Pháp luật

Việc căng băng rôn đòi nợ tại Thanh Hóa: Vẫn chưa đình chỉ điều tra

Việc vay nợ giữa hai Công ty KVS và Đông Á là có thật. Tuy nhiên, hành vi đi đòi nợ của nhân viên KVS bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa xác định có dấu hiệu hình sự.

Sau đó, cơ quan này đã tạm đình chỉ vụ án kéo dài mà chưa đình chỉ điều tra, khiến nhân viên KVS luôn sống trong tâm trạng lo âu…

Văn bản yêu cầu Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ

Cơ quan điều tra đã hình sự hóa?

Như chúng tôi đã thông tin, ông Cao Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Kenanga Việt Nam (viết tắt là KVS), có trụ sở tại số 2D phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội có cho ông Cao Tiến Đoan là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bất động sản Đông Á vay số tiền lớn. Việc vay mượn này diễn ra từ cuối năm 2011 nhưng Tổng Công ty Đông Á (gọi tắt là Đông Á), số 11 A1 Tân Hương, phường Đông Hưng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) và ông Đoan luôn khất lần nghĩa vụ trả nợ cho KVS.

Sau nhiều lần tìm cách liên lạc với ông Cao Tiến Đoan để thu hồi nợ mà không thành, ngày 26/5/2015, Công ty KVS đã cử 5 nhân viên đến trụ sở Đông Á gặp ông Đoan để bàn việc giải quyết công nợ. Trước đó, tổ công tác này đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại để hẹn lịch làm việc với ông Đoan nhưng không được. Khi gần đến trụ sở Tổng Công ty Đông Á, xe ô tô trong đoàn đi đã được căng băng rôn treo dọc thân xe với nội dung “yêu cầu Cao Tiến Đoan trả 31 tỷ cho Công ty KVS và trả 21 tỷ cho ông Cao Văn Sơn”.

Trao đổi với PV, nhóm công tác của KVS cho biết, khi tới trụ sở Đông Á, ông Đoan không tiếp mà cho người đưa họ vào phòng kín, khóa cửa lại. Một lúc sau, khoảng 30 cán bộ, chiến sỹ Công an thành phố Thanh Hóa tới bao vây và giữ nhóm nhân viên KVS. Tại đây, Công an đã tiến hành ghi lời khai, thu thập chứng cứ, khám ô tô... với mục đích tìm kiếm các hung khí, vũ khí theo tố cáo của doanh nghiệp, họ là xã hội đen đến đe dọa, quấy rối Đông Á…

Bất ngờ hơn, ngày 2/2/2016, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại Điều 258 BLHS. Theo KVS, tháng 5/2016, Cơ quan CSĐT tỉnh Thanh Hóa đã tạm đình chỉ vụ án căng băng rôn đòi nợ trên vì thiếu chứng cứ.

TAND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị

Sau đó, vụ việc vay nợ trên đã được KVS khởi kiện ra Tòa án. Theo nội dung vụ án kinh doanh thương mại thì hai Công ty đã ký Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư số 01, KVS góp 25 tỷ đồng cho Đông Á để hoàn thiện, đưa vào kinh doanh dự án “Khu resort-Khu cầu Bình Cầu - Quảng Châu - Quảng Xương - Thanh Hóa”. Thời hạn đầu tư 10 tháng, kể từ ngày giải ngân, lợi nhuận 2%/tháng, thời hạn trả lợi nhuận hàng tháng vào ngày 5 đến mùng 10. Ngày 4/6/2014, hai bên ký Phụ lục Hợp đồng, KVS đồng ý gia hạn thêm một kỳ hạn 9 tháng đầu tư với Đông Á, kể từ ngày 25/12/2013 đến ngày 25/9/2014.

Tại các phiên tòa, đại diện của Đông Á thừa nhận đã nhận đủ 25 tỷ đồng của KVS theo hợp đồng tạm ứng vốn nhưng cho rằng hợp đồng đầu tư giữa hai Công ty bị vô hiệu nên đề nghị Tòa án buộc KVS phải hoàn lại cho Đông Á gần 7,3 tỷ đồng mà Đông Á đã thanh toán cho KVS để trừ vào số tiền gốc. Tại bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 16/2016/KDTM-PT ngày 10/10/2016, TAND tỉnh Thanh Hóa quyết định, hợp đồng tạm ứng vốn và Phụ lục kèm theo được ký kết giữa hai bên bị vô hiệu do giả tạo, phần nội dung vay vốn bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Buộc Đông Á phải trả lại cho KVS 25 tỷ đồng, được trừ số tiền đã thanh toán là 10,2 tỷ đồng (làm tròn số), còn lại là hơn 14,7 tỷ đồng…

Tuy nhiên, ngày 28/4/2017, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đã có Kháng nghị Giám đốc thẩm số 09/2017/KN-KDTM đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án phúc thẩm, sơ thẩm nêu trên theo quy định. Căn cứ được đưa ra là, tại thời điểm KVS cho Đông Á vay tiền và gia hạn thì giao dịch đều phát sinh trước ngày 15/1/2013 (thời điểm Công ty chứng khoán không được cho vay tiền và chứng khoán dưới mọi hình thức -theo Điều 43 Thông tư 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính) nên giao dịch nói trên giữa hai Công ty không vi phạm điều cấm của pháp luật. Do đó, giao dịch cho vay tài sản giữa các bên vẫn có hiệu lực theo Điều 128 Bộ luật Dân sự 2005.

Trở lại vấn đề nhân viên KVS chỉ vì căng băng rôn đi đòi nợ mà bị khởi tố là có phần khiên cưỡng. Bởi lẽ, những vụ việc căng băng rôn, khẩu hiệu của người dân về một vấn đề nào đó là thể hiện thái độ bức xúc, hoặc muốn khiếu nại một vấn đề, một sự thật nào đó. Các cơ quan chức năng khi giải quyết vụ việc nên xem xét động cơ của việc làm này để tránh ban hành những quyết định không đúng với bản chất vấn đề. Căn cứ hồ sơ vụ việc, có thể thấy việc vay nợ giữa cá nhân ông Sơn, KVS và ông Đoan, Đông Á là có thật nên không thể xâm phạm đến lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Vì lẽ đó, vụ án hình sự này được Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa tạm đình chỉ khiến vụ án kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân và KVS. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Bộ Công an kiểm tra, xác minh, kết luận tố cáo của Công ty KVS.

Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề khi có thông tin mới.

Tác giả: Tổ PVPL

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok