Trong nước

Việt Nam xứng đáng góp mặt tại Hội đồng Bảo an LHQ

Sáng 29/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về đến Hà Nội, kết thúc thành công chuyến tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Mỹ. Thủ tướng bày tỏ cảm ơn 53 nước châu Á-Thái Bình Dương đã nhất trí đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ở New York. Ảnh: VGP

Nhân dịp này, GS James Borton, thành viên cấp cao Trung tâm Stimson, giảng viên Đại học Nam Carolina (Mỹ), gửi cho Tiền Phong bài viết có nội dung liên quan.

Để bầu ra các ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, 5 nhóm nước chia theo khu vực địa lý sẽ đề cử các ứng viên. Việt Nam thuộc về nhóm châu Á-Thái Bình Dương gồm tổng cộng 54 nước. Được bầu vào Hội đồng Bảo an sẽ đưa Việt Nam tới cấp độ hội nhập quốc tế cao nhất.

Uy tín lên cao

Tầm quan trọng của Việt Nam trên vũ đài an ninh quốc tế tăng lên đáng kể sau khi nước này tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) cuối năm 2017 tại thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nhiều nhà lãnh đạo khu vực khác.

Trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã được toàn cầu công nhận là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã áp dụng các thể chế thị trường, dẫn tới những thành tựu kinh tế ấn tượng hơn hai thập kỷ qua. Đáng chú ý, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn vào hệ thống kinh tế quốc tế, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007. Tháng 10/2007, Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2008-2009) với 183 trên tổng số 190 phiếu bầu, thể hiện uy tín cực kỳ cao của nước này trên trường quốc tế.

Tháng trước, Thứ trưởng, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ trong một cuộc đối thoại mở về “hòa giải và giải quyết tranh chấp”. Ông tái khẳng định hiến chương hòa bình và đường lối ngoại giao của LHQ, bao gồm thúc đẩy việc sử dụng hòa giải trong bất kỳ quá trình tranh chấp nào. Ông tuyên bố, Việt Nam tái khẳng định tầm quan trọng của các tổ chức khu vực trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại LHQ đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tới Hội đồng Bảo an rằng, Hà Nội cam kết hợp tác với ASEAN trong việc tích cực thúc đẩy đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, nuôi dưỡng môi trường hợp tác và hữu nghị trong khu vực.

Đại hội đồng LHQ sẽ bầu các ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an vào tháng 6/2019. Các quốc gia thành viên LHQ đều công nhận vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chủ quyền và quyền tự quyết. Việt Nam cũng có tiếng nói và vị thế ngày càng tăng ở LHQ, thể hiện rõ qua việc gia nhập lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ vào đầu năm 2014. Ngày 1/10, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam sẽ lên đường sang Nam Sudan để tiếp nhận công tác gìn giữ hòa bình LHQ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại quốc gia châu Phi này.

Triển khai sáng kiến “Một LHQ”

Việt Nam đã triển khai thành công sáng kiến “Một LHQ” năm 2016 và thực hiện sáng kiến “Thống nhất hành động - Một LHQ” với 4 trụ cột cải cách LHQ: một kế hoạch, một ngân sách, một lãnh đạo và một bộ nguyên tắc quản lý. Việt Nam bổ sung “một ngôi nhà xanh LHQ”. Kết quả là Việt Nam nổi lên như một nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực thúc đẩy và thực hiện chương trình nghị sự hiệu quả về viện trợ. Nước này cũng đã đạt được nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ, đặc biệt trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, thúc đẩy bình đẳng giới và tạo quyền cho phụ nữ, giảm tỷ lệ trẻ vong trẻ em.

Điều quan trong nhất là thực hiện cam kết hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2017 đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Chương trình hành động này đặc biệt chú ý các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là người nghèo, người khuyết tật, phụ nữ và người dân tộc thiểu số.

Vai trò kiến tạo hòa bình ở biển Đông

Hiện nay, tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, quan hệ giữa các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc đang xấu đi. Ngoài ra, hơn hai năm đã trôi qua kể từ khi Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague ra phán quyết lịch sử về vụ Philippines kiện Trung Quốc, bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở biển Đông, tái khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông một cách hòa bình.

Trung Quốc thời gian qua có nhiều hoạt động đơn phương ở biển Đông, đặc biệt là quân sự hóa vùng biển tranh chấp. Có thêm nhiều nước phương Tây cùng đồng minh thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải ở biển Đông. Tàu của Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Úc… đã được điều tới vùng biển này. Nguy cơ va chạm trên biển giữa các nước này và Trung Quốc luôn hiện hữu.

Dù Trung Quốc quân sự hóa các hòn đảo, đá ngầm ở khu vực tranh chấp và quấy nhiễu, tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam, quan điểm nhất quán của Việt Nam vẫn là giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của LHQ. Việt Nam kêu gọi các bên gìn giữ hòa bình trong khu vực, tự kiềm chế ở vùng biển tranh chấp…

Theo GS JAMES BORTON

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok