FDI vẫn trên đà lập kỷ lục trong năm 2016, nhờ sức hút đầu tư do chi phí thấp, sự cải thiện về cơ sở hạ tầng và kỹ năng lao động, cùng môi trường kinh doanh với nhiều quy định được bãi bỏ đang ngày càng mở rộng cửa cho các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Triển vọng kinh tế của ASEAN vẫn khá khả quan trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu. Dữ liệu gần đây cho thấy sự cải thiện về thương mại tại một số nền kinh tế như Việt Nam và Singapore. Các ngân hàng trung ương của ASEAN có thể có khả năng nới lỏng chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Rủi ro bên ngoài lớn nhất cho sự tăng trưởng của ASEAN trong vài năm tới đây là khả năng suy giảm tăng trưởng tín dụng tại Trung Quốc. Điều này làm suy yếu nhu cầu toàn cầu đối với nguyên liệu thô, sản phẩm xuất khẩu chính của Indonesia và Malaysia. Hơn nữa, nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ suy giảm, dòng khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan, và hoạt động của Singapore với vai trò là trung tâm vận tải, hậu cần cho tất cả các lĩnh vực trên cũng sẽ chịu những tác động tương tự.
Nền kinh tế các nước ASEAN cũng chịu ảnh hưởng của sự chậm lại nói chung trong tốc độ toàn cầu hóa hoặc sự suy yếu trong việc đồng nhất quan điểm ủng hộ tự do thương mại. Tuy vậy, nhiều nền kinh tế trong khu vực như Việt Nam cũng đã rất thành công trong việc thăng hạng lên chuỗi giá trị toàn cầu nhờ những cơ hội mà thương mại tự do và các dòng đầu tư mang lại.
Theo bà PriyankaKishore, Cố vấn Kinh tế ICAEW kiêm Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế thuộc tổ chức Oxford Economics: “Mặc dù chính phủ đã lập ra một số dự án nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng khả năng kích thích tài chính không có nhiều và thâm hụt ngân sách vẫn gia tăng đáng kể. Những gì đang diễn ra cho thấy sự thành công của nền kinh tế Việt Nam rõ ràng phụ thuộc rất nhiều vào việc Việt Nam có tiếp tục có nhiều cơ hội giao dịch thương mại với những nền kinh tế có thu nhập cao hơn, cũng như cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính đầu tư và công nghệ hay không.”
Theo báo cáo về ‘Kiểm soát rủi ro kinh tế và đánh giá rủi ro chính trị’ của Oxford Economics, nếu xét theo những thước đo về rủi ro chính trị, kinh tế, ngoại hối và xếp hạng tín dụng so với các nền kinh tế lớn mới nổi khác, khu vực ASEAN hoạt động khá tốt. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh tại hầu hết các nền kinh tế thuộc khu vực này lại có thứ hạng khá thấp, đặc biệt là tại Philippines, Indonesia và Việt Nam. Theo báo cáo Doing Business 2017 của Ngân hàng thế giới, thứ hạng môi trường kinh doanh tại những quốc gia này vẫn còn cách r¬ất xa so với ‘thực tiễn tốt nhất’ của toàn cầu.
Ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á cho biết: “Trong những năm gần đây, dòng vốn FDI lớn đã thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Những thỏa thuận như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có vai trò quan trọng bởi những thoả thuận này không chỉ có khả năng trực tiếp đẩy mạnh các dòng thương mại và đầu tư, mà còn giúp đưa những thực tiễn kinh doanh tốt vào các nước tham gia ký kết. Do đó, nếu tốc độ đẩy mạnh việc thông qua các thỏa thuận hợp tác như thế này có dấu hiệu chậm lại, chính phủ và các doanh nghiệp cần tìm những biện pháp thay thế để cải thiện môi trường kinh doanh.”
Trước đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đưa ra dự báo cho rằng Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2017. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP 2017 của Việt Nam ở mức 6,3%
Tác giả bài viết: M. Hà
Nguồn tin: