Trong tỉnh

Vì sao Thanh Hoá rà soát lại các hợp đồng BT?

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra, rà soát lại các hợp đồng BT.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 12 dự án triển khai thực hiện theo hình thức PPP, Hợp đồng BT sử dụng quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư.

Để đảm bảo việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT theo đúng quy định hiện hành của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo như sau:

Đối với các dự án đã ký hợp đồng trước ngày 1/1/2018 và đang thi công: Giao Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan, hướng dẫn Nhà đầu tư thực hiện các thủ tục thanh toán theo quy định (khi hoàn thành công trình).

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu rà soát lại các dự án PPP, Hợp đồng BT. Ảnh: Dân trí

Đối với các dự án đã ký hợp đồng sau ngày 1/1/2018, yêu cầu các đơn vị được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng (UBND huyện Đông Sơn, Ban quản lý dự án đầu xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp), phối hợp với các đơn vị liên quan, rà soát lại các nội dung của hợp đồng, đảm bảo tuân thủ Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Đất đai, Luật Ngân sách và các quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với các dự án đang đàm phán hợp đồng, yêu cầu đơn vị được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền ký kết và thực hiện hợp đồng (UBND huyện Hoằng Hóa), phối hợp với các đơn vị liên quan đàm phán với Nhà đầu tư để đảm bảo việc triển khai thực hiện tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT và báo cáo kết quả kiểm tra với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20/3/2019.

Liên quan đến vấn đề này, được biết, UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã có tờ trình số 153/TTr-UBND ngày 3/12/2018, gửi HĐND tỉnh về việc đề nghị quyết định chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Đại lộ Đông Tây, đoạn từ sông Nhà Lê đến Quốc lộ 47, TP Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT).

Dự án do Công ty Cổ phần Sông Mã đề xuất và được Sở KH-ĐT thẩm định trình UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, phê duyệt.

Tuyến đường này có chiều dài 455m, tổng số vốn đầu tư là hơn 128 tỷ đồng. Đổi lại, nhà đầu tư sẽ được thanh toán 3 khu đất trên địa bàn TP Thanh Hóa để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các khu dân cư, tái định cư, với tổng diện tích 19,36ha.

Được biết, mỗi m2 đất tại các khu vực thanh toán cho nhà đầu tư được xác định với giá hơn 600.000 đồng/m2.

Đường sông Nhà Lê đến QL47 tại TP. Thanh Hóa dài 455m được thực hiện theo hợp đồng BT.

Trong khi đó, đất tại các khu vực này đang được rao bán trên thị trường với giá từ 7 đến 15 triệu đồng/m2, thậm chí, nơi có vị trí đẹp lên đến 30 triệu đồng/m2.

Nói về việc này, theo thông tin trên báo Đất Việt, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã phải thốt lên: "Sao lại có chuyện đó?!".

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt rằng các dự án BT sau này phải đảm bảo nguyên tắc ngang giá. Dĩ nhiên, ngang giá ở đây, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, vẫn có sự chênh lệch hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, để họ đầu tư dự án.

"Sự không hợp lý này lãnh đạo Thanh Hóa phải biết! Đầu tư xây dựng đường hết chưa đến 130 tỷ đồng tại sao tỉnh không làm?

Lẽ ra tỉnh nên đầu tư, không nhất thiết phải để nhà đầu tư làm. Ngân sách tỉnh bỏ ra đầu tư, sau đó có thể quy hoạch nền, quy hoạch khu dân cư, trung tâm thương mại... rồi bán thu ngân sách nhà nước, chắc chắn sẽ hiệu quả và có lợi hơn cho tỉnh.

Không thể có chuyện giao cho nhà đầu tư làm, đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng không đáng bao nhiêu trong khi đất thanh toán cho nhà đầu tư lại là đất vàng, có giá trị cao gấp nhiều lần chi phí nhà đầu tư bỏ ra", ĐBQH Phạm Văn Hòa phân tích.

Trong khi đó, cũng chia sẻ ý kiến về thông tin Thanh Hóa muốn đổi 3 khu đất vàng lấy 455m đường, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội khẳng định, câu chuyện ở Thanh Hóa không phải là cá biệt, trái lại nó đã xảy ra ở nhiều địa phương.

"Tôi cho rằng, nếu cần thiết có thể tạm ngưng áp dụng hình thức hợp đồng BT trong một thời gian ngắn, các cơ quan của Quốc hội thực hiện giám sát, sau đó Quốc hội ban hành gấp một văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra khuôn khổ pháp lý nhằm kiểm soát, tránh mất hết đất, mất hết tài sản nhà nước.

Đặc biệt, cần phải chống được lợi ích nhóm bởi để thực hiện được dự án như vậy, một người không làm được mà phải có cả ê kíp: nhà đầu tư xây dựng kế hoạch lên dự án, cơ quan có thẩm quyền thẩm định, xét duyệt, sau đó làm tờ trình gửi lên UBND tỉnh, tỉnh sau đó đồng ý cấp cho doanh nghiệp", ông Lê Việt Trường lưu ý.


Cũng bình luận về vấn đề này, LS Trương Xuân Tám khẳng định, việc Thanh Hóa ký quyết định chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) thời điểm này là trái với chỉ đạo của Chính phủ. Chính phủ và các bộ ngành cần phải vào cuộc.

Tác giả: Mai Thùy

Nguồn tin: Báo Đất việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok