Kinh tế

‘Việt Nam không thể không làm thép’

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam không thể không làm thép, sau thống kê từ Tổng cục Hải quan về việc Việt Nam chi 11,8 tỷ USD nhập khẩu thép trong năm qua.

Trao đổi với báo chí trong buổi gặp mặt cuối năm, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương) cho rằng Việt Nam không thể không làm thép.

“Nếu chúng ta không phát triển các dự án Khu liên hợp luyện thép lò cao để sản xuất các loại thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo sẽ có một nghịch lý là Việt Nam sở hữu lượng quặng sắt rất lớn nhưng ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp quốc phòng và đóng tàu lại phụ thuộc hoàn toàn vào thép nhập khẩu. Điều này gây ra tình trạng nhập siêu cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô”, ông Hoài nói.

Trước đơn kêu cứu của 18 doanh nghiệp thép nội địa, Bộ Công Thương đã xem xét và chuẩn bị áp thuế tự vệ với các sản phẩm thép nhập khẩu. Ảnh: Hoàng Hà.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho rằng việc nhập khẩu hàng triệu tấn những sản phẩm trong nước sản xuất được là một nghịch lý diễn ra nhiều năm nay.

Vị này nêu thực tế ngành thép Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển, trong khi lại phát triển chưa đồng bộ giữa các khâu, đặc biệt là thép cuộn cán nóng (HRC) và các loại thép hợp kim chưa sản xuất trong nước nên hàng năm vẫn phải nhập khẩu một số lượng rất lớn nguyên liệu và bán thành phẩm phục vụ cho sản xuất.

Theo báo cáo tổng kết từ VSA, tổng các loại sản phẩm thép sản xuất năm 2016 đạt 17,5 triệu tấn, tăng 16,8% so với năm 2015; bán hàng các sản phẩm thép đạt hơn 15,3 triệu tấn, tăng 23,7% so với năm 2015.

“Các sản phẩm thép nước ta chủ yếu được xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN và Mỹ. Về công tác xuất khẩu, sắt thép Việt Nam vấp phải hàng chục vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước từ Mỹ, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia,...”, vị này nói thêm.

Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu hơn 22 triệu tấn sắt thép, xuất khẩu 15,3 triệu tấn. Đồ họa: Kiều Vui.

Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cũng chỉ rõ đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô. Đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô. Nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Bộ Công Thương cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng nhập siêu lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.

Còn theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 22 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá gần 11 tỷ USD, tăng 18,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch thép xuất khẩu các loại chỉ khiêm tốn ở mức 3,9 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đã nhập siêu khủng các sản phẩm thép tới hơn 7 USD.

Sắt thép các loại trong năm 2016 chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc với giá trị tương ứng là 4,45 tỷ USD, 1,19 tỷ USD và 1,01 tỷ đôla Mỹ.

Đáng chú ý, Việt Nam nhập cả các mặt hàng còn dư khả năng sản xuất như phôi thép nhập khẩu (hơn 1,1 triệu tấn), tôn mạ và sơn phủ màu (1,8 triệu tấn), thép hợp kim nhập khẩu (8,1 triệu tấn).

Tác giả bài viết: Kiều Vui

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok