng, việc bị cáo Lương ra y lệnh khi hệ thống RO số 2 chưa được bàn giao là nguyên nhân gây nên chết người. Nếu bị cáo báo cáo với trưởng khoa về việc này thì trách nhiệm đã bị loại trừ.
VKS cũng khẳng định không có việc mớm cung trong quá trình điều tra nên không thể có “lời khai sinh đôi”.
Bên cạnh đó, trong việc này có kẽ hở của Bộ Y tế và Sở Y tế Hòa Bình trong việc chạy thận./.
Sáng 29/5/2017, sự cố nghiêm trọng xảy ra tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình) khiến nhiều bệnh nhân tử vong. Đây được xem là sự cố y khoa nghiêm trọng nhất trong lịch sử y học Việt Nam. Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng vào cuộc xác định, có tồn dư hóa chất khử khuẩn trong hệ thống nước RO. Quá trình điều tra, ngày 22/2/2018, cơ quan chức năng đã truy tố, đưa ra xét xử với 3 bị cáo Bùi Mạnh Quốc về tội "Vô ý làm chết người " theo quy định tại khoản 2 Điều 98 BLHS năm 1999 (nay là khoản 2 Điều 128 BLHS năm 2015), Trần Văn Sơn và bị can Hoàng Công Lương về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999 (nay là khoản 3 Điều 360 BLHS năm 2015). Trước đó, trong phiên tòa diễn ra sáng 7/5, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa do các luật sư bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương đều vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên toà. Đến 15/5, phiên tòa được mở lại./. |
Tác giả: Lê Tùng
Nguồn tin: Báo VOV