Giáo dục

'Vẽ đường' cho học sinh xài smartphone, iPad nổi không, hay cứ cấm?

'Tiết chào cờ trường em có các buổi sinh hoạt về nhiều vấn đề nhưng chưa bao giờ định hướng, nhắc nhở học sinh đừng lạm dụng martphone hay iPad'.

Nhiều trẻ em ở Việt Nam được tiếp xúc với smartphone, Ipad từ nhỏ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây là tâm sự của một học sinh lớp 10 trường điểm tại TP.HCM. Học sinh này cho biết bạn bè em thường lạm dụng smartphone và Ipad quá mức mà không ý thức được tác hại của nó.

"Lúc nào các bạn cũng phải có smartphone bên mình. Ngoài giờ học, các bạn xài smartphone mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi ăn hay đi vệ sinh, có bạn học bài cũng kè kè smartphone"- học sinh này nói.

"Thả" con ngay từ nhỏ

Huỳnh Ngọc Kathy đang học lớp 12 tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. 3 em trai của Kathy, một bé học lớp 7, một bé lớp 1 và bé út vừa tròn 1 tuổi.

Ba mẹ Kathy hầu như "thả" các con trong thế giới smartphone và iPad. Mỗi lần bé út ăn, ba mẹ đều lấy iPad ra dụ bé.

Còn bé lớp 7 thích chơi game, cứ vừa đi học về là mở iPad chơi game. Bé lớp 1 cũng hay coi Youtube và chơi game linh tinh trên máy. Nếu không có máy chơi hoặc máy hết pin, bé sẽ đòi cho bằng được, nếu không bé sẽ ăn vạ, đập phá đồ chơi.

"Hồi nhỏ mỗi lần bé ăn là ba mẹ hay đưa iPad để dụ bé ăn. Sợ bé đi lung tung phá phách và cũng không có thời gian chăm nên ba mẹ cứ đưa iPad cho bé để bé ngồi yên. Riết rồi thành thói quen khó bỏ tới giờ luôn" - Kathy chia sẻ.

Ba mẹ em cũng không đặt ra quy định sử dụng thiết bị điện tử với các em nên các em mặc sức sử dụng.

"Trước đây, ba mẹ còn có quy định tịch thu điện thoại lúc 22h đêm, nhưng dần không còn nữa. Đôi lúc ba mẹ có nhắc nhở khi thấy tụi nhỏ chơi quá nhiều nhưng kiểu nhắc cho có" - Kathy nói.

Hình ảnh thường gặp của trẻ em hiện nay: ngồi với nhau nhưng không trò chuyện mà mỗi em một máy - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trường học nơi cấm nơi không

Tại trường Kathy đang theo học, nhà trường quy định không được dùng điện thoại, iPad hay máy tính trong giờ học (trừ những giờ học đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin), còn giờ ra chơi và nghỉ trưa học sinh dùng bình thường.

Nếu bị phát hiện dùng thiết bị điện tử trong giờ học, học sinh sẽ bị hạ hạnh kiểm và tịch thu thiết bị, đến khi nào phụ huynh gửi giấy cam kết mới được nhận lại.

Thế là học sinh tranh thủ giờ ra chơi để xài smartphone, chơi game. Có em bỏ ăn sáng, em thì giờ nghỉ trưa ngồi hành lang chơi game tới tận chiều đi học... Nhiều em dù đã vào tiết vẫn lén chơi. Giáo viên dễ tính chỉ nhắc nhở hoặc cho qua, giáo viên khó tính thì tịch thu SIM, pin điện thoại hoặc đưa xuống giám thị.

Một nữ sinh THCS thì cho biết trường em có nội quy khắt khe hơn: học sinh không được mang điện thoại, iPad, máy tính đi học. Nếu vi phạm sẽ bị tịch thu máy đến hết học kỳ. Nhà trường cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất các lớp học.

"Thầy cô em thỉnh thoảng có nói qua về việc dùng điện thoại, iPad chứ không hướng dẫn sử dụng như thế nào. Chỉ khuyên sử dụng ít lại và tránh lạm dụng thôi" - nữ sinh này chia sẻ.

"Em mong nhà trường có định hướng và hướng dẫn cụ thể việc sử dụng smartphone, iPad cho chúng em, như sử dụng như thế nào thì hiệu quả vì có những tiết học ứng dụng công nghệ thông tin chúng em cần thực hành. Nên giáo dục từ cấp THCS vì lúc này học sinh ý thức cao hơn mấy bé mầm non và tiểu học.

Còn về phần mấy bé nhỏ, cần có sự quan tâm, giáo dục nghiêm túc từ gia đình. Em thấy phụ huynh là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều trẻ nghiện smartphone. Phụ huynh cần trang bị kiến thức cho chính mình, lựa chọn trò chơi trên thiết bị và giới hạn sử dụng cho trẻ" - Kathy nêu ý kiến.

Trẻ em ở Việt Nam được tiếp xúc với smartphone, iPad từ nhỏ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khó "vẽ đường" cho học sinh xài smartphone, iPad?

Theo một giáo viên giảng dạy lâu năm ở TP.HCM, hiện nay, hầu hết các trường công và trường tư đều cấm học sinh sử dụng smartphone và iPad trong trường.

Một số trường cấm nhưng không siết chặt, học sinh vẫn lén sử dụng. Một số trường lại thực hiện cực kỳ nghiêm khắc: học sinh chỉ được sử dụng laptop, iPad trong những tiết được yêu cầu (những tiết này đều được thông báo đến phụ huynh), sau tiết học đó học sinh sẽ phải tự bảo quản thiết bị và không được sử dụng tiếp tục trong những tiết học khác.

"Vì những giới hạn về cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế nên không phải học sinh nào cũng có iPad và nhà trường cũng không có khả năng cung cấp iPad đầy đủ cho các em nên rất khó "vẽ đường" cho học trò sử dụng iPad trong các tiết học STEM hay trong giờ học như các nước phát triển" - giáo viên này cho biết.

Tác giả: PHƯƠNG NGUYỄN

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok