Không phải ngẫu nhiên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải thuyết phục bầu Đức ở lại, dù ngay sau SEA Games 29, Chủ tịch CLB HAGL đã dứt khoát tính chuyện ra đi. Nguồn tin của Zing cho hay sau khi nhận đơn từ chức của ông Đức, Thường trực VFF đã thuyết phục ông bầu phố núi cân nhắc lại.
Có nhiều lý do để VFF phải đưa ra quyết định trên, dù đánh giá một cách công bằng, dấu ấn ông Đức để lại trên cương vị Phó chủ tịch phụ trách tài chính suốt các năm qua là không thực sự ấn tượng. Nguyên nhân chính có thể do tình hình kinh tế khó khăn của HAGL.
Người trong cuộc biết rằng bất chấp công việc kinh doanh không thuận lợi, bầu Đức vẫn hết mực hào phóng trong khả năng của mình đối với những công việc chung của VFF và các ĐTQG. Như việc sẵn sàng mở rộng cửa Trung tâm Hàm Rồng để đón tiếp miễn phí các đội tuyển, hay chi tiền cho những đầu việc cụ thể. VFF hiểu thế khó của ông Đức, nên có việc đồng ý, và có việc cảm ơn rồi thôi.
Bầu Đức ở lại đang tránh cho VFF không bị rơi vào tình trạng “rách trên, rách dưới”, không thể hàn gắn, ít nhất tới khi đại hội nhiệm kỳ mới được tổ chức. |
Trở lại câu chuyện trên, sau SEA Games 29, đã có những luồng ý thông tin dồn dập nhằm vào giới lãnh đạo cấp cao VFF. Thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam, việc HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức và sau đó tới tuyên bố ra đi của bầu Đức đang được khai thác triệt để nhằm tấn công những người ở lại.
Công chúng chỉ thấy bên ngoài là những lời hiệu triệu “chấn hưng bóng đá”, nhưng người trong giới thì bấm bụng bảo lắc đầu ngao ngán, vì biết VFF lại đang “đánh” nhau. Nhiều thông tin xuất hiện trên truyền thông hoặc trên mạng xã hội mà thoạt trông ai cũng có thể nhận ra, chỉ nội bộ VFF mới có thể nắm rõ.
Hai năm trở lại đây, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng ít xuất hiện bởi sức khỏe không tốt. Công việc ở VFF, từ đối nội, đối ngoại tới việc vận động, đàm phán tài trợ, lo cho các ĐTQG…đều qua tay Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn và Ban thư ký. Ngoài hai vị trên thì trong 3 uỷ viên Thường trực còn lại, bầu Đức phụ trách tài chính, ông Trần Anh Tú chuyên mảng futsal và đang làm rất tốt, còn Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ phụ trách truyền thông. Ông Gụ xuất thân là nhà báo, Đại tá quân đội, quan hệ trong giới rộng. Bức tranh tổng thể đội ngũ lãnh đạo cấp cao VFF, sơ sơ là như vậy.
Theo thời hạn, nhiệm kỳ VII VFF sẽ kết thúc vào năm tới, và đại hội sẽ tổ chức vào tháng 3/2018 nếu không có gì bất thường. Chủ tịch Lê Hùng Dũng đã chắc chắn sẽ nghỉ, như nguyện vọng của ông bấy lâu nay. Ai sẽ là người nối tiếp ông Dũng ngồi vào chiếc ghế chủ tịch?
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (trái) gần như chắc chắn rút lui khỏi VFF sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 3/2018. |
Một loạt ứng viên đã được báo chí đưa ra, trong có các phó chủ tịch, ngoài có cả những gương mặt như Giám đốc Khu Liên Hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa, Hiệu trưởng Đại học TDTT TP.HCM Lê Quý Phượng hay cả Phó chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Công Khế…
Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn, vốn thạo việc, dĩ nhiên được nhiều người trong làng bóng đá giá cao. Thế nên mới có chuyện, ông Tuấn đang trở thành đích ngắm tấn công “ăn theo” thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam ở SEA Games một cách quyết liệt nhất, bất chấp thực tế HLV Hữu Thắng mới là người chịu trách nhiệm chuyên môn lớn nhất đối với tuyển U22.
Trong bối cảnh trên của VFF, vai trò của bầu Đức bỗng trở nên vô cùng quan trọng. Ông Đức, như làng bóng đá đều hiểu, không đặt tham vọng ở VFF. Việc ông bầu HAGL nhận lời vào VFF và VPF ngay từ đầu cũng xuất phát từ đề nghị của những người còn lại. Việc bầu Đức ở lại đang tránh cho VFF không bị rơi vào tình trạng “rách trên, rách dưới”, không thể hàn gắn, ít nhất tới khi đại hội nhiệm kỳ mới được tổ chức. Đây cũng là lý do, dù đã dứt áo ra đi, có nhiều khả năng bầu Đức sẽ nán lại cho tới hết nhiệm kỳ.
Con thuyền VFF đang tròng trành, có thể đổ ụp xuống bất kỳ lúc nào, thật khó có thể thiếu bầu Đức thời điểm hiện tại.
Tác giả: Tô Dung
Nguồn tin: zing.vn