Thế giới

Vì sao bầu cử tổng thống Mỹ năm nay gay cấn hơn cả giải siêu xổ số?

Sự khác thường trong cách hành xử của các ứng viên, cùng nỗi lo lắng về nền chính trị của cử tri Mỹ khiến cuộc bầu cử tổng thống trở nên rất khó đoán.

Số tiền người Mỹ đặt cược cho cuộc bầu cử tổng thống đã lên đến mức kỷ lục. Ảnh: Youtube

Tập đoàn Xổ số Thủ đô Mỹ (BCLC) mới đây thông báo số tiền đặt cược cho cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra đã vượt quá giá trị các sự kiện trong ba năm qua, kể cả giải siêu xổ số Superbowl lớn nhất của Mỹ, theo CBC News.

Theo các chuyên gia phân tích, việc người Mỹ chi nhiều tiền để đặt cược cho cuộc bầu cử tổng thống chứng tỏ cuộc đua này được quan tâm và có mức độ khó lường rất lớn, bởi bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump.

Ứng viên khác thường

Cách đây một năm, không nhiều người Mỹ tin rằng tỷ phú bất động sản Donald Trump sẽ trở thành đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ. Thế nhưng qua các kỳ bầu cử sơ bộ, với phong cách ăn nói thẳng thừng, cùng những lời công kích cá nhân khiến đối thủ bối rối, doanh nhân chưa từng làm chính trị này giành thắng lợi liên tiếp, trở thành ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa.

Bà Clinton được đánh giá là một gương mặt sáng giá của đảng Dân chủ, dễ dàng giành chiến thắng trước đối thủ lớn nhất Bernie Sanders trong kỳ bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên, bà lại là ứng viên tổng thống bị điều tra nhiều nhất trong lịch sử, với hàng loạt cuộc điều tra của FBI nhắm vào bê bối sử dụng email công vụ. Bà còn bị tố nhập nhằng trong việc sử dụng Quỹ Clinton, hay gây áp lực với những phụ nữ tố cáo chồng bà quấy rối tình dục.

Ông Trump cũng không hề thiếu các bê bối, và bị đánh giá là ứng viên nhiều tai tiếng nhất trong lịch sử đảng Cộng hòa. Ông bị người dân Mexico la ó vì ý tưởng xây tường biên giới, bị các đồng minh của Mỹ hoài nghi về cam kết an ninh, và khiến người dân Mỹ giận dữ với video khoe thoải mái sàm sỡ phụ nữ. Hàng loạt lãnh đạo cấp cao đảng Cộng hòa công khai từ bỏ ông, điều chưa từng có trong các kỳ bầu cử trước đây.

Theo bình luận viên Janet Hook của Wall Street Journal, những điều đó đã đẩy chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay vào một hướng đi mới đầy "tầm thường và độc địa". Trong các cuộc tranh luận trực tiếp, thay vì tranh cãi về chính sách, hai ứng viên liên tiếp tung ra những lời công kích cá nhân, khiến cử tri ngày càng cảm thấy mệt mỏi và giận dữ với nền chính trị đất nước.

Sau các cuộc tranh luận trực tiếp, đặc biệt là sau vụ bê bối sàm sỡ phụ nữ của Trump, tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho bà Clinton tăng vọt trong các cuộc thăm dò. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng nếu bầu cử Mỹ diễn ra vào đầu tháng 10, chắc chắn bà Clinton sẽ đắc cử.

Tuy nhiên, sự khó lường của cuộc bầu cử năm nay một lần nữa bộc lộ, sau khi Giám đốc FBI James Comey tung ra một quả bom với tuyên bố mở lại cuộc điều tra bê bối email của bà Clinton. Tỷ lệ ủng hộ bà Clinton lập tức giảm sút, và có lúc ông Trump đã vượt lên bà trong một cuộc thăm dò, khi nhiều người tỏ ra hoài nghi về sự trung thực và trách nhiệm của cựu ngoại trưởng.



Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters

Comey mới đây đã "giải oan" cho bà Clinton, khi khẳng định không có bằng chứng mới để khởi tố vụ án. Thế nhưng quả bom của ông quăng ra đã kịp gây thiệt hại, bởi có rất nhiều cử tri đã đi bỏ phiếu sớm với những thông tin chưa đầy đủ về vụ điều tra của FBI.

"Nó làm tôi thấy lo lắng. Có quá nhiều thứ ngớ ngẩn từ cả hai phe", Soren Staff, cô gái 25 tuổi ủng hộ bà Clinton, bày tỏ. Một người khác tên là Drew Suttles thì chỉ mong kỳ bầu cử nhanh chóng qua đi. "Nó đã mang lại quá nhiều thứ tồi tệ. Khắp nơi mọi người chỉ cãi nhau, không ai tôn trọng ý kiến của bạn", Suttles lắc đầu.

Cử tri khó đoán

Theo bình luận viên Janet Daley của Telegraph, không khí mà cuộc chạy đua tranh cử năm nay tạo ra khác thường và nhiễu loạn đến mức người Mỹ phải tranh luận, cãi nhau để thuyết phục người khác, hoặc chỉ đơn giản là để mọi người tin rằng đất nước này không hoàn toàn điên rồ.

Bà Hook cũng cho rằng cuộc vận động tranh cử hơn một năm qua đã làm thay đổi nước Mỹ, khiến nó bị chia rẽ hơn, ít khoan dung cho các quan điểm đối lập hơn so với trước đây.

"Tất cả cảm xúc tiêu cực của con người trong cuộc bầu cử này đã bị khuếch đại", Peter Wehner, cựu cố vấn Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói. "Nó đã trở nên xấu xí và ngớ ngẩn, chủ yếu là do Trump nhưng không phải là tất cả. Đến lúc tân tổng thống nhậm chức, người dân cũng đã quá mệt mỏi".

Các chuyên gia phân tích cho rằng cử tri Mỹ quan tâm đến cuộc bầu cử lần này cũng giống như người đi đường xúm quanh một vụ tai nạn, mong muốn thấy những điều kịch tính, chứ không phải với tư cách những người cầm lá phiếu định đoạt tương lai của chủ nhân Nhà Trắng.

Nhiều nhà quan sát tin rằng bà Clinton sẽ dễ dàng thu hút sự ủng hộ từ những người trí thức, người da màu, người thiểu số và kế thừa một lượng lớn thanh niên hậu thuẫn ông Sanders, trong khi tỷ phú Trump chỉ có thể thuyết phục được những người thuộc tầng lớp lao động da trắng có trình độ học vấn thấp hơn.

Tuy nhiên Daley chỉ ra rằng mọi việc phức tạp hơn như vậy rất nhiều. Nhiều người có trình độ học thức cao sẵn sàng bỏ phiếu cho Trump, và rất nhiều người bà gặp ở Mỹ tuyên bố sẽ sử dụng lá phiếu của mình để phản đối một cử tri, hay chỉ miễn cưỡng chấp nhận một nhà lãnh đạo, hơn là sự nhiệt thành của một công dân thực hiện quyền bỏ phiếu.

Trong khi nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, coi Trump là một thảm họa của nước Mỹ nếu đắc cử tổng thống, không ít cử tri lại quyết dùng lá phiếu của mình để ngăn chặn cái mà họ gọi là sự thi hành toàn diện chương trình kinh tế, xã hội của bà Clinton, nơi người giàu sẽ bị đánh thuế nhiều hơn, còn người nghèo được hưởng phúc lợi xã hội tốt hơn.

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: AP

Theo Daley, nhiều cử tri ủng hộ ông Trump cho rằng việc tăng phúc lợi xã hội từ tiền thuế của người giàu sẽ làm xảy ra tình trạng có một số người kiếm được nhiều tiền từ các khoản trợ cấp hơn là một công ăn việc làm tử tế. Những người tới Mỹ lập nghiệp tin rằng bà Clinton đang đe họa hủy hoại giấc mơ đi lên từ hai bàn tay trắng mà họ từng trải qua bằng chế độ phúc lợi như vậy.

Bởi vậy, khi ngày bầu cử sắp diễn ra, vẫn còn rất nhiều cử tri hoài nghi về khả năng đoàn kết đất nước của cả hai ứng viên, thậm chí lo ngại rằng ông Trump lẫn bà Clinton có thể hủy hoại vị thế của Mỹ trên thế giới.

"Tôi thấy xấu hổ khi cả hai ứng viên gọi tên nhau ra để xúc phạm như vậy. Tôi đã đi khắp nơi trên thế giới, và tôi biết rằng người ta đang cười nhạo chúng ta", Wayne Anderson, một cử tri đã nghỉ hưu, cho biết.

Tác giả bài viết: Trí Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok