Giáo dục

Vì sao kết quả điểm thi môn tiếng Anh thấp thê thảm?

Cũng giống như năm 2015, tiếng Anh là môn có kết quả điểm thi thấp nhất trong số 8 môn thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.


Năm 2015, trước kết quả “thê thảm” của môn thi tiếng Anh, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển đã từng thừa nhận, kết quả này phản ánh một phần những bất cập trong chất lượng dạy học tiếng Anh ở bậc phổ thông nói chung.

Nhiều giáo viên tiếng Anh cho biết, tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, học sinh ít được quan tâm và bản thân các em cũng không chú trọng đến việc học ngoại ngữ, cho dù có sách giáo khoa theo chương trình phổ cập nhưng việc dạy và học cũng rất sơ sài.

Trong khi đó, tại các thành phố lớn lại xảy ra tình trạng học sinh chán nản vì cứ phải học đi học lại những kiến thức cũ. Huy Tùng (học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm) cho biết: “Tụi em đã học đến cách chia động từ ở thì quá khứ, tương lai từ hồi lớp 5 rồi, lên lớp 6 lại tiếp tục học lại, thậm chí học đếm số từ 1 đến 20 như hồi mới vào lớp 1 nên thấy rất chán”.

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đang triển khai song song 3 chương trình dạy tiếng Anh gồm: chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh tích hợp.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở, dù học sinh có học chương trình tiếng Anh tăng cường hay tiếng Anh tích hợp thì vẫn phải học song song cả chương trình tiếng Anh của Bộ vì đây là yêu cầu bắt buôc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chính vì thế mới có hiện tượng “tréo ngoe” khi học sinh lớp tăng cường tiếng Anh vừa phải học thêm 8 tiếng theo bộ sách mới có nội dung nâng cao, vừa phải học lại những câu chào hỏi mở đầu theo sách giáo khoa của Bộ.

Cô B.Ngọc, một giáo viên tiếng Anh bậc THCS cho biết, chính việc chồng chéo trong các chương trình dạy tiếng Anh hiện nay khiến các giáo viên rất khó khi khơi gợi sự hào hứng của học sinh trong các tiết học vì các em cứ phải học đi học lại những kiến thức cũ.

Tuy nhiên, nhiều học sinh lại cho biết, vì giáo viên phát âm sai, học sinh không có cơ hội giao tiếp, ngữ pháp nặng nề là những lý do chính khiến các em không hào hứng với bộ môn này.

Mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng thực tế cho thấy, tiếng Anh đang được dạy như môn Toán, Vật lý với các công thức, bài tập áp dụng trong các loại sách giáo khoa và tham khảo. Học sinh vẫn cứ phải học từ tiết học này sang tiết học khác với các loại sách và bài tập liên tiếp nhau với một mô-típ không thay đổi khiến bộ môn vốn dĩ rất thú vị này trở nên khô cứng và nhàm chán.

M.Vương, học sinh một trường THPT ở ngoại thành TP.HCM cho biết: “Đến giờ tiếng Anh, tụi em phải nhồi nhét rất nhiều các quy tắc ngữ pháp, các cấu trúc câu, chia thì động từ, học thuộc lòng như một cái máy. Rồi tiếp đó là các kiểu bài tập trên lớp, bài tập về nhà chồng chất. Đối với em, môn tiếng Anh gần như là một “ác mộng”.

Có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều học sinh coi tiếng Anh như một môn học ám ảnh, học để đối phó dẫn đến việc không đạt được kết quả như mong muốn.

Tác giả bài viết: Bạch Dương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok