Kinh tế

VietJet muốn là công ty Việt đầu tiên niêm yết ở nước ngoài

Hãng hàng không giá rẻ VietJet đang trao đổi với một số sàn chứng khoán nước ngoài nhằm huy động thêm vốn sau các kế hoạch mua máy bay trị giá hàng tỷ USD.

"Một số sàn giao dịch nước ngoài, như London, Hong Kong hay Singapore đã tìm đến chúng tôi. Họ đều tỏ ra khá hứng thú với cổ phiếu VietJet", bà Nguyễn Thị Phương Thảo - nhà sáng lập kiêm CEO VietJet cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm qua. Tuần này, bà cũng sẽ có cuộc gặp quan chức sàn chứng khoán ở New York.

Bà Thảo cho biết hồi tháng 4, các cổ đông đã chấp thuận nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư ngoại từ 30% lên 49%. "Niêm yết tại các thị trường lớn sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận vốn của chúng tôi, tăng tính thanh khoản và mở rộng danh sách nhà đầu tư", bà cho biết, "Chúng tôi cũng không muốn giấu kỳ vọng trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam niêm yết ở nước ngoài".

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo trong buổi phỏng vấn hôm qua. Ảnh: Bloomberg

Cổ phiếu VietJet đã tăng gần 50% từ khi bắt đầu giao dịch trên sàn TP HCM cách đây 3 tháng. Trong khi đó, mức tăng của Bloomberg Asia Pacific Airlines Index - chỉ số theo dõi các hãng bay châu Á - Thái Bình Dương chỉ là 6,5%.

VietJet đã hoạt động tại Việt Nam 6 năm, hiện có 136 nhà đầu tư ngoại sở hữu 26% cổ phần, bà Thảo cho biết. Bà hiện nắm hơn 60% hãng bay, cả trực tiếp và thông qua các công ty khác.

Dù vậy, việc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ cần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp nhận, do hàng không là lĩnh vực bị hạn chế với trần 30%. Bà Thảo cho biết VietJet đã nộp đơn xin tăng tỷ lệ này.

Hãng dự báo lợi nhuận tăng 36% năm nay, từ 2.500 tỷ đồng năm ngoái. Số hành khách cũng có thể lên 17 triệu người, tăng từ 15 triệu năm ngoái. Tháng 5/2016, họ đã ký hợp đồng trị giá 11,3 tỷ USD với Boeing, mua 100 chiếc 737 Max 200 trong chuyến thăm của cựu Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam. Trước đó, họ cũng đã đặt mua 30 chiếc A320neo và 100 chiếc Airbus.

VietJet hiện sở hữu hơn 40% thị phần trong nước. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines - đối thủ lớn nhất của họ - cũng có thị phần tương đương, Brendan Sobie - nhà phân tích tại CAPA Centre for Aviation cho biết. Thị phần VietJet được dự báo lên 50% trong 3 năm tới.

"Hàng không Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ cao. Khi chúng tôi mở rộng cánh cửa với nhà đầu tư ngoại và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho họ, điều đó cũng có nghĩa chúng tôi đang tăng cơ hội cho ngành hàng không và thị trường chứng khoán trong nước, để mở rộng hơn và hòa nhập nhanh hơn vào thị trường hàng không quốc tế", bà Thảo kết luận.

Tác giả: Hà Thu

Nguồn tin: vnexpress.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok