Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội ngày 9/5.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn, (Ảnh: Toàn Vũ)
Trước rất nhiều ý kiến của học giả, doanh nghiệp và chuyên gia trong và ngoài nước về phát triển doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn, nêu lên 7 giải pháp trọng tâm để phát triển doanh nghiệp công nghệ - động lực then chốt cho Việt Nam thời Cách mạng 4.0.
Thủ tướng khẳng định, doanh nghiệp công nghệ là nhân tố chính tăng trưởng kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình. "Doanh công nghệ có vai trò quan trọng, là bản lề. Kinh tế số, kinh tế sẻ chia xu hướng tất yếu và nền kinh tế dựa vào tài nguyên, nhân công giá rẻ sẽ không có lợi thế lâu dài mà đổi mới sáng tạo mới là nhân tố sống còn. Tôi cho rằng đây là động lực mới cho phát triển Việt Nam".
Người đứng đầu Chính phủ nêu dự báo thương mại số tại Việt Nam sẽ có doanh thu 42 tỷ USD vào năm 2030. Chúng ta kỳ vọng tỷ lệ này cao hơn nữa và con số doanh thu hiện nay cần tăng theo số nhân để năm 2045 chúng ta hiện thực hóa mục tiêu hóa rồng.
"Mục tiêu sắp tới, chúng ta cần có 100.000 doanh nghiệp công nghệ, giải quyết bài toán tại Việt Nam trước rồi đi ra nước ngoài. Tiềm năng cho phát triển công nghệ ở Việt Nam là rất lớn, con người Việt thông minh, sáng tạo, cần cù lao động, công nghệ cần đi vào ngõ ngách cuộc sống để phát triển", Thủ tướng mong muốn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Cách mạng 4.0 là cơ hội vàng cho khởi nghiệp và doanh nghiệp công nghệ, các ngành kinh tế đầu vào sử dụng tài nguyên, lao động cần phải nhanh chóng chuyển sang công nghệ mới nếu muốn tồn tại và phát triển.
Cách mạng số mang lại đầy đủ thách thức lẫn cơ hội to lớn mà chúng ta phải đối mặt. Cơ hội của chúng ta phải giải quyết bài toán thách thức, trong bối cảnh chúng ta hội nhập. Cần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi nhanh những ngành sử dụng máy móc cũ kỹ, sang sử dụng công nghệ cao, phát triển công nghệ thông tin và tận dụng dân số vàng.
Theo Thủ tướng: "Nhiệm vụ của doanh nghiệp công nghệ rất lớn, đó là cần gánh vác chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, làm chủ công nghệ lõi, tích hợp. Khẩu hiệu hành động, sáng tạo, thiết kế tại Việt Nam, toàn bộ cái này là thực hiện mục tiêu "Made in Vietnam" và xa hơn thế nữa là đóng góp công nghệ cho các nước".
"Chúng ta cần nhắc lại cơ hội không tự đến và không bao giờ quay lại, cái chúng ta cần làm là hành động, hành động và hành động kịp thời. Phát triển công nghệ Việt đưa đất nước đến thịnh vượng", Thủ tướng nói..
Người đứng đầu Chính phủ nêu dẫn chứng nhiều doanh nghiệp công nghệ thành công như Vingroup, Trường Hải, TH True Milk, VNPT, FPT, Viettel, CMC... và yêu cầu không nói lý thuyết mà phải thực hành, đây là nền tảng, niềm tin trong thực thi xứ mệnh đưa ra.
Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam "đã 30 năm lắp ráp gia công, đến nay chúng ta đã cơ bản làm ra sản phẩm Việt, người việt có đủ tố chất tốt, chúng ta cần tuyên bố rõ ràng về phát triển công nghệ Việt: sáng tạo ở Việt, thiết kế ở Việt Nam, "Made in Vietnam".
Người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng: "Có công mài sắt, có ngành nên kim", doanh nghiệp Việt cần nhận thức đúng về cách mạng lần thứ 4, nó sẽ không chỉ thay đổi những gì chúng ta đang làm mà thay đổi chính chúng ta.
"Tôi kêu gọi doanh nhân Việt Nam hãy thể hiện khát vọng tự cường, chung sức đồng lòng thể hiện sức mạnh lịch sử quyết không để Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Chính phủ đang làm hết sức mình để các bạn thành công", Thủ tướng nói.
Tác giả: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: Báo Dân trí