Cá nâu làm sạch - Ảnh: Hoài Vũ |
Cá nâu còn gọi là cá dĩa beo vì trên mình có nhiều hoa văn như da beo. Thân cá dẹp, hình hơi tròn, đầu nhỏ, ngắn, vảy phủ khắp thân.
Cá sống ở môi trường nước mặn lẫn nước ngọt và lợ. Cá nước ngọt nhỏ con, thịt dai, còn cá nước mặn thì to con hơn, thịt mềm, béo, dẻ và thơm ngon.
Loài cá này thích ăn rong, tảo trong thiên nhiên nên thịt cá ít tanh. Đặc biệt cá trống mình có nhiều hoa văn trông rất ấn tượng.
Với tôi, loại cá nầy ngon đến nỗi... ám ảnh, hễ nhìn tấy con cá có hoa văn thật đẹp đó là không sao cưỡng lại được.
Cá nâu có thể chế biến thành nhiều món ngon như chiên tươi hoặc muối chiên, kho hoặc gói lá chuối nướng chấm muối ớt chanh cũng khó có món nướng nào qua mặt nổi. Nhưng có một món nữa được xếp vào hàng “cao cấp”, đó là món cá nâu nấu mẻ.
Muốn làm món này, người ta chỉ chọn những con cá con tươi chưa ướp lạnh, vì cá ướp lạnh lâu ngày thịt sẽ bở, mất béo, không ngon.
Cá nâu tươi sống - Ảnh: Hoài Vũ |
Các loại rau ăn kèm với lẩu cá nâu - Ảnh: Hoài Vũ |
Cá để nấu mẻ thích hợp nhất là loại khoảng 300g/con, đem về cạo vảy, làm sạch, để cho ráo nước trước khi nấu.
Có nhiều cách nấu lẩu chua như nấu với bần, trái giác, me non, chanh, trái giấm, xoài… nhưng hình như cá nâu có duyên với cơm mẻ.
Chính nước cơm mẻ sẽ giúp thịt cá có màu trắng, thơm ngon, mềm nhưng không bở. Đặc biệt, nước súp có vị chua, cay, mặn, ngọt thanh tao, càng ăn càng thấy ghiền.
Cũng như các nồi lẩu khác, món này ngon hay không một phần nhờ tài nêm nếm của đầu bếp, nhất là cách sử dụng gia vị sao cho thơm ngon và kích thích được vị giác.
Lẩu chua cũng không thể thiếu ớt, sả và rau thơm. Sả giúp cá mất mùi tanh, ớt kích thích vị giác. Còn ngò gai, quế đất sẽ giúp nồi canh chua thăng hoa, mùi vị đậm đà, ăn đứt các món lẩu khác.
Cá nâu nấu mẻ - Ảnh: Hoài Vũ |
Cá nâu nấu mẻ có thể dùng trong bữa ăn chính, cũng có thể ăn kèm với bún và rau tươi như bông súng, bông so đũa, bông điên điển, bồn bồn… Ngon tuyệt!
Tác giả: HOÀI VŨ (TTO)
Nguồn tin: Báo Người lao động