Giáo dục

Vì sao giáo viên và phụ huynh đều sợ VNEN?

Nhiều địa phương mới đây yêu cầu dừng triển khai đại trà mô hình trường học mới VN (VNEN) trong năm học 2016 - 2017.


doimoi FPJQ
Một lớp học theo mô hình trường học mới VN Ảnh: Tuệ Nguyễn

Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao chúng ta bỏ ra rất nhiều tiền nhưng khi dự án kết thúc lại có ý kiến không triển khai đại trà mô hình giáo dục này?

“Rằng hay thì thật là hay”

Thực ra, mô hình VNEN rất hay, được xây dựng trên những cơ sở tâm lý học và giáo dục học một cách vững chắc, học sinh (HS) được phát huy vai trò chủ thể tích cực - đó là tự học (học cá nhân, học nhóm là chủ yếu), trong đó HS được nói, được hỏi nhiều hơn, được thảo luận, tranh luận với bạn (và cả giáo viên - GV) nhiều hơn để tìm ra tri thức mới và hình thành kỹ năng tương ứng; được vận dụng, ứng dụng những kiến thức và kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống nhiều hơn để hình thành năng lực; được phát huy năng lực, trí thông minh của mình nhiều hơn; được tham gia đánh giá việc học tập và tham gia hoạt động của mình... Bên cạnh đó, mô hình VNEN còn tạo điều kiện thuận lợi cho tập thể HS thiết lập được "cơ chế" và bộ máy tự quản hoạt động hữu hiệu. HS trở nên tự tin, chủ động, sáng tạo, hồ hởi không chỉ trong học tập mà còn qua các hoạt động giáo dục khác nhau.

Ở mô hình này, GV không còn là người "truyền đạo" mà đóng vai trò tổ chức, điều khiển, hướng dẫn, trọng tài, hỗ trợ HS tự học. GV không còn làm thay HS, không còn thuyết giảng mà thiết kế một lộ trình thích hợp gồm các hoạt động để giúp HS tự mình đi đến đích và chỉ lên tiếng, can thiệp khi cần.

Việc học tập của HS không dừng lại trên lớp mà gắn với cộng đồng. Chính điều này giúp cho HS thấy được ý nghĩa của việc học một cách rõ ràng hơn, kết nối kiến thức trừu tượng với thực tiễn làm cho kiến thức bền vững, hình thành được những năng lực khác nhau, biến những kiến thức thành giá trị cá nhân, cải thiện cuộc sống của mình tốt đẹp hơn... Việc học tập của HS gắn với cộng đồng còn giúp cho sự tham gia và phối hợp của các lực lượng giáo dục trở nên hiện thực, hiệu quả hơn.

Tính khả thi thấp

Tuy nhiên, dù mô hình này có tuyệt vời đến mấy mà tính khả thi thấp thì cũng giảm giá trị bởi nó chưa phù hợp với điều kiện thực hiện ở nhiều trường VN hiện nay. Do đó, ngẫu hứng làm đại trà thì thất bại là điều có thể thấy trước.

Nếu VNEN có thất bại ở địa phương hoặc nhà trường nào đó thì cũng do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như sĩ số HS quá đông, năng lực sư phạm của một bộ phận GV và năng lực tự học của HS còn khá hạn chế, cơ sở vật chất còn chật hẹp, tài liệu còn những điểm yếu, sự ủng hộ của phụ huynh chưa tốt... Nhưng chủ yếu là do các cấp quản lý giáo dục.

Mô hình này chỉ phù hợp với lớp học có sĩ số HS thấp, trên dưới 20 em chẳng hạn. Ấy vậy mà có lớp tận 40 HS, thậm chí hơn mà nhiều nơi cũng áp dụng. Cứ ngỡ như người ta "làm bằng mọi giá" để lấy số lượng? Chúng tôi đã từng đặt câu hỏi về giải pháp áp dụng VNEN đối với quy mô lớp lớn cho chuyên gia nước ngoài thì họ cũng không có câu trả lời.

Trong quá trình thực hiện, mặc dù mô hình này bộc lộ những hạn chế nhưng có những cấp dưới cố khen "hay", "hiệu quả", "phù hợp", "tốt" khi báo cáo với các cấp quản lý trên. Nhiều người cho biết các tiết học quay video clip hay có cấp trên về dự đều là dàn dựng. Nếu chỉ dựa vào những bản báo cáo hay nhận xét thiếu trung thực và thiếu khách quan đó, cấp trên thiếu căn cứ khách quan nên càng thôi thúc các nơi khác "làm", nhân rộng.

Nhiều cán bộ quản lý giáo dục lý tưởng hóa mô hình này, nhất nhất lúc nào cũng phải "HS tự học", "GV chỉ hỗ trợ". Điều này không sai về lý luận nhưng thực tế thì lại khác. Thử hỏi nếu HS quên những kiến thức và kỹ năng cần thiết, thậm chí nhiều HS lớp 2, 3 vùng cao còn chưa biết đọc, thì liệu các em tự học như thế nào? Rồi tài liệu được biên soạn cho các vùng miền khác nhau (trình độ HS và trình độ GV cũng khác nhau) nên HS có nơi tự học được, còn nơi khác thì không... HS cả mấy ngàn trường đều tự học như nhau cùng một tài liệu là điều không tưởng! Còn chuyện yêu cầu GV tự điều chỉnh nội dung cho phù hợp với HS của mình lại càng chứng tỏ cấp quản lý giáo dục hiện nay vừa quan liêu, vừa mơ hồ về trình độ của GV hiện nay...

Nhiều nhà quản lý giáo dục cứ ra lệnh. Có nơi GV "kêu" nhưng chả thấu. Điều quan trọng đối với nhiều quản lý giáo dục là thành tích, làm sao được cấp trên khen chứ không phải là lợi ích của HS hay tiếng nói của GV...

Vội vã triển khai

Để triển khai được mô hình này, cần phải tập huấn kỹ cho GV. Tuy nhiên, thực tế nhiều GV phàn nàn chưa hiểu rõ, chưa được tập huấn đúng mức, thậm chí không có tài liệu hướng dẫn giảng dạy (mà chỉ có tài liệu hướng dẫn học) nhưng đã vội triển khai.

Nhiều người cứ tưởng rằng dạy học theo VNEN dễ lắm vì "chẳng phải làm gì cả". Thực tế thì ngược lại vì GV phải bảo đảm cho HS tự học theo nhóm và cá nhân thành công, trong lúc đó thì HS đã có thói quen học kiểu "bú mớm" (chờ nghe GV giảng) bấy lâu nay rồi, nay phải tự học thì tỏ ra rất lúng túng. Mặt khác, lớp đông thì làm sao GV giúp đỡ được tất cả các nhóm, tất cả HS?... Có bao nhiêu cán bộ quản lý dám dạy vài tiết cho GV học tập kinh nghiệm mô hình này?

Quản lý giáo dục hiện tại quá coi trọng hồ sơ, sổ sách mà chưa coi chất lượng, sự tiến bộ của HS như là yếu tố quan trọng nhất.

Cho đến nay dường như chưa có nghiên cứu đánh giá, so sánh chất lượng giữa mô hình truyền thống với mô hình VNEN, do đó chúng ta chưa chứng minh được hiệu quả của VNEN.

Chợt nhớ đến câu chuyện Ông lão đánh cá và con cá vàng. Chả nhẽ khi "con cá vàng" ra đi, "ông lão" có nguy cơ quay về với "mụ vợ già", với "ngôi nhà tồi tàn"?


Gần 30% trường tiểu học áp dụng VNEN

Dự án VNEN do Quỹ hỗ trợ giáo dục toàn cầu (Global Partnership for Education - GPE) tài trợ cho VN nghiên cứu, vận dụng để triển khai, ủy thác qua World Bank (Ngân hàng Thế giới); UNESCO tại VN là cơ quan giám sát và điều phối cùng một số đối tác phát triển giáo dục tại VN. Thời gian triển khai là 41 tháng (từ 1.2013 đến hết tháng 5.2016).

Sau thời gian thí điểm tại 24 trường tiểu học và 48 lớp 2 vào năm học 2011 - 2012 ở 6 tỉnh (Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Kon Tum, Đắk Lắk và Khánh Hòa) với 12 huyện, mô hình VNEN chính thức được triển khai vào năm học 2012 - 2013 cho tất cả 63 tỉnh, thành phố với 1.447 trường và được chia thành 3 nhóm tỉnh: Nhóm 20 tỉnh thuộc vùng khó khăn với 1.143 trường; nhóm 21 tỉnh ở mức trung bình với 282 trường; nhóm 22 tỉnh, thành có nhiều thuận lợi với 22 trường.

Từ 1.447 trường thuộc dự án, theo từng năm học, số trường tiểu học tự nguyện áp dụng mô hình VNEN (không có sự hỗ trợ kinh phí của dự án) không ngừng tăng lên. Năm học 2013 - 2014 tăng thêm 257 trường ở 20 tỉnh, thành; năm học 2015 - 2016 có 1.039 trường ở 31 tỉnh, thành phố và năm học 2015 - 2016 có tất cả 2.730 trường (ở 53 tỉnh, thành) tự nguyện áp dụng mô hình, nâng tổng số trường áp dụng VNEN lên 4.177 trường, chiếm gần 30% tổng số trường tiểu học trong toàn quốc.

Sau khi thí điểm mô hình tại 24 trường THCS thuộc 6 tỉnh vào năm học 2014 - 2015, đến năm 2015 - 2016 đã triển khai áp dụng ở hơn 1.700 trường THCS thuộc 61 tỉnh, thành.

Dự án kết thúc từ ngày 31.5.2016 và ngừng hỗ trợ kinh phí cho các trường kể từ năm học 2016 - 2017. Tuy nhiên, tại văn bản hướng dẫn triển khai mô hình VNEN bậc tiểu học từ năm học 2016 - 2017 của Bộ GD-ĐT ngày 30.3.2016 nêu rõ: “Bộ sách giáo khoa của mô hình này sẽ được chỉnh lý, hoàn thiện để trở thành một trong những bộ sách phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng chính thức từ năm học 2018 - 2019”.

Tuệ Nguyễn

Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Hợp (Giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok