Xe

Việt Nam thành "thủ phủ" ô tô của Indonesia,Thái Lan và Trung Quốc

Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc vẫn là quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất sang Việt Nam với sản lượng khoảng 110.000 xe/năm, kim ngạch ước tính đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Trong đó, những chiếc ô tô có xuất xứ từ Thái Lan chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất.

Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc vẫn là quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất sang Việt Nam với sản lượng khoảng 110.000 xe/năm, kim ngạch ước tính đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Trong đó, những chiếc ô tô có xuất xứ từ Thái Lan chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất.

Ba tháng đầu năm, ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam tăng gấp rưỡi về số lượng và giá trị, trong đó lượng xe Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng, chiếm một phần năm. Mặc dù đặt nền móng trên thị trường Việt Nam sau các nước Indonesia và Thái Lan, nhưng những năm qua sản lượng ô tô mang nhãn hiệu của Trung quốc được nhập vào Việt Nam không nhỏ.

Theo số liệu của Hải quan, trong quý I/2025 cả nước nhập khẩu 46.457 ô tô nguyên chiếc, tổng trị giá lên đến 982,5 triệu USD. Trong đó số lượng xe xuất xứ Trung Quốc nhập cảng là hơn 9.900 chiếc (trị giá 306,8 triệu USD), chiếm tỷ trọng 21% tổng số xe nhập khẩu vào thị trường Việt Nam; xe được nhập khẩu từ Indonesia là 18.350 chiếc và nhập khẩu từ Thái Lan là hơn 16.080 chiếc.

Tuy số lượng, quy mô xe nhập khẩu vào thị trường Việt Nam của Indonesia và Thái Lan nhiều hơn Trung Quốc, nhưng nếu so số năm xâm nhập thị trường thì hai nước đàn anh này dày dặn thâm niên hơn. Với con số hơn 9.900 chiếc xe của Trung Quốc được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam trong ba tháng vừa qua cũng là một hồi chuông cảnh báo cạnh tranh cho thị phần nhập khẩu xe của Indonesia và Thái Lan.

Theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành ô tô, lượng xe con nhập khẩu từ các nước như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc không cố định theo từng tháng mà thay đổi dựa theo đơn đặt hàng của hãng, tình hình tiêu thụ trong nước và cả nguồn cung từ nhà máy. Nhưng việc hàng nghìn xe con từ Trung Quốc được “đổ bộ” vào Việt Nam thời gian qua cho thấy sự góp mặt ngày càng lớn so với trước đây, số xe con Trung Quốc nhập về thường chỉ ở mức hàng trăm.

Như vậy, có thể thấy, “thế chân vạc” xuất khẩu ô tô sang Việt Nam của Indonesia, Thái Lan và Trug Quốc được thiết lập một cách tương đối ổn định trong những năm qua, chiếm 93% sản lượng xe nhập cảng của Việt Nam. Trong khí đó kinh ngạch nhập khẩu từ các hãng ô tô lớn có tên tuổi nhiều năm trên thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU lại chỉ chiếm 6% còn lại.

Hiện nay xếp đầu bảng danh sách thị trường xe nhập khẩu tại Việt Nam là Indonesia với nhãn hiệu chủ lực gồm Mitsubishi và Toyota, chủ yếu là các mẫu xe dòng Sedan.

Trước đây Thái Lan từng nhiều năm đứng ở vị trí quán quân thì nay phải tụt xuống vị trí á quân cũng với nhãn hiệu chủ lực của hai hãng Toyota và Honda.

Thế chân hạc nhập khẩu này khá bền vững trong những năm qua và theo các chuyên gia, xe nhập khẩu là thách thức với xe lắp ráp trong nước bởi các chính sách thuế quan có xu hướng “hạ nhiệt” theo các hiệp định thương mại đã ký.

Mặc dù nhà nước đã nhiều lần có chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất xe nội địa, gồm 4 lần giảm lệ phí trước bạ (giảm 50%), nhưng thời gian ưu đãi ngày càng bị rút ngắn dần (từ 6 tháng xuống 3 tháng). Mỗi lần ban hành quyết định nối dài chính sách phải mất rất nhiều thời gian, khiến cho thị trường xe trong nước nhiều phen như ngồi trên chảo lửa, ra ngóng, vào trông chờ ngày Chính phủ ban hành.

Chính phủ cũng đã ban hành quyết định gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho các nhà sản xuất ô tô (nghị định 81/2025) với số thuế ước tính khoảng 14.100 tỷ đồng, được chậm nộp thêm 5 tháng (tháng 6 đến tháng 11/2025).

Việc thực hiện chính sách giãn thuế này của Chính phủ không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025, do thời hạn nộp thuế chậm nhất theo quy định là ngày 20/11/2025. Nhưng điều này sẽ giúp các hãng xe có thêm nguồn lực để sản xuất kinh doanh trong 5 tháng, tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm ô tô nhập khẩu.

Bên cạnh đó tháng 2 vừa qua, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 21/2025/NĐ-CP ngày 10/02/2025 sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Theo đó chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô ( bao gồm: Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công, lắp ráp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô) sẽ được thực hiện đến 31/12/2027.

Đây được coi là đòn bẩy quan trọng giúp doanh nghiệp Việt có thể an tâm mở rộng quy mô, cải tiến thiết bị trong ngành công nghiệp hỗ trợ, đồng thời củng cố tinh thần giúp doanh nghiệp Việt có thê động lực tham gia sâu hơn vào khai thác chuỗi giá trị của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

110 chiếc Hyundai Palisade được Hyundai Thành Công xuất khẩu sang Thái Lan


Điểm lại một chút thông tin, cuối tháng 10/2024 , tại nhà máy Hyundai Thành Công (Ninh Bình), 110 chiếc Hyundai Palisade tay lái bên phải trị giá 1,5 tỷ đồng/chiếc được xếp ngay ngắn lên những thùng container loại 40 feet, sẵn sàng lên tàu xuất khẩu sang Thái Lan. Sau 15 năm thiết lập liên doanh với Hyundai Hàn Quốc, việc Hyundai Thành Công lần đầu xuất khẩu xe đánh dấu một chương mới trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Hyundai Thành Công cũng đã tiết lộ kế hoạch xuất khẩu 4.000 xe sang Thái Lan từ khi những chiếc Palisade được xuất khẩu lần đầu tiên cho đến hết năm 2025, dần đi đến việc hiện thực hóa mục tiêu “biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất ô tô của khu vực”.

Trước sự kiện xuất khẩu xe của Huyndai Thành Công thì 1.400 chiếc xe điện dòng VFe34 và VF3 mang thương hiệu VinFast cũng đã được tập kết tại bãi cảng Tân Vũ (Hải Phòng) để xuất khẩu, thẳng tiến tới Indonesia và Philippines. Đây chỉ là một lô hàng trong số hàng nghìn chiếc ô tô điện mang thương hiệu Việt Nam - VinFast được xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh việc xuất khẩu ô tô điện trực tiếp từ Việt Nam sang các nước, VinFast còn đặt nhà máy ở nhiều quốc gia khác, trong đó có Mỹ.

Đây cũng có thể coi là cú lộn ngược dòng cho nền công nghiệp xuất khẩu ô tô sau nhiều năm nhập siêu. Tuy nhiên, nếu so sánh với nền công nghiệp nhập khẩu ô tô thì tỷ lệ xuất siêu vẫn còn chênh vênh so với nhập siêu. Làm thế nào để cán cân giữa xuất siêu và nhập siêu của thị trường ô tô được thăng bằng vẫn là một bài toán dựa trên nhiều đáp án, các hãng xe sản xuất trong nước vẫn còn phải cố gắng rất nhiều để tăng vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tác giả: Tuệ Minh

Nguồn tin: VOV.VN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP ok