Trong nước

Vì sao ông Đoàn Ngọc Hải thất bại trong 'cuộc chiến' dẹp vỉa hè?

Chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè của ông Đoàn Ngọc Hải không thể hiện hình ảnh một chính quyền hành xử văn minh, mà cho thấy hành vi của một người quản lý dân túy.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Phạm Lan Phương (Khải Đơn), cây viết ở TP.HCM từng có thời gian làm việc tại Tuổi Trẻ, Yahoo Việt Nam, Thanh Niên và BBC. Lan Phương từng xuất bản một số cuốn sách như “Sài Gòn – Thị thành hoang dại”, “Đừng tháo xuống nụ cười”.

Trong đơn từ chức ngày 8/1, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM), viết: "Nhìn lại, tôi thấy mình không thực hiện được lời hứa trước nhân dân và kỳ vọng của đồng chí lão thành cách mạng là sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này. Vì vậy, tôi xin từ chức".

Nhớ lại lúc ông Hải khởi xướng chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè, phong trào này đã lan ra cả nước. Chiến dịch dẹp vỉa hè lan đến tận những đường làng miền Bắc, nơi không có vỉa hè để mà dọn, nhưng họ cứ "giành lại vỉa hè" bằng cách chặt hạ những hàng cây xanh vô tội ven đường.

Trong khi đó, ở Sài Gòn, hành động của ông Hải được rất nhiều người dân ủng hộ với khát vọng “biến TP.HCM thành Singapore”.

Ở Sài Gòn, nơi đang có khao khát mãnh liệt… giống Singapore, người dân đổ lỗi hàng rong làm tắc nghẽn đường, kẹt xe, bẩn thỉu, đẩy người đi đường xuống lề đường, nên đa số thấy hành động ông Hải làm là đúng.

Ông xuất hiện với cần cẩu, lực lượng đô thị, sẵn sàng đập phá những đoạn vỉa hè và đẩy người bán hàng rong khỏi các vị trí “cố thủ” nhiều năm của họ.

Lý do tôi cho rằng việc này không đúng là vì nó hoàn toàn được nhìn từ góc độ làm thỏa mãn những người dân có việc làm trong văn phòng, có nơi kiếm sống ổn định và cảm thấy khó chịu vì sinh cảnh của họ bị đe dọa.

Nó không hề nhìn từ góc độ rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam ra sao (tỷ lệ này ở Việt Nam trong quý II/2017 là 2,05%, tương đương 1,12 triệu người), tỷ lệ người lao động từ nông thôn đổ về đô thị thế nào và bao nhiêu người đang sống dựa trên sinh kế vỉa hè.

Cần nói rõ, nhóm người này cũng là công dân và họ xứng đáng được đưa vào sự xem xét chung để có cuộc sống tốt hơn, chứ không phải chỉ nằng nặc “giành lại” vỉa hè từ tay họ mới là đúng.

Khi thực hiện chiến dịch lập trật tự vỉa hè, ông Đoàn Ngọc Hải dường như không hề tính đến các vấn đề xã hội khác đi kèm với vỉa hè như: Các lực lượng nào đang chiếm vỉa hè chính? Số người sống dựa vào vỉa hè ra sao, và họ vẫn bất chấp quay lại bán buôn vì lý do gì? Sau khi dẹp xong... thì sao nữa? Nhóm thất nghiệp này sẽ đi về đâu?

Tôi nói điều này vì chiến dịch vỉa hè của ông Hải tiến hành từ tháng 1 đến tháng 10/2017, nhưng mãi đến tháng 3/2017, báo chí mới cho biết TP.HCM vừa giao “Viện Nghiên cứu phát triển TP phối hợp với Sở GTVT và UBND quận, huyện hoàn thành đề án quy hoạch các khu vực được phép kinh doanh buôn bán trên vỉa hè…”.

Vậy hành động "lập trật tự" này có tiếp cận từ cái nhìn muốn thực sự chỉnh trang lại đô thị văn minh hay không? Không hề, nó diễn ra một cách vội vã, lộn xộn sau hai tháng đập phá om sòm, nhằm biến các tuyên ngôn của ông thành hiện thực một cách đầy cưỡng bức.

Ngoài ra, hành động đột ngột xuất hiện, đập phá tài sản, thu giữ tủ kính, tài sản, hàng hoá, phần xây dựng của các chủ cơ sở kinh doanh, các gia đình... đã được thực hiện theo đúng quy định hay chưa?

Ông Đoàn Ngọc Hải là Phó chủ tịch quận 1, có lẽ ông rõ ràng hơn ai cả về những hành động vượt qua tất cả các quy tắc thông thường và gây tổn hại đến tài sản của người dân, dù là một món đồ để sai phép của người bán hàng rong hay các tài sản của doanh nghiệp đang vi phạm trên vỉa hè.

Dùng sự bất chấp pháp luật để chống lại sai phạm của người dân không phải là cách hành động hợp lý của người thực thi công quyền.

Trong chiến dịch thiết lập trật tự vỉa hè, ông Đoàn Ngọc Hải không mang gương mặt của một chính quyền muốn hành xử văn minh, mà nó thể hiện hành vi của một người quản lý dân túy. Điều này làm hài lòng một nhóm người mừng rỡ vì có nhà ở an ổn và vui lòng vì hàng rong nên được dẹp đi cho đẹp mắt trước sân nhà họ.

Ngoài ra, một lượng lớn vỉa hè tại TP.HCM không hề do người hàng rong chiếm, mà chính các tòa nhà, công ty, quán cà phê, quán nhậu, vũ trường…

Mười người bán hàng rong có thể ngồi ở một góc hồ Con Rùa (quận 1) và lấn chiếm một đoạn vỉa hè.

Trong khi đó, một quán cà phê ở đường bên kia của hồ Con Rùa chiếm sạch một quãng vỉa hè để đậu xe. Tôi không chắc ai mới là kẻ đang đẩy người dân xuống lòng đường để gặp nguy hiểm khi đi bộ, người bán hàng rong hay những tòa nhà và các thế lực sử dụng vỉa hè kia?

Vì các lãnh đạo và cả người dân Sài Gòn đều coi Singapore là tấm gương đối với TP.HCM, nên trong bài viết này, khi nói về chiến dịch của ông Đoàn Ngọc Hải, tôi sẽ chọn trường hợp Singapore làm điển hình so sánh.

Trong một "fact sheet" của Hội đồng lập pháp Hong Kong về lịch sử của hàng rong ở Singapore, thành phố này có tỷ lệ thất nghiệp cao trong thập niên 1950-1960, dẫn đến việc nhiều người cần phải ra đường bán hàng rong mưu sinh.

Hàng rong đem đến hàng hóa rẻ, đồ ăn, trái cây, đồ tươi, hàng sinh hoạt, báo chí, nhu yếu phẩm. Giá mềm và thò chân đi xuống là mua được. Đi kèm hàng rong là các nguy cơ như mất vệ sinh, lây lan các bệnh về thực phẩm, vệ sinh, sức khỏe công cộng, nơi bùng phát dịch tả và bệnh thương hàn, là nơi dung chứa các loại như muỗi, bọ...

Cũng giống Việt Nam, nó làm tắc đường và lấn chiếm vỉa hè. Đây cũng chính là lý do khiến người dân đang bực mình vì hàng rong ở Sài Gòn. Vì vậy họ một mực ủng hộ ông Hải trong chiến dịch dẹp vỉa hè. Họ muốn có lại vỉa hè, có lại sự sạch sẽ khi hàng rong chưa xuất hiện.

Ở giai đoạn này, chính quyền Singapore cũng làm những vụ bắt bớ, thu giữ đồ đạc của người hàng rong, phá hỏng và đập đồ của họ. Cùng với đó là chế độ cấp giấy phép, nhưng chỉ có 1/3 số người bán hàng rong đăng ký giấy phép này.

Chính sách của chính quyền Singapore khi ấy không được công chúng ủng hộ vì rất nhiều người dân thông cảm với những người nghèo đang phải mưu sinh trên đường.

Con cái của các tiệm hàng rong cũng tham gia vào việc nấu ăn, bán hàng. Hàng rong trở thành mưu sinh của rất nhiều người và cả gia đình, mà việc loại bỏ họ là điều không thể.

Nhà nghiên cứu Azhar Ghani viết: “Trò chơi mèo vờn chuột liên tục này giữa những người bán hàng rong và chính quyền làm sinh ra nhiều vấn đề khác, như người bán hàng rong sẽ hối lộ cảnh sát hay trả tiền bảo kê cho các băng nhóm và thế giới ngầm để thoát khỏi các cuộc trấn áp quy mô và bắt bớ lớn.”

Từ năm 1968-1969, chính phủ Singapore tiến hành một đợt đăng ký lớn, làm bước đầu tiên để hợp pháp hóa hàng rong. 18.000 xe hàng rong đã được đăng ký trong giai đoạn này.

Sau đó, người bán hàng rong được yêu cầu dời vào những vỉa hè ít đông đúc hơn, đứng bán ở làn xe trong, hoặc trong bãi gửi xe vào các giờ quy định. Lúc này, các đợt trấn áp song song tiếp tục bắt giữ các xe hàng rong bán không đăng ký.

Sau khi đăng ký, việc thiết lập nơi nào cho người bán hàng rong là một vấn đề. Người bán hàng rong không muốn bị đẩy tới những khu xa xôi, không có khách hàng. Họ muốn bán ở nơi họ đã bắt đầu tụ lại buôn bán, nơi khách tiện đường ghé qua đông, và có những người mua hàng đã quen nhiều năm.

Ban Phát triển và nhà ở (HDB) Singapore cho rằng tái định cư những người bán hàng rong này phải gần các nơi bán hàng ban đầu của họ. Khi đó, các tòa nhà mới được xây, HDB sẽ xây luôn chợ và khu hàng rong gần đó trong tổ hợp tòa nhà.

Khi các tòa nhà bắt đầu có người ở, hàng rong cũng có thể vào bán. Quá trình này diễn ra từ năm 1974-1979 và 54 trung tâm bán hàng rong được xây trong vòng 9 năm ở Singapore.

Ông Lý Quang Diệu nói về cuộc “tái định cư hàng rong” này sau thành công: “Trong nhiều năm, chúng ta đã không thể làm sạch thành phố bằng cách loại bỏ những xe hàng rong trái luật và taxi dù. Chỉ sau năm 1971, khi chúng ta đã tạo ra nhiều việc làm, chúng ta mới có thể áp dụng luật pháp và giành lại đường phố".

"Chúng ta cấp giấy phép cho thực phẩm bán trên đường phố, di dời họ khỏi đường và vỉa hè, đưa họ đến những trung tâm hàng rong được xây dựng đúng mực gần đó, với nước máy, cống thải và nơi bỏ rác. Vào đầu thập niên 1980, chúng ta đã tái định cư lại toàn bộ người bán hàng rong", ông Lý mô tả.

Ngày nay, Singapore có 107 trung tâm bán hàng rong, với 15.000 quầy hàng. Các quầy hàng này đều gần các khu nhà ở hoặc các nút giao thông lớn. Cần chú ý, nhà lãnh đạo Singapore nhấn mạnh tới việc tạo việc làm, cấp giấy phép, đưa người bán hàng tới nơi quy hoạch, sau đó mới là trấn áp.

Toàn bộ quy trình trên diễn ra từ thập niên 1950 đến 1980, tức là khoảng 30 năm tròn giữa nghiên cứu, thỏa thuận, cân đong chính sách, giáo dục người bán hàng rong - tầng lớp nghèo khó của Singapore.

Tìm hiểu về số miệng ăn trong gia đình họ, lao động trẻ em trong nhà, các nghiên cứu trong thập niên 1970 chỉ ra chỉ có 12% người bán hàng rong thuê người phụ việc bên ngoài, còn lại là toàn gia đình làm việc để mưu sinh. Do đó một chính sách hàng rong sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ gia đình và trẻ con.

Những người mở chiến dịch trấn áp giống ông Hải ở Singapore đã thất bại từ thập niên 1950. Họ buộc phải nhìn lại mọi thứ nghiêm túc hơn và thực hiện chậm rãi hơn để chính sách thực sự có gương mặt con người và giữ gìn được trật tự một thời gian dài sau đó.

Tại Thái Lan, vào năm 2013, có 20.000 quầy hàng rong đăng ký và đóng tiền hàng tháng cho chính quyền Bangkok dọn dẹp vệ sinh và duy tu các con đường có hàng rong.

Chính quyền cũng quy định giờ bán hàng rong. Các con đường Ratchadamri hoặc Tha Phrachan được yêu cầu dọn dẹp để có lối cho người đi bộ đi từ 17-19h. Ratchadamri là đường ở trung tâm, rất nổi tiếng với du khách và có đông sinh viên ở khu vực này qua lại.

Nếu ai đến Bangkok nhiều sẽ biết hàng tuần vào thứ 2, các quầy bán hàng rong ngon sẽ nghỉ. Năm 2013, chính quyền Bangkok quy định thứ 2 là ngày dọn dẹp đường và làm vệ sinh nên người bán hàng rong phải nghỉ.

Sự hợp lý này trong thời gian dài đã giúp Bangkok nổi tiếng về các chợ quà vặt, hàng rong và thức ăn đặc sản có thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khiến du khách an tâm.

Người bán hàng rong có vị trí đổ rác, lấy nước sạch, nơi thoát thải... và chính quyền Bangkok có thể kiểm tra, bắt giữ rất nhanh những xe hàng sai phạm về an toàn thực phẩm.

Vỉa hè trở thành một ngành kinh tế quan trọng đi kèm với du lịch, đặc biệt là ở Bangkok, nơi phần lớn là du lịch mua sắm và "nightlife".

Sau khủng hoảng kinh tế năm 1997, một tầng lớp có học thức phải nghỉ việc vì khủng hoảng đã “xuống đường” buôn bán và tạo hình thành gương mặt đa dạng, thú vị của hàng rong vỉa hè Bangkok ngày nay.

Quay trở lại yếu tố bán ở đâu, tại sao Singapore coi chuyện “bán hàng ở đâu” là quan trọng với người hàng rong?

Người bán hàng rong muốn bán ở các nơi quen thuộc, thường là trung tâm, nơi họ có đông khách quen, nhiều người qua lại, và họ sẽ dễ dàng chống lại lệnh đổi chỗ nếu không được bán ở nơi ban đầu, hoặc gần chỗ đông khách.

Yếu tố này thấy rất rõ vào năm 2016 tại Thái Lan, khi chính quyền Bangkok bất ngờ… đổi ý dẹp sạch hàng rong quanh các khu chợ lớn ở trung tâm Siam, Ratchadamri, Pratunam… và một số chợ đêm được yêu cầu dời về rất xa so với trung tâm.

Người bán hàng rong đã chống lại lệnh này. Bởi các khu chợ mới được tái định cư không hứa hẹn có nhiều khách mua hàng như vị trí cũ. Sau một năm thực hiện, trên các báo về du lịch, du khách phương Tây và châu Á đặt câu hỏi về việc họ sẽ chơi gì khi đến Bangkok nếu không có chợ hàng rong để mua sắm và ăn uống.

Tới giờ, vấn đề đó chưa được giải quyết, nhưng sự tổn thương mà ngành du lịch hứng chịu là có thật ở Bangkok.

Mumbai ở Ấn Độ cũng gặp tình trạng tương tự, khi họ xây một trung tâm hàng rong cao 5 tầng, với ý định đưa dân bán hàng rong từ khu vực khác tới. Rất ít người bán hàng rong muốn đến bán ở đây vì khách hàng chả bao giờ muốn đến cái thương xá đó, để trèo lên 5 tầng mua món hàng lặt vặt, thay vì mua bán ở gần nhà ga xe lửa Dadar cho đơn giản.

Hầu hết, các quầy hàng ở Hawkers Plaza tại Mumbai không có ai vào bán trong 12 năm, trừ những quầy ở tầng trệt.

Vài trường hợp thành công như Singapore, hay hai câu chuyện có hoàn cảnh và điều kiện gần giống Sài Gòn là Bangkok và Mumbai, cho thấy chuyện quản lý vỉa hè, trấn áp để có vỉa hè văn minh cần một lộ trình dài.

Chiến dịch này gồm có nghiên cứu khoa học, đánh giá mong muốn và khảo sát nguyện vọng của nhóm người đang sống dựa vào vỉa hè, quy hoạch lại và sau cùng mới là dùng đến cưỡng chế, trấn áp để mọi thứ đi vào nền nếp, lâu dài.

Hành động đập, thu giữ và đuổi bắt, trấn áp người bán hàng rong trên thực tế không tính tới các phần khác trong đời sống được đóng góp ra sao từ thành phần kinh tế vỉa hè nhếch nhác này.

Cách tiếp cận này chính là điều Singapore làm - không phải đổ lỗi và trấn áp là có thể đẩy người bán hàng rong khỏi vỉa hè - mà là đưa họ vào hành lang pháp lý, cung cấp cho họ sinh kế tương đương, mới có thể “đẩy” họ tự nguyện rời khỏi vỉa hè.

Một kiến trúc sư từng nói với tôi: “Khi xây các khu căn hộ cao cấp ở trung tâm, người ta không hề nghĩ đến chuyện làm sao để người nghèo chung sống hòa bình với họ trong đô thị".

"Và khi Tết đến, lúc họ phải về quê, cần người giúp việc, tỉa cây, chăm sóc thú cưng, họ chẳng thể tìm được ai. Bởi vì họ đã đẩy sạch người nghèo ra khỏi những khu vực đó rồi, ai mà phục vụ họ nữa”, anh nói.

Anh bạn tôi là một kiến trúc sư chuyên về thiết kế nhà ở văn minh cho người thu nhập thấp trong đô thị.

Cách để một xã hội văn minh hơn, là nhiều thành phần và tầng lớp có thể chung sống với nhau, chứ không phải tiêu diệt một nhóm nào đó để một nhóm khác được hài lòng, như cách mà ông Đoàn Ngọc Hải thực hiện.

Nếu muốn Việt Nam giống Singapore, như nhà nghiên cứu Kỷ Quang Vinh từ Đại học Cần Thơ nói: “Không nên cưỡi ngựa xem hoa rồi về trồng hoa mà phải học tập nghề trồng hoa thực sự nghiêm túc”.

"Trồng hoa" hàng rong ở Singapore mất tới 30 năm và đủ các thỏa thuận giữa người dân và chính quyền. Hàng rong ở Bangkok đã định hình từ năm 2005, tới nay còn đầy vấn đề lộn xộn.

TP.HCM chẳng lẽ muốn nhanh chóng cấp tập thực hiện tất cả trong 10 tháng để thành công?

Ảnh: Tùng Tin
Đồ hoạ: Phượng Nguyễn

Tác giả: Khải Đơn

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

ok