Pháp luật

Vì sao 36 luật sư cùng bào chữa miễn phí cho một bị cáo?

TAND tỉnh Tiền Giang vừa hoãn phiên tòa sơ thẩm lần 2 xét xử đối với bị cáo Trần Thị Tuyết. Điều đặc biệt là phiên tòa này có 36 luật sư đăng ký bào chữa miễn phí cho bị cáo.

Bị cáo Trần Thị Tuyết - Ảnh: H.DANH

Có thể nói, đây là bị cáo có nhiều luật sư bào chữa nhất từ trước đến nay.

Nhận bào chữa miễn phí

Thời điểm TAND tỉnh Tiền Giang ra quyết định đưa vụ án ra xét xử có 27 luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa.

Trong thời gian chờ mở phiên tòa có thêm 9 luật sư nữa đăng ký bào chữa. TAND tỉnh Tiền Giang cấp đủ giấy cho cả 36 luật sư. Đây là số luật sư đông nhất tham gia bào chữa cho 1 bị cáo trong 1 vụ án.

"Luật không hạn chế bao nhiêu luật sư" - ông Trần Văn Châu, chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, khẳng định như vậy. Ông Châu nói: "Luật cho phép 1 bị cáo có nhiều luật sư bào chữa. Tòa không được hạn chế quyền này".

Có vướng mắc gì khi quá đông luật sư bào chữa cho một bị cáo? Trả lời câu hỏi này, ông Châu cho rằng có thể khâu tổ chức của tòa án sẽ gặp khó khăn chút ít trong vấn đề phòng xử cũng như việc thực hiện thủ tục tranh tụng tại tòa.

"Hội đồng xét xử sẽ cẩn trọng hơn trong khi xét xử bởi mỗi luật sư sẽ có một góc phân tích mọi ngóc ngách của vụ án" - ông Châu nhấn mạnh.

Đồng ý với ý kiến của ông Trần Văn Châu, luật sư Phan Trung Hoài (phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho rằng việc đảm bảo quyền được bào chữa là theo tinh thần Hiến pháp nhằm bảo vệ nghi can, bị can và bị cáo.

"Việc tòa cấp giấy chứng nhận cho hàng chục luật sư bào chữa cho bị cáo trước tòa là phù hợp quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho công tác bào chữa. Mọi vấn đề của vụ án sẽ được các luật sư đưa ra phân tích, mổ xẻ, thảo luận rõ ràng hơn" - luật sư Hoài nêu quan điểm.

Hủy án sơ thẩm lần 1

Theo hồ sơ vụ án, bà Trần Thị Tuyết (34 tuổi, ngụ huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) bị bà Nguyễn Thu Cúc (giám đốc Công ty TNHH DV bảo vệ - vệ sĩ Bảo Định) tố cáo hành vi chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng. Bà Tuyết bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Vụ án được TAND Tiền Giang xét xử sơ thẩm lần 1 (năm 2015), tuyên bà Tuyết phải chịu mức án 12 năm tù giam và bồi thường 732 triệu đồng cho Công ty Bảo Định.

Bà Tuyết kháng cáo kêu oan, tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM hủy toàn bộ bản án sơ thẩm do không đủ căn cứ pháp lý buộc tội, trả hồ sơ để điều tra, truy tố xét xử lại theo thủ tục chung.

Sau thời gian điều tra, Viện KSND tỉnh Tiền Giang tiếp tục truy tố bị cáo Tuyết tội danh như trước đây.

Cáo trạng thể hiện bà Trần Thị Tuyết là kế toán của Công ty Bảo Định, trước khi làm đơn xin thôi việc, từ tháng 7-2010 đến ngày 11-4-2013, bị cáo Tuyết cho rằng phải trả các khoản nợ chuyển đổi từ Công ty Thiên Long (tiền thân của Công ty Bảo Định) sang Công ty Bảo Định, nên mượn tiền của nhiều người để trang trải hoạt động của công ty dẫn đến có số tiền âm là 758 triệu đồng.

Đến ngày kiểm quỹ, bà Tuyết chỉ báo cáo số tiền mặt thực tế để kiểm đếm mà không đối chiếu với sổ sách kế toán. Từ đó, cáo trạng quy kết bà Tuyết chiếm của Công ty Bảo Định số tiền 732 triệu đồng.

Bị cáo Tuyết bị tạm giam từ tháng 5-2014 khi đang một mình nuôi con nhỏ, chồng chết do bị tai nạn giao thông.

Cho bị hại mượn hồ sơ gốc

Theo kiến nghị của luật sư, ngày 1-8-2016, bà Nguyễn Thu Cúc (giám đốc Công ty Bảo Định) có đơn yêu cầu gửi Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tiền Giang xin mượn bản chính rất nhiều tài liệu nằm trong hồ sơ vụ án.

Lý do: "Mượn lại để sao chụp phục vụ cho việc kiểm tra đối chiếu và tranh tụng tại tòa án trong quá trình xét xử".

Cùng ngày, điều tra viên lập văn bản xin ý kiến chỉ đạo của phó thủ trưởng cơ quan điều tra và được phê chuẩn ngay.

Cũng trong ngày 1-8-2016, điều tra viên cho Công ty Bảo Định mượn hàng trăm trang tài liệu của các loại sổ sách đều là bản chính hồ sơ vụ án để Công ty Bảo Định mang về thực hiện việc sao chép.

Theo các luật sư, việc điều tra viên cho Công ty Bảo Định mượn toàn bộ hồ sơ gốc là vi phạm nghiêm trọng pháp luật.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Tuyết nghi ngờ chính từ việc cho mượn toàn bộ hồ sơ đã tiết lộ cho Công ty Bảo Định những bí mật vụ án, đây có thể là cơ sở để đương sự hợp lý hóa lời khai.

Một điều tra viên cao cấp của Bộ Công an khẳng định theo quy định hiện hành, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra vụ án là tài liệu mật, những tài liệu này không được đưa ra khỏi cơ quan điều tra để đảm bảo tính khách quan cũng như không bị lộ bí mật của quá trình điều tra.

Tác giả: HOÀNG ĐIỆP

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

  Từ khóa: bào chữa , Luật sư , bị cáo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok