Nhiều diện tích cây cao su bị người dân Thanh Hóa đốn hạ, chất đống. Ảnh: N.Hưng |
Khi “vàng trắng” thành củi
Câu chuyện “treo vườn” hay chặt bỏ cây cao su đang là thực tại, tâm tư của nhiều người nông dân xứ Thanh với chúng tôi. Sau nhiều nằm chờ đợi hi vọng bám trụ và niềm tin về sự “hồi sanh” giá trị từ loại cây một thời được ví “vàng trắng” này, đến nay với người dân gần như đã cạn niềm tin.
Theo chân chị Xuân (xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân) lên cánh đồi cao su rộng hàng hécta bỏ rậm rì của gia đình, chúng tôi không khỏi xót xa. Giá mủ thấp, người dân không đầu tư phân bón, cũng như bỏ công chăm trồng dẫn đến cây cao su sinh trưởng, phát triển không đều, cây to cây nhỏ, sản lượng mủ cũng thấp. Chị Xuân nhẩm tính, giá mủ cao su tụt dốc 5 - 6 năm nay, người trồng cao su như gia đình chị gần như không có thu nhập. Gia đình chị đã phải thắt lòng, gạt nước mắt để đốn bỏ đi một nữa diện tích trồng cây cao su để chuyển đổi cây trồng mới, mong có thu nhập để cải thiện đời sống.
Khi chúng tôi thắc mắc, vì sao chỉ chặt hạ một nửa thay vì tất cả, chị Xuân cho rằng: “Chị giữ lại một phần diện tích cây cao su để chờ đợi. Nếu giá mủ cao su “hồi sinh” thì chị sẽ tiếp tục gắn bó với cây trồng này, còn cứ tiếp tục giá thấp thì một vài năm nữa chị cũng định đoạt số phận phần diện tích còn lại”.
Gia đình anh Thành (xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành) có 5ha thuộc diện tích cây cao su được trồng từ năm 2007. Anh Thành ngậm ngùi: “Sau một vài năm đầu cây cao su cho thu nhập thì từ năm 2011 đến nay, chưa năm nào cây trồng này cho gia đình nguồn thu cao hơn so với cây mía (cây trồng trước đó), chưa kể kém hơn nhiều lần về giá trị so với các loại cây trồng khác như keo, chàm…”.
Dẫn chúng tôi lên đồi trồng cao su rộng lớn sau thời gian dài buông bỏ, không buồn thu hoạch, cỏ cây thực bì rậm um tùm, anh Thành nghẹn ngào: “Giá mủ cao su thấp nên vợ chồng tôi không dám thuê nhân công cạo mủ. Vườn cao su cũng chẳng phân bón chăm sóc, dọn dẹp khiến phần nhiều cây sinh trưởng không đều. Hiện tại, để có nguồn thu nhập duy trì cuộc sống, vợ chồng một mặt thay nhau túc tắc duy trì việc cạo mủ cân bán cho nông trường, một mặt mở thêm quán nước mía bán cho khách vãng lai”.
Tương tự, trường hợp anh Lê Xuân Bằng (huyện Như Thanh). Theo đó, mấy năm lại đây, giá trị kinh tế của cây cao su liên tục giảm, cộng với ảnh hưởng của sâu bệnh, không được chăm sóc, đổ gãy… khiến cho lượng mủ ít. Anh Bằng đau xót: “Nếu chúng tôi thuê nhân công để cạo mủ nữa thì tiền bán mủ không đủ trả tiền thuê nhân công. Giá mủ xuống quá thấp không đủ tiền cho chúng tôi trả nhân công, nói gì đến công chăm bón”.
Ai chịu trách nhiệm?!
Theo người nông dân xứ Thanh, kể từ khi chuyển đổi sang trồng cây cao su theo chủ trương chung, người dân đã gửi trọn niềm tin vào loại cây trồng này. Tuy nhiên, nhiều năm liên tiếp cây cao su gần như không cho thu nhập. Người dân đề nghị cấp ngành chức năng sớm có định hướng chuyển đổi cây trồng hoặc có giải pháp trợ giá như thế nào để họ có đủ niềm tin để giữ lại diện tích cao su đã dày công đầu tư, chăm trồng.
Thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho thấy, tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có 14.311ha cao su. Trong đó, 2.917ha cao su đại điền, 11.394ha cao su tiểu điền. Số diện tích trên đã giảm 1.260ha so với con số hồi đầu năm 2018. Trong đó, các huyện có diện tích cao su giảm mạnh nhất, gồm: Thạch Thành giảm 452,1ha, Như Xuân giảm 330ha, Như Thanh giảm 313,4ha, Thường Xuân giảm 125,5ha...
Được biết, mặc dù hàng năm Sở NN&PTNT đều có văn bản hướng dẫn, định hướng cho các địa phương về phát triển vườn cao su, cũng như đưa ra các giải pháp cho cây cao su. Cụ thể, phía Sở đã nêu quan điểm với những vườn cao su bị gãy đổ do bão, hư hại do sương muối, mật độ không đảm bảo thì cũng không thể bắt người trồng phải giữ lại. Tuy nhiên, với những vườn cao su được hỗ trợ theo các chương trình trồng rừng từ Dự án 661, 327 hoặc trong quy hoạch thì kiên quyết giữ.
Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa - đơn vị có diện tích cao su lớn của tỉnh cho biết, giá mủ cao su liên tục xuống thấp không chỉ khiến người trồng cao su thất thu mà Công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thông thường, giá mủ cao su tỉ lệ thuận với giá dầu mỏ. Các mặt hàng sản xuất từ cao su sử dụng khoảng 50% cao su tự nhiên, cộng thêm 50% các sản phẩm cuối của lọc dầu. Vì vậy, giá dầu mỏ xuống thấp cũng đồng thời kéo theo giá mủ cao su tụt dốc.
Liệu rằng câu chuyện nếu bà con tiếp tục bám trụ với cây cao su mà không cho thu nhập thì có được hỗ trợ hay trợ cấp gì về giá? Và khi người dân không có nguồn thu nhập từ loại cây trồng này thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm về “miếng cơm manh áo” của hàng nghìn hộ gia đình, đang là câu hỏi chưa có lời giải từ cấp ngành chức năng tỉnh này.
Tác giả: Ngọc Hưng
Nguồn tin: giadinh.net.vn