Kinh tế

Vé phương tiện đắt đỏ, người dân tìm mọi cách tiết kiệm chi phí về quê ăn Tết

Mỗi dịp Tết đến, giá vé các loại phương tiện đều tăng cao, nhiều người lại tất tả tìm mọi cách di chuyển tiết kiệm chi phí nhất để về quê đoàn viên cùng gia đình.

Là anh cả trong một gia đình có 3 anh em trai, anh Quách Hà Đương (huyện Cư M’gra, Đắk Lắk) đã phải vất vả lên kế hoạch 3 anh em cùng về quê đoàn tụ bố mẹ trong những ngày Tết Nguyên đán 2024 với mức chi phí tiết kiệm nhất có thể.

Nhiều người tìm đủ mọi cách để tiết kiệm chi phí về quê đón Tết Giáp Thìn. (Ảnh minh họa: Toquoc.vn)

Theo anh Đương, do cả 3 anh em đều sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội nên cả năm chỉ có duy nhất dịp Tết Nguyên đán mới có thể về thăm bố mẹ tại quê nhà Đắk Lắk.

Anh Đương đã đặt vé máy bay từ sớm để bay thẳng về thành phố Buôn Ma Thuột. Mặc dù đặt vé từ trước Tết cả tháng nhưng anh Đương vẫn phải mua vé với mức giá cao, tới hơn 7 triệu đồng/vé khứ hồi.

Anh Đương tính toán, nếu mua vé máy bay cho cả 3 anh em bay thẳng về quê thì sẽ tốn chi phí tới hơn 21 triệu đồng.

Nắm bắt được thông tin chiều bay vào TP.HCM rất vắng khách và giá rẻ nên anh bố trí cho người em thứ hai mua vé máy bay từ Hà Nội đi TP.HCM vào ngày 8/2 (29 âm lịch) với giá vé 670.000 đồng/người/chiều. Sau đó, người này sẽ đi xe máy cùng bạn từ TP.HCM về Đắk Lắk. Với lộ trình về quê như vậy, anh Đương sẽ tiết kiệm được gần 2 triệu đồng cho một chiều so với bay thẳng từ Hà Nội về Đắk Lắk.

Còn người em út được anh Đương đặt vé theo lộ trình Hà Nội đi Cam Ranh (Khánh Hòa) ngày 4/2 (25 âm lịch) cũng với mức giá 670.000 đồng/người/chiều. Sau đó, người em út sẽ di chuyển quãng đường 200km từ Khánh Hòa về Đắk Lắk với giá 300.000 đồng/người.

“Hai người em của tôi cũng sẽ chỉ mua vé một chiều chứ không mua khứ hồi để đảm bảo chi phí hợp lý cho chuyến về quê. Mặc dù có vẻ vất vả và tốn kém nhưng đã cả một năm xa nhà nên anh em tôi đều muốn về thăm bố mẹ, ăm cơm đoàn viên và đón Tết ở nhà”, anh Đương chia sẻ.

Giống anh Đương, vợ chồng chị Phạm Thị Thanh (quận Tân Bình, TP.HCM) cũng loay hoay tìm mọi cách tiết kiệm chi phí để về quê ăn Tết. Gia đình chị Thanh có 4 người, đã 3 năm không về quê Nam Định vào dịp Tết Nguyên đán, nguyên nhân chính là vì vé các loại phương tiện quá đắt đỏ khiến việc đi lại gây nhiều tốn kém.

Năm nay, để về được quê, chị Thanh và con gái sẽ bay từ TP.HCM ra Hà Nội trước sau đó bắt xe khách về Nam Định. Còn chồng chị Thanh và con trai sẽ mua vé tàu hỏa để về sau.

“Nếu cả gia đình đi máy bay thì mức chi phí sẽ bị đội lên cao. Tôi và chồng bàn bạc rất kỹ và quyết định đi bằng 2 phương tiện để về quê, tiết kiệm được đồng nào thì đỡ đồng đó”, chị Thanh nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Xuân Lam (quê Quảng Nam, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) lại lựa chọn lộ trình về quê bằng cách mua vé máy bay từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đi Đà Nẵng. Anh Lam chi khoảng 4,5 triệu đồng/vé khứ hồi, rẻ hơn lộ trình xuất phát từ Hà Nội khoảng 2 triệu đồng.

“Việc di chuyển từ Hà Nội đi sân bay Cát Bi, Hải Phòng không quá xa, chi phí lại rẻ hơn rất nhiều, lượng chỗ cũng không quá tải như sân bay Nội Bài. Ngay sau khi phát hiện ra việc này, tôi đã chọn mua vé máy bay để xuất phát từ Hà Nội về quê”, anh Lam chia sẻ.

Trong khi đó, anh Đỗ Duy Thắng (quê Nghệ An) đang cố gắng chạy thêm những chuyến xe giao hàng trong những ngày cận Tết Giáp Thìn để kiếm thêm chút thu nhập để có thể về quê sớm nhất.

“Tôi dự định Tết này sẽ về quê sửa nhà cho bố mẹ. Những ngày này, đơn hàng cần giao rất nhiều, tôi thường phải chạy từ sáng đến đêm để có thu nhập cao hơn ngày thường”, anh Thắng cho biết.

Anh Thắng dự định sẽ tự đi xe máy từ Hà Nội về Nghệ An vào ngày 28 tháng Chạp. “Dù vất vả một tí, nhưng tiết kiệm là mục tiêu quan trọng nhất vì ngày Tết thì việc gì cũng cần đến chi tiêu”, anh Thắng nói.

Tác giả: ĐỨC THIỆN

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok