Ghềnh Đá Dĩa.
Sau bộ phim nhựa “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Phú Yên bỗng chốc trở thành điểm đến nổi tiếng. Đến đây mới hiểu hết câu ví von của dân mê xê dịch: Muốn thấy Việt Nam mình đẹp thế nào, mê đắm thế nào thì nhất định một lần đến Phú Yên. Và chắc chắn bạn sẽ được trải nghiệm một thiên đường hoang sơ, tuyệt mỹ với biển và núi, với những bãi đá trải dài và khung cảnh ngoạn mục.
Cũng chính vì còn nhiều hoang sơ và chưa được khai thác du lịch một cách chuyên nghiệp, thế nên gần như du lịch Phú Yên vẫn còn là một điểm đến đầy bí ẩn.
Tất nhiên, đã đến Phú Yên là bạn phải dành một buổi để ghé Bãi Xép, ngắm lại một lần những khung cảnh tuyệt đẹp trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
Nằm ở phía Bắc thành phố Tuy Hoà, Bãi Xép sở hữu một địa hình rộng thênh thang với những bãi đá và trảng xương rồng hoang sơ, cùng vách đá cheo leo nhìn xuống mặt biển thăm thẳm. Đến đây rồi bạn mới thấy, tất cả những gì trên phim chưa thể lột tả hết vẻ đẹp và sự mênh mông của nơi này.
Rất gần Bãi Xép là Hòn Yến, một hòn đảo nhỏ mà cứ chiều chiều, chỉ cần thủy triều rút là bạn có thể đi bộ từ đất liền sang chơi. Đây chắc chắn sẽ là địa điểm tuyệt vời để chụp cả trăm bức ảnh, vừa lội nước với bạn bè, lang thang ở Gành Yến, vừa có thể tựa mình trên trảng cỏ và phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn Bãi Xép hay những cụm đảo xa xôi giữa mênh mông biển xanh.
Rồi tới Hòn Nưa có thể nhìn thấy từ Đèo Cả, cách thành phố Tuy Hòa 40km. Bạn phải mất 20 phút đi ghe ra, ở đây có ngọn Hải Đăng, thế nên bạn có thể ghé thăm và phóng tầm mắt nhìn ra biển cả mênh mông xung quanh. Hòn Nưa rất đẹp, nước biển xung quanh trong vắt.
Tuy nhiên lại rất hoang sơ và gần như không có dịch vụ du lịch. Thế nên nếu tối bạn có ý định cắm trại ở lại, thì phải chuẩn bị đồ ăn. Từ Đèo Cả rẽ sang khu thắng cảnh Vũng Rô. Đây là một vịnh nhỏ vô cùng yên bình, nằm sát rìa dãy núi Đèo Cả. Chỉ cần bỏ một chút thời gian chạy xe, thế là bạn sẽ ngây ngất bởi màu xanh biếc thăm thẳm và đẹp như một bức tranh của khu vịnh này.
Cách thành phố Tuy Hòa 35km về phía Đông Nam, Bãi Môn với cát trắng phẳng lì, màu biển trong xanh, bờ cát dài thoai thoải, hai bên là vách núi bao bọc nên ít sóng, thỏa thích chơi đùa, bơi lội.
Bờ cát trắng trải dài rộng lớn, đủ để cắm trại, sinh hoạt, họp mặt gia đình và chơi trò chơi ven biển. Cách đó không xa là Mũi Đại Lãnh, điểm cực Đông của Tổ quốc, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên dải đất liền của đất nước ta.
Ở đây còn có hải đăng Đại Lãnh, một ngọn hải đăng cổ được xây dựng vào năm 1890, cao 26,5 mét so với mặt đất và cao 110m so với mực nước biển, có thể phát tín hiệu xa 27 hải lý. Bên trong ngọn hải đăng là 110 bậc thang gỗ, dẫn lên đến đỉnh. Từ trên đỉnh của ngọn hải đăng, phóng tầm mắt ra xa, sẽ là một vùng mây nước giao hòa.
Gành Đá Dĩa cách trung tâm Phú Yên khoảng 35km, là một địa danh kỳ lạ với những khối đá lục giác hoặc ngũ giác thiên nhiên kết liền với nhau, đều đặn như thể có bàn tay xây dựng của con người.
Nằm giữa vịnh biển xanh biếc, khối đá kỳ dị nhô lên cao khỏi mặt biển, giống như một công trình dở dang bị thiên nhiên lãng quên từ thuở xa xưa. Bốn bề gió lộng, biển xanh ngăn ngắt vỗ về bờ. Ngồi trên những phiến đá ngắm nhìn trời mây sông nước là một trải nghiệm rất khó quên.
Nhà thờ Mằng Lăng.
Đường vào Gành Đá Đĩa còn có một ngôi nhà thờ cổ xinh đẹp là Mằng Lăng, được xây dựng từ năm 1892, đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên vẹn thuở ban đầu. So với các công trình nhà thờ nổi tiếng ở Việt Nam như nhà thờ Đức Bà (TP HCM), Phú Nhai (Nam Định), Con Gà (Đà Lạt)…thì quy mô của nhà thờ Mằng Lăng nhỏ hơn và nội thất giản tiện hơn.
Dù vậy, nhà thờ trăm tuổi này thật sự là một địa chỉ khó bỏ qua với lữ khách khi dừng chân ở tỉnh Phú Yên. Đặc biệt, đây từng là nơi dừng chân trên con đường truyền đạo của Giám mục Alexandre de Rhodes.
Cách đây hơn 100 năm, khu vực này mọc rất nhiều cây mằng lăng. Hiện dấu vết khu rừng mằng lăng ấy không còn, nhưng ngôi nhà thờ vào thời điểm ấy đã được đặt tên theo loại cây quý này. Nhà thờ xây theo kiến trúc Gothic với nhiều hoa văn trang trí. Hai bên nhà thờ có hai lầu chuông, chính giữa là thập tự giá nay vẫn còn nguyên vẹn.
Ở khuôn viên, từ năm 2008 có một hang đá được xây dựng làm nơi lưu trữ, trưng bày những hình ảnh, dấu tích... về quá trình phát triển của nhà thờ. Đặc biệt, trong hang đá còn lưu trữ cuốn sách “Phép giảng tám ngày” (tựa Latinh: “Catechismus”) của Linh mục Alexandre de Rhodes.
Đây là cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Linh mục Alexandre de Rhodes là một nhà truyền giáo và nhà ngôn ngữ học người Pháp. Trong quãng thời gian dài sống ở Việt Nam, ông đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ quốc ngữ.
Cuốn giáo lý này được in song ngữ bằng tiếng Latin và chữ quốc ngữ sơ khai. Đây là một tác phẩm văn xuôi, phản ánh văn ngữ và ghi lại cách phát âm của tiếng Việt vào thế kỷ 17.
Giữa trung tâm thành phố Tuy Hòa còn có một công trình kiến trúc, văn hóa tiêu biểu, đó là Tháp Nhạn, một ngọn tháp của người Chăm được xây dựng từ thế kỷ 12, đến nay được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn. Đây là ngọn tháp được thắp sáng đèn hàng đêm, tạo nên cảnh quan vô cùng huyền hoặc, quyến rũ. Tháp Nhạn được đặt trong một khoảnh đất bằng phẳng gần đỉnh núi Nhạn.
Nếu đến Tuy Hòa mà chưa đặt chân tới tháp Nhạn thì coi như bạn chưa đến thành phố này. Năm 1988, Tháp Nhạn đã được công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia. Bia đá giới thiệu về tháp Chăm tôn nghiêm này ghi những dấu tích ở núi Nhạn cho biết xưa kia từng có một quần thể kiến trúc Chămpa rất lớn tại đây.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn lại công trình kiến trúc tháp Nhạn chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử và nghệ thuật, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tháp Nhạn tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc của người Chăm ở vùng đất Phú Yên xưa.
Về ẩm thực Phú Yên sở hữu nhiều món ăn hải sản tươi ngon, nhưng độc đáo nhất phải kể đến món mắt cá ngừ đại dương hầm thuốc Bắc. Món ăn đặc sắc này được công nhận vào Top 100 món ăn ẩm thực, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam (2016 -2020) theo bộ tiêu chí công bố giá trị ẩm thực của Tổ chức kỷ lục Việt Nam trong hành trình tìm kiếm quảng bá ẩm thực, đặc sản Việt Nam.
Cá ngừ đại dương thường nặng từ 40-50 ký, nên cầu mắt cũng khá to. Đầu bếp thường lấy mắt của cá cho vào một hũ đất nung nhỏ, thêm vào rau củ, gia vị và một số loại thuốc bắc như táo tàu, kỷ tử… Sau đó họ sẽ đặt hũ đất này lên bếp lửa nấu chín.
Tùy vào mắt cá ngừ to hay nhỏ mà một hũ có thể đựng một hoặc hai mắt cá ngừ để phục vụ thực khách. Điều đặc biệt là mặc dù món ăn được hầm với một số loại thuốc bắc nhưng khi ăn bạn hầu như không cảm được vị thuốc át mùi cá.
Khi mắt cá ngừ đại dương đã chín, người dân ở đây sẽ đem nguyên hũ có nắp đậy đặt trên một chiếc đĩa nhỏ ra cho khách. Bên hông đĩa, họ cũng không quên xếp một viên cồn và châm lửa lên để giữ nóng cho món ăn.
Khi thưởng thức món này thì thực khách đừng quên gắp thêm một đũa rau thơm, trong đó có rau tía tô thái nhỏ cho vào ăn kèm thì mới thấy hết được độ ngon của món ăn.
Ngoài những cảnh quan tuyệt vời trên, Phú Yên còn có nhiều thắng cảnh Đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài, cao nguyên Vân Hòa… là nguồn cảm hứng của rất nhiều người yêu nhiếp ảnh. Và rất nhiều ngôi chùa, đền cổ kính, thâm nghiêm.
Trở thành điểm đến hấp dẫn cũng có nghĩa Phú Yên sẽ phải đối mặt với sức nóng phát triển du lịch như nhiều địa phương khác trên cả nước. Trong năm 2018, điểm đến Phú Yên lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư, bởi vậy nhiều khách sạn, nhà hàng, trung tâm vui chơi giải trí...rồi sẽ mọc lên ở vùng đất này.
Du khách yêu mảnh đất Phú Yên lo ngại, những dự án du lịch nếu tác động nhiều sẽ phá vỡ cảnh quang bình dị vốn có của vùng xứ sở được mệnh danh “hoa vàng, cỏ xanh”. Bởi vậy, người làm du lịch cần giữ được vẻ bình dị, mộc mạc và nên thơ như hiện có của vùng đất này.
Tác giả: Minh Duy
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết