Các quyết định và lệnh trên đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn. Tối cùng ngày, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã tống đạt quyết định trên.
Liên quan đến vụ án thất thoát đất vàng của Sabeco
Ngày 10-7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, để điều tra về tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Ông Vũ Huy Hoàng bị khởi tố có liên quan đến vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến khu "đất vàng" số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM) của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa thời còn đương chức. Ảnh: THÙY DƯƠNG - NGỌC ÁNH |
Ông Vũ Huy Hoàng là Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016. Sau khi nghỉ hưu, từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017, Ban Bí thư và Chính phủ đã quyết định kỷ luật xóa tư cách Bộ trưởng Bộ Công Thương của ông Hoàng do có nhiều sai phạm. Tháng 10-2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận về trường hợp ông Vũ Huy Hoàng. Theo đó, ông Vũ Huy Hoàng chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016. Cá nhân ông Vũ Huy Hoàng có những vi phạm, khuyết điểm gồm: Thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam; điều động ông Vũ Quang Hải tham gia HĐQT Sabeco để bầu làm thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Sabeco; vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.
Ông Hoàng còn buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra, dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố...
Bà Hồ Thị Kim Thoa có nhiều sai phạm
Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Trước đó, ngày 29-8-2017, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về việc bà Hồ Thị Kim Thoa nghỉ hưu hưởng chế độ BHXH kể từ ngày 1-9-2017. Vào ngày 16-8-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
Theo kết luận kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan này đã kỷ luật cảnh cáo với Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ đối với bà Thoa. Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định các vi phạm, khuyết điểm của bà Thoa diễn ra trong thời gian bà giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (từ tháng 1-2004 đến 5-2010).
Cụ thể, bà Thoa vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỉ đồng...
Bà Thoa còn mua cổ phần vượt mức quy định, chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Điện Quang không đúng quy định. Bên cạnh đó, trong thời gian dài, bà Thoa nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ.
Ngày 28-7-2017, bà Hồ Thị Kim Thoa có đơn xin nghỉ việc vì "lý do cá nhân".
Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (điều 219 Bộ Luật Hình sự): 1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng. 3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Tác giả: Nguyễn Hưởng
Nguồn tin: Báo Người lao động