Đua thuyền truyền thống trong lễ hội làng Đông Cao, xã Trung Chính (Nông Cống). Ảnh: M.C |
Có người nói xứ Thanh là đất bách nghệ. Tuy bách nghệ nhưng văn hóa làng Thanh Hóa đều thống nhất ở mẫu số chung là đằm thắm níu neo nghĩa tình, dí dỏm, yêu đời và đầy trách nhiệm. Những giá trị văn hóa làng ở xứ Thanh đã lan tỏa, đã thẩm thấu sâu rộng trong tình người, hồn quê. Ví như ngôi làng Cổ Quăng (thuộc xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa), ngôi làng nghìn năm tuổi này có Bảng Môn Đình thờ Đại tướng quân Nguyễn Tuyên, công thần đã giúp nhà Lý giữ yên bờ cõi phía Nam của Đại Việt. Theo Thần phả của làng, đức Lý Thái tông trên đường đi dẹp giặc Chiêm Thành đã đóng quân tại vị trí của Bảng Môn Đình để tuyển thêm tướng sĩ. Ngài thu nạp được chàng trai hai mươi tuổi, võ nghệ cao cường là Nguyễn Tuyên và đem theo đi đánh dẹp lập nên nhiều công huân.
Trên đường khải hoàn về Thăng Long, lúc trẩy qua Cổ Quăng vào dịp tết, ngài đã ban cho làng bốn chữ Địa Linh Nhân Kiệt. Bốn chữ này được khắc thành đại tự thờ trong Bảng Môn Đình cùng với hai bản Thúc Ước Văn, vinh danh nghiệp học con em của làng. Trước cửa đình còn có tấm bia lớn khắc danh tính của mười vị đại khoa, trong số này có bảy vị được lưu danh vào bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Hòn đá Sư Lộ, nơi ghi nhận công lao của Tiến sĩ Nguyễn Sư Lộ, vị hưu quan đã dành hết phần đời còn lại, thu nạp người nghèo trong vùng dạy chữ, có người về sau đỗ đến đại khoa... Do vậy, Bảng Môn Đình không những là nơi để ngày đầu xuân, năm mới dân làng tế tự Thành hoàng Nguyễn Tuyên mà còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa làng xã, nơi hội tụ rèn đúc nhân tài, đức hạnh, khoa cử của làng. Chính từ hoạt động thứ hai này mà đình làng Cổ Quăng có tên là Bảng Môn (cửa để khai tâm và đợi đón các nhà khoa bảng).
Văn hóa làng xứ Thanh tự hào gọi tên làng Gia Miêu (thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung), đất quý hương của nhà Nguyễn. Cùng với những nét độc đáo của thế đất, thế sông, thế núi và những công trình kiến trúc của khu lăng miếu Triệu Tường, đình Gia Miêu, “văn hóa phi vật thể” của làng còn có một bản hương ước xuất hiện từ hàng trăm năm trước, khi Gia Miêu còn là trang - Gia Miêu ngoại trang. Trong bản hương ước có một khoản quy định, trai đinh của làng, bất kể sang hèn, bất kể giàu nghèo, bất kể làm ăn gần xa nơi đâu, hàng năm vào dịp tết phải về dâng hương tham dự lễ tế Thành hoàng, nếu ai sao nhãng sẽ bị làng căn cứ vào nội dung trong hương ước phạt vạ.
Các cụ cao niên ở Gia Miêu kể lại rằng, vào năm Thiệu Trị thứ 9, không hiểu nguyên do vì sao mà nhà vua lại không xa giá về quý hương tế Thành hoàng, tế miếu tổ. “Chiểu” vào các khoản mục trong hương ước, làng đã cử một “phái bộ” gồm sáu mươi cụ bô lão đi bộ từ Gia Miêu vào kinh thành Huế trình lên đức vua bản hương ước. Nhà vua phải đích thân đến quán xá (nhà khách) thăm hỏi các cụ và tạ lỗi. Ngài tự nhận rằng, vì bận việc nước mà ngài đã trót sao nhãng trách nhiệm “trai đinh” của làng. Tạ lỗi rồi nhà vua cho thuê một người về Gia Miêu làm mõ cho làng sáu tháng để chuộc cái lỗi do... sơ suất.
Làng Hòa Chúng (thuộc phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn) có tên nôm là làng Đồn được lập từ thời vua Lê Đại Hành. Có lẽ nơi đây từng là hành cung tiền phương của nhà vua khi ngài trẩy quân đi đánh giặc biển ở cửa sông Mã nên trong làng hiện vẫn còn những thôn mang tên rất “triều đình” và “quân cơ” như: Xóm Kinh, xóm Hưng, xóm Đồn, xóm Trại, xóm Thái, xóm Nghĩa... “Đất lành chim đậu”, người tứ phương đổ đến làng Hòa Chúng cư ngụ khiến làng rơi vào tình thế nhân mãn. Bởi vậy, làng phải định ra các quy chế khác nhau giữa người làng với dân ngụ cư. Tuy nhiên cứ vào dịp tết, làng lại họp để “xem xét” công nhận sớm những dân ngụ cư tiêu biểu trở thành người làng chính cống, thế là đã tạo ra một cuộc đua tranh lành mạnh về sự đóng góp công ích xây dựng làng, về khuyến khích mọi người làm việc tốt, việc thiện... Nhờ vậy mà làng Hòa Chúng, từ một họ Lê ban đầu đến nay đã có trên bảy mươi họ và làng thật xứng đáng với cái tên chữ Hòa Chúng. Nhờ truyền thống bao dung, đoàn kết này mà trong thành tích khoa bảng của làng đã có thêm một ông Tú tài, xuất thân từ dân ngụ cư. Đó là ông Tú Lễ. Tú Lễ về sau trở thành mưu sĩ số một của Lãnh binh Vũ Đình Phiên, thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Đông Bắc Quảng Xương cũ, người đã chỉ huy dân các làng Xuân Phương, Hòa Chúng, Cả Lập, làng Kiều, Ngọc Xuy... tập kích vào đoàn thủy binh Pháp, đánh đắm một ca nô chở hơn mười tên lính địch ở bến đò Cá Nghệ (phường Quảng Châu)...
Thật khó kể hết những nét văn hóa làng ở xứ Thanh đã và đang được kết tụ trong dịp tết đến, xuân về và thể hiện sinh động, phong phú thông qua phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội được các thế hệ cháu con tiếp nối, trao truyền như: Lễ tế Kỳ phúc, lễ cầu ngư, lễ khuyến học, lễ mừng thọ cho các bậc cao niên, lễ giao hiếu giữa các làng láng giềng... Một thuần phong khác nữa trong mỗi dịp tết đến, xuân về đó là quan niệm xóa hết đi những gì còn dang dở ở năm cũ để vẹn tròn, thanh thản đón chào năm mới với tất cả niềm vui mừng, hứng khởi. Vì lẽ đó, người làng ở xứ Thanh đều cố gắng trả hết nợ nần, hóa giải những xích mích, thù hận cũ trên tinh thần “lời chào cao hơn mâm cỗ”; “đánh nhau chia gạo, chào nhau ăn cơm”... Không chỉ có cộng đồng làng, xã “tối lửa tắt đèn có nhau”, mối quan hệ thân thiện và tương hỗ trong văn hóa làng đã lan tỏa ra các cộng đồng của những đồng hương xứ Thanh xa quê được cố kết khá bền chắc, nhất là những dịp tết đến, xuân về. Trong đó, hội đồng hương cấp làng, xã được xem như là một hoạt động gần gũi, tích cực, hiệu quả.
Nét đẹp văn hóa làng là nguồn lực nội sinh quý giá, góp phần làm nên tinh hoa văn hóa xứ Thanh. Trong bối cảnh hiện nay, giữa nhịp sống xô bồ, hối hả “chực chờ” cuốn phăng đi nhiều giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa làng còn là tác nhân rất quan trọng trong phát triển nghiệp học, bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ môi trường và khơi dậy nghề truyền thống của ông cha để người nông dân bản địa có thể ly nông mà không phải ly hương... Chính giá trị văn hóa, lịch sử nhân văn, sâu sắc ấy đã khiến những con em ra đi từ làng, dù học hành thành đạt, mưu cầu sự nghiệp và cuộc sống ở khắp mọi miền của đất nước vẫn luôn đau đáu nhớ về quê hương. Hằng năm, cứ vào dịp tết đến, xuân về, trong lòng mỗi người lại có nơi chốn để nhớ thương, để tìm về đoàn tụ nơi cội nguồn với tình cảm rất đỗi thiêng liêng, ấm áp nhưng cũng hết sức chiêm nghiệm tự thân: “Làng thương vuông vắn tứ bề/ Làng không thương chỉ mình về mình thôi”.
Nét đẹp văn hóa làng là nguồn lực nội sinh quý giá, góp phần làm nên tinh hoa văn hóa xứ Thanh. Trong bối cảnh hiện nay, giữa nhịp sống xô bồ, hối hả “chực chờ” cuốn phăng đi nhiều giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa làng còn là tác nhân rất quan trọng trong phát triển nghiệp học, bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ môi trường và khơi dậy nghề truyền thống của ông cha để người nông dân bản địa có thể ly nông mà không phải ly hương...
Tác giả: Lê Ngọc Minh
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa