Kinh tế

Vietinbank, trái phiếu Tân Hoàng Minh và những khoản nợ bất động sản

Những vướng mắc về pháp lý, bất động sản 'đóng băng' khiến các ngân hàng khó chuyển nhượng tài sản đảm bảo, gây chậm trễ trong thu hồi nợ, xử lý nợ xấu, trong đó có Vietinbank.

Liên quan đến 09 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của nhóm Tân Hoàng Minh bị hủy, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) bị "réo tên" khi được cho có liên quan.

Sau sự việc, VietinBank khẳng định ngân hàng này không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không thực hiện dịch vụ phân phối các lô trái phiếu trên.

VietinBank thực hiện cung ứng dịch vụ quản lý tài khoản và quản lý tài sản cho các đợt phát hành trái phiếu của Công ty CP Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt và Công ty CP Cung điện Mùa Đông với tổng số tiền 6.530 tỷ đồng.

Việc cung ứng dịch vụ được thực hiện trên cơ sở Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 và Giấy phép hoạt động số 142/GP-NHNN ngày 03/7/2009 của NHNN cấp cho VietinBank, theo đó, VietinBank được phép thực hiện cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và quản lý tài sản.

Đối với dịch vụ quản lý tài khoản, VietinBank cung ứng dịch vụ mở tài khoản để phục vụ việc nhận và thanh toán cho các nghĩa vụ của Tổ chức phát hành liên quan đến trái phiếu theo Hợp đồng giữ, quản lý tài khoản trái phiếu và theo quy định của pháp luật. Đối với quản lý tài sản, VietinBank chỉ có trách nhiệm quản lý hồ sơ tài sản bảo đảm, kiểm tra, theo dõi tình trạng tài sản bảo đảm và đại diện cho các Nhà đầu tư sở hữu trái phiếu xử lý tài sản bảo đảm theo Hợp đồng quản lý tài sản bảo đảm và theo quy định của pháp luật.

Hàng nghìn nhà đầu tư vẫn chưa có thông tin lộ trình trả tiền của Tân Hoàng Minh (ảnh: Như Ý).

Vụ việc liên quan đến trái phiếu Tân Hoàng Minh diễn ra từ đầu tháng 4/2022, khi UBCK Nhà nước hủy 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh. Sau gần 1 năm, các nhà đầu tư vẫn mòn mỏi chờ nhận lại tiền. Nhiều khách hàng chỉ mong nhận lại tiền gốc sớm nhất thay vì kỳ vọng được nhận cả tiền lãi như trong hợp đồng mua trái phiếu.

Thông tin ban đầu từ một số cơ quan chức năng cho biết, số tiền huy động từ nhà đầu tư của Tân Hoàng Minh từ 9 lô trái phiếu lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện Tân Hoàng Minh nhiều lần khẳng định con số huy động được không lớn hơn 8.500 tỷ đồng.

Tân Hoàng Minh nhiều lần cam kết sẽ trả tiền cho nhà đầu tư ngay khi nhận được hướng dẫn từ Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an. Đến thời điểm hiện tại, Tân Hoàng Minh thông báo chỉ trả lời mọi thắc mắc, kiến nghị của khách hàng bằng văn bản thông báo và từ chối gặp trực tiếp.

Thời gian qua, những vướng mắc về pháp lý, bất động sản "đóng băng" khiến các ngân hàng khó chuyển nhượng tài sản đảm bảo, gây chậm trễ trong thu hồi nợ, xử lý nợ xấu, trong đó có VietinBank.

Tháng 5/2023, VietinBank Chi nhánh 10 TP HCM đã thông báo bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Phương Nam Nhi. Khoản nợ này đã được rao bán đến lần thứ 13.

Lần đấu giá này, VietinBank đưa ra giá khởi điểm là 20,3 tỷ đồng, chỉ bằng 22% giá trị khoản nợ (đến ngày 14/5/2023 là 93,5 tỷ đồng). Thậm chí giá khởi điểm còn thấp hơn cả dư nợ gốc (24,7 tỷ đồng).

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Phương Nam Nhi là quyền sử dụng đất Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là quyền sử dụng đất ở tại thửa đất tại thôn Ái Mộ, xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn là nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại số 56/3 (số cũ 25) đường Giải Phóng, phường 4, quận Tân Bình, TP HCM. VietinBank từng muốn thanh lý khoản nợ này với giá tới 51 tỷ đồng vào hồi tháng 9/2022. Như vậy chỉ sau hơn nửa năm, giá khởi điểm khoản nợ đã giảm hơn một nửa.

Bên cạnh đó, VietinBank Chi nhánh Bắc Sài Gòn cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ lần 6 của Công ty CP Tấn Lộc với giá khởi điểm hơn 7,2 tỷ. Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá trị khoản nợ tạm tính đến ngày 14/5/2023 là 46 tỷ đồng gồm cả nợ gốc, lãi cộng dồn và lãi phạt quá hạn.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ gồm các quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và khu đất tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP HCM.

Trước đó, cuối năm 2022, khối tài sản này đã được Vietinbank thông báo đấu giá lần đầu tiên với mức giá khởi điểm hơn 11,74 tỷ đồng, ngang bằng với dư nợ gốc.

Hồi tháng 2/2023, Viettinbank chi nhánh KCN Biên Hòa (VietinBank KCN Biên Hòa) đã thông báo phối hợp với tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp, tiến hành các thủ tục bán đấu giá công khai khoản nợ của khách hàng để thu hồi nợ.

Khoản nợ mà VietinBank KCN Biên Hòa mang ra đấu giá là toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Việt Thuận Thành vay tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Toàn bộ nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt của Công ty TNHH Việt Thuận Thành tạm tính theo sổ sách đến 31/12/2022 là hơn 1.297 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc gần 442 tỷ đồng, lãi cộng dồn hơn 70 tỷ đồng và lãi phạt quá hạn 148 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng đã ký số 02-VTTH/2010/HĐTD ngày 14/10/2010 và các hợp đồng tín dụng sửa đổi bổ sung (nếu có) được ký kết giữa VietinBank KCN Biên Hòa và Công ty TNHH Việt Thuận Thành.

Điểm đáng chú ý là khoản nợ này không còn tài sản đảm bảo do đã xử lý bán đấu giá năm 2018.

Thống kê từ 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023, số dư nợ xấu tại thời điểm 31/3/2023 tăng 24% so với hồi đầu năm, lên trên 170.134 tỷ đồng. Gần 90% ngân hàng trong số đó ghi nhận nợ xấu tăng.

Số dư nợ xấu tăng kéo theo tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng vượt ngưỡng 3%, thậm chí ghi nhận ở mức hai chữ số như: NCB, VPBank, Vietbank, ABBank, VIB.

Ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất quý I/2023 với 28.939 tỷ đồng. Nợ xấu của ngân hàng mẹ tính đến 31/3 chỉ hơn 13.500 tỷ đồng, chủ yếu đến từ công ty tài chính tiêu dùng.

Tiếp đến là BIDV với quy mô nợ xấu ở mức 24.730 tỷ đồng, tăng 40% sau 3 tháng. Trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 127%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 59% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 13%. Tuy vậy, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của BIDV vẫn ở mức dưới 2% (1,59%).

Cũng trong nhóm Big4, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) xếp thứ 3 với số dư nợ xấu tăng 7,8%, vượt 17.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,24% lên gần 1,28%.

Tác giả: Bảo Khánh (T/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok