Trong nước

Việt Nam - Lào: Nở rộ các dự án chuyển giao công nghệ

Đã có 11 thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Lào được ký kết tại Diễn đàn Xúc tiến chuyển giao công nghệ Việt Nam - Lào 2018 diễn ra mới đây. Điều đó khẳng định năng lực nghiên cứu của các đơn vị trong nước được nâng cao, tạo uy tín với các đối tác Lào.

Ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ giữa các đối tác Việt Nam - Lào

Mở ra cơ hội hợp tác

Diễn đàn Xúc tiến chuyển giao công nghệ Việt Nam - Lào 2018 được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hai nước Việt Nam và Lào tổ chức. Mặc dù, lần đầu tiên diễn ra nhưng đã có 142 công nghệ của 23 đơn vị tham gia trình diễn, giới thiệu và kết nối. Riêng lĩnh vực nông nghiệp đã thu hút hơn 90 công nghệ, quy trình, sản phẩm.

PGS-TS. Vũ Văn Tích - Trưởng Ban KH&CN, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết, thông qua diễn đàn, các đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ chuyển giao một số công nghệ theo nhu cầu của các doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu của Lào như công nghệ sản xuất diesel sinh học, công nghệ tách chiết các chế phẩm dược liệu từ tam thất và nghệ, công nghệ vi sinh vật trong xử lý môi trường, công nghệ thông tin - truyền thông phục vụ quản lý đô thị thông minh và dịch vụ vận tải thông minh…

Là đơn vị nhận chuyển giao công nghệ, ông Kheuankham Samounty - Giám đốc Công ty Kinh doanh xuất - nhập khẩu Lao Scitec - cho hay, công ty đã ký hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội về chuyển giao công nghệ điều vận xe trực tuyến EMDDI. Công ty sẽ triển khai công nghệ này trên các loại hình dịch vụ xe taxi, xe buýt mini… qua đó giúp người dân, khách du lịch dễ dàng gọi xe tại bất kỳ địa điểm nào. Đây là công nghệ điều vận xe trực tuyến đầu tiên được triển khai ở Lào.

Cầu nối thương mại hóa công nghệ

Đánh giá cao về ý nghĩa của sự kiện, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN - nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, kết nối các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan quản lý về KH&CN của Việt Nam với các cơ quan chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Lào để thúc đẩy thương mại hóa, ứng dụng và đầu tư vào công nghệ trong các lĩnh vực như chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng tái tạo, xử lý môi trường, công nghệ thông tin. Tuy nhiên, để những hoạt động tại diễn đàn mang lại hiệu quả thiết thực hơn, đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp phía Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Vụ Đổi mới công nghệ của Lào và các đơn vị có liên quan để triển khai nhanh các hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được ký kết.

Cũng tại diễn đàn, ông Phan Văn Kiệm - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - cho biết, sau hơn 10 năm hợp tác, viện đã triển khai các nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thiết bị cho các đối tác Lào trên các lĩnh vực gồm: Khoa học về trái đất, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin... Các nhiệm vụ đã có những kết quả nhất định, sát với thực tiễn, góp phần thúc đẩy kinh tế của Lào.

Ông Vũ Xuân Trung - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nam Định - chia sẻ: Diễn đàn thực sự là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, là cầu nối đem đến cơ hội cho các nhà khoa học, doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi về hợp tác nghiên cứu, ứng dụng phát triển KH&CN. Trung tâm đã ký kết hợp tác với Công ty Nông nghiệp BNN (Lào) để chuyển giao công nghệ khí canh trong sản xuất rau, củ. Để các hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết đi vào thực tiễn, trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ và có những chương trình làm việc cụ thể với phía bạn Lào.

Theo Bộ KH&CN, Diễn đàn Xúc tiến chuyển giao công nghệ Việt Nam - Lào là hoạt động quan trọng nhằm tăng cường hợp tác, xúc tiến chuyển giao công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp giữa hai nước, củng cố thêm mối quan hệ hợp tác bền chặt, có truyền thống lâu dài của hai nước Việt Nam - Lào.

Tác giả: Quỳnh Nga

Nguồn tin: Báo Công thương

  Từ khóa: Việt Nam - Lào , quan hệ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok