Trong tỉnh

Văn hóa biển Hoa Lộc và mối liên hệ với các văn hóa biển Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia lập quốc sớm bên biển Đông. Sự hình thành, phát triển, mối quan hệ và tính thống nhất của các văn hóa cổ trên vùng biển đảo với các nền văn hóa vùng ven biển với vùng trung du, đồng bằng châu thổ đã góp phần vào quá trình tạo dựng văn minh dân tộc và sự đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam.

Nghinh môn thời Lý thuộc cụm di tích lịch sử văn hóa Hoa Lộc (Hậu Lộc). Ảnh: Ngọc Anh

Cùng với châu thổ sông Hồng, nơi quê hương của buổi đầu lịch sử dân tộc, châu thổ sông Mã với văn hóa Hoa Lộc, văn hóa Đông Sơn đã góp phần quan trọng vào quá trình tạo dựng văn hóa, kiến tạo văn minh, hình thành nhà nước Văn Lang.

Dấu ấn biển trong Văn hóa Hoa Lộc

Văn hóa Hoa Lộc là một văn hóa khảo cổ quan trọng, hình thành, phát triển và tỏa sáng trên đôi bờ sông Mã. Với đặc trưng là văn hóa vùng ven biển, văn hóa Hoa Lộc mang nhiều thành tố biển và đã sớm có mối liên hệ, giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa đương đại vùng ven biển ở miền Bắc Việt Nam. Sự giao lưu tiếp biến văn hóa này đã khẳng định: Từ xa xưa chủ nhân các văn hóa vùng ven biển và hải đảo trên đất nước ta đã có mối liên hệ văn hóa sâu sắc.

Văn hóa Hoa Lộc phân bố ở vùng ven biển phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, trung tâm là các xã ven biển Hoa Lộc, Phú Lộc, Hòa Lộc thuộc huyện Hậu Lộc. Đây là một văn hóa khảo cổ được nhiều cơ quan nghiên cứu khảo cổ học ở Việt Nam quan tâm; được khai quật với diện tích lớn nhất và có sự đồng nhất trong việc khẳng định vị thế của nó trong dòng chảy các văn hóa cổ trên đất nước ta.

Các công trình nghiên cứu về văn hóa Hoa Lộc được xuất bản đã đánh giá cao về vị thế của văn hóa này. Các di vật thu thập được sau khi khai quật đã được trưng bày trong Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Tổng hợp Thanh Hóa.

Thành tựu của gần nửa thế kỷ nghiên cứu đã khẳng định văn hóa Hoa Lộc là văn hóa khảo cổ tiêu biểu của thời đại kim khí ở miền Bắc Việt Nam. Mối liên hệ giữa văn hóa Hoa Lộc và các văn hóa đồng đại ở miền Bắc nước ta như Phùng Nguyên, Hạ Long, Bàu Tró... được khẳng định là chìa khóa để tìm hiểu con đường phát triển văn hóa và lịch sử tộc người ở buổi đầu dựng nước của dân tộc. Thành tựu quan trọng nhất của văn hóa Hoa Lộc được thể hiện trong kỹ thuật luyện kim đồng, sản xuất nông nghiệp, khai thác hải sản và nghề thủ công. Nét nổi trội của văn hóa này là những thành tố mang bản sắc văn hóa biển. Chính môi trường sinh thái biển đã để lại những dấu ấn sâu đậm về biển cả trong nội hàm của văn hóa Hoa Lộc.

Yếu tố biển của văn hóa Hoa Lộc trước hết là ở môi trường biển của văn hóa này. Căn cứ vào các vị trí cư trú của người Hoa Lộc xưa và dấu vết của đường bờ biển của các lạch cận kề có thể khẳng định rằng, chủ nhân văn hóa Hoa Lộc đã tồn tại và phát triển trong môi trường sinh thái ven biển.

Cho đến nay, sau hàng ngàn năm “dâu bể”, môi trường này có sự biến đổi “sóng bồi thêm bãi, thuyền thêm bến” (Tỗ Hữu) nhưng không gian văn hóa Hoa Lộc vẫn là môi trường ven biển. Không gian môi trường biển bao gồm phần đất liền, vùng bãi bồi ven biển, vùng nước lợ cửa sông và cả một vùng biển cả mênh mông với hai cửa lạch quan trọng cận kề đất Hoa Lộc và Lạch Trường ở phía Nam và Lạch Sung ở phía Bắc.

Thành tố văn hóa biển của văn hóa Hoa Lộc không chỉ là vấn đề môi trường sinh thái mà quan trọng hơn là những yếu tổ của biển đã để lại dấu ấn đậm nét trong văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của con người cư trú nơi đây mà nổi trội nhất là những mô típ, đồ án, bố cục hoa văn trang trí trên đồ gốm. Người thợ gốm Hoa Lộc đã chọn những hình ảnh điển hình của biển cả như sóng nước, giọt nước, tôm, cá, hải sâm, sò biển, rong biển, lưới đánh cá... để thể hiện các mô típ hoa văn. Phần lớn hoa văn thể hiện môi trường biển đều được thể hiện bằng biện pháp tả thực.

Một số mô – típ dù được mang tính ước lệ, cách điệu nhưng không khó nhận diện đối tượng thể hiện. Các mô – típ kết hợp thành các đồ án trang trí được bố cục chặt chẽ nhưng thoáng đạt, cởi mở, không gò bó, mamg tầm nhìn rộng của cư dân ven biển. Dấu ấn văn hóa biển còn để lại trên nhiều di vật như chì lưới bằng đá có hình dáng như chì lưới hiện đại, các loại công cụ tạo hoa văn trên đồ gốm và một số loại công cụ được tạo ra từ xương cá.

Đặc biệt là rất nhiều các loại hải sản được khai thác từ biển như vỏ các loại nhuyễn thể, xương các loại cá trong đó có xương nhiều loại cá lớn sống ngoài khơi xa. Những chứng cứ về nguồn hải sản được khai thác còn lưu lại chỉ là một phần quá nhỏ bé so với những gì đã được người Hoa Lộc xưa khai thác, sử dụng nhưng đã khẳng định họ đã khai thác nguồn lợi hải sản và đã vươn tới biển khơi xa.

Với một nền kinh tế nông nghiệp ổn định, phát triển, làm chủ vùng đất ven biển và việc khai thác có hiệu quả vùng biển đã tạo điều kiện để chủ nhân văn hóa Hoa Lộc có mối liên hệ ngày càng rộng mở với các nền văn hóa ven biển và hải đảo ở miền Bắc nước ta.

Mối liên hệ với các văn hóa ven biển Việt Nam

Thành tựu nghiên cứu về văn hóa Hoa Lộc trong gần nửa thế kỷ qua đã khẳng định văn hóa Hoa Lộc có mối liên hệ với các văn hóa đương đại khác, tiêu biểu là các văn hóa vùng ven biển như văn hóa Bàu Tró ở phía Nam và văn hóa Hạ Long ở phía Bắc. Văn hóa Bàu Tró phân bố ở vùng ven biển thuộc các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Đây là văn hóa thuộc sơ kỳ thời đại đồng. Chủ nhân văn hóa này đã làm chủ vùng ven biển, phát triển kinh tế nông nghiệp và có quan hệ đa chiều với các văn hóa ở vùng đồng bằng ven biển thuộc châu thổ sông Mã, vùng biển đảo thuộc vịnh Hạ Long và vùng đồng bằng trung du Bắc bộ thuộc châu thổ sông Hồng.

Mối liên hệ giữa văn hóa Hoa Lộc và văn hóa Bàu Tró được thể hiện ở nhiều lĩnh vực, trong đó nổi trội về sự tương đồng ở các lĩnh vực, như: Việc sử dụng “cuốc có vai” trong sản xuất nông nghiệp, thói quen không mài nhẵn toàn bộ công cụ và sử dụng nhiều công cụ ghè đẽo ở giai đoạn sớm.

Sự tương đồng này có thể bắt đầu từ đặc điểm của môi trường ven biển – thích hợp với việc dùng các loại cuốc đá trong nông nghiệp và sự thực dụng, chú ý đến hiệu quả hơn và chau chuốt trong việc chế tạo và sử dụng các công cụ sản xuất bằng đá của cư dân ven biển. Trong các loại đồ gốm, chủ nhân của hai văn hóa này đều có nét chung trong việc trang trí trên đồ gốm với những cách tạo hoa văn và mô – típ hoa văn giống nhau, trong việc chế tạo các loại đồ gốm có tai, các đồ dựng có miệng vuông, các loại đồ trang sức bằng đất nung mà tiêu biểu là loại “khuyên tai hình con đỉa” bằng đất nung rất độc đáo, chỉ có cư dân của hai văn hóa ven biển này sử dụng.

Tuy có sự khác biệt tạo nên những đặc trưng văn hóa riêng nhưng mối quan hệ, sự tương đồng giữa hai văn hóa này được thể hiện khá đậm nét.

Văn hóa Hạ Long phân bố ở vùng đất liền biển đảo phía Bắc, trung tâm là vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) thuộc sơ kỳ thời đại đồng thau. Thành tựu của văn hóa Hạ Long được thể hiện trong các lĩnh vực chủ yếu: Việc hoàn chỉnh kỹ thuật chế tác đồ đá, chế tạo đồ gốm, khai thác kinh tế biển đảo và sản xuất nông nghiệp. Đây là một văn hóa mà không gian tồn tại và phát triển gắn liền với vùng biển đảo nhưng có quan hệ chặt chẽ với các văn hóa vùng ven biển và vùng đồng bằng thuộc châu thổ sông Hồng, vùng đất Tổ Hùng vương.

Mối quan hệ giữa văn hóa Hoa Lộc và văn hóa Hạ Long được thể hiện khá đa dạng, như: Sự tồn tại khá phổ biến của “dấu Hạ Long”- di vật đặc trưng của văn hóa Hạ Long (chủ nhân văn hóa Hoa Lộc có “dấu Hoa Lộc”); sự tương đồng của các loại đồ gốm xốp “kiểu gốm Hạ Long”, đồ gốm có miệng kiểu đa giác cùng với hoa văn giọt nước, hình sóng nước; hoa văn được tạo ra bằng cách trổ lỗ ở phần chân của đồ gốm, hoa văn hình tam giác, hình ô lưới và văn in chấm miệng sò.

Tuy có nét khác biệt mang đặc trưng riêng của mỗi nền văn hóa nhưng sự gần gũi, tương đồng đã được thể hiện rõ nét chứng tỏ có sự tiếp biến giữa hai nền văn hóa.

Không chỉ có mối liên hệ giữa các văn hóa vùng ven biển và hải đảo với nhau, các văn hóa này còn phát triển liên hệ với văn hóa vùng trung du và châu thổ sông Hồng, tiêu biểu là văn hóa Phùng Nguyên trên địa bàn vùng đất trung châu – nơi “các vua Hùng đã có công dựng nước”. Sự tiếp biến văn hóa này đã góp phần làm cho văn hóa dân tộc từ buổi đầu lập quốc thêm đa dạng.

Mối liên hệ, tiếp biến giữa văn hóa vùng ven biển, hải đảo với các văn hóa vùng châu thổ sông Hồng – cái nôi của văn hóa dân tộc là cơ sở lịch sử cho việc hình thành các “trầm tích văn hóa”, các huyền thoại về mối quan hệ giữa vùng biển với vùng trung du, miền núi; sự hòa hợp, thống nhất giữa các bộ tộc trên một vùng lãnh thổ tộc người có liên quan đến con đường phát triển và lịch sử trong buổi đầu thời kỳ dựng nước của dân tộc.

Tác giả: Trần Thị Liên

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok