Chia sẻ với báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, cho biết chương trình các môn học đã được chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở góp ý của nhiều chuyên gia, giáo viên. Các môn được biên soạn theo chương trình tổng thể nên bảo đảm tính nhất quán, liên thông.
Khuyến khích học sinh thể hiện quan điểm riêng, sáng tạo
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình tiếng Việt (ở bậc tiểu học)/ngữ văn (bậc THCS, THPT) mới xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chú trọng đến những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe ở mỗi lớp.
Nhằm tránh tình trạng bắt học sinh (HS) học thuộc lòng văn mẫu, theo chương trình mới, HS được thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ và khuyến khích các bài viết thể hiện quan điểm riêng, sáng tạo.
Chương trình phổ thông mới tập trung các buổi thực hành, phát triển năng lực người học Ảnh: TẤN THẠNH |
Ở cấp THPT sẽ chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc là bài thơ "Thần", "Hịch tướng sĩ", "Bình Ngô đại cáo", "Truyện Kiều", "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" và "Tuyên ngôn độc lập". Các tác phẩm văn học khác đưa vào phụ lục. Những nhóm tác giả viết sách giáo khoa có thể chủ động lựa chọn các tác phẩm khác nhau đưa vào sách nhưng phải hướng đến việc phát triển năng lực, phẩm chất HS.
GS Đỗ Đức Thái - thành viên Ban phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, Chủ biên Chương trình môn toán - cho hay chương trình giáo dục toán học phổ thông trước đây quan tâm nhiều đến chuyện được học những đơn vị kiến thức nào, giải được bao nhiêu dạng bài tập, đi thi được bao nhiêu điểm. Trong khi đó, điểm mới quan trọng nhất, quyết định nhất ở chương trình phổ thông mới môn toán là tinh giản, thiết thực, sáng tạo, chuyển từ việc tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực người học.
Nội dung môn toán phản ánh những giá trị cốt lõi, nền tảng của toán học; đồng thời chú trọng tính ứng dụng, gắn kết với đời sống thực tế hay các môn học khác. Đặc biệt, ở từng cấp học, cũng dành nhiều thời gian cho các hoạt động trải nghiệm toán học như thực hiện đề tài, dự án học tập về ứng dụng toán học trong thực tiễn, tổ chức các trò chơi toán học…
Lịch sử: không còn né tránh
Cấu trúc nội dung chương trình môn lịch sử và địa lý đổi mới khá căn bản. Chương trình lịch sử chỉ lựa chọn những sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu của vùng miền, quốc gia, khu vực, một số giai đoạn lịch sử, không tuân thủ nghiêm ngặt tính lịch đại. Hình thức dạy học chú trọng lối kể chuyện, dẫn chuyện lịch sử, giáo viên giúp cho HS làm quen với lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc, khu vực và thế giới qua các câu chuyện lịch sử. Thông qua đó, tạo cơ sở để HS bước đầu nhận thức về khái niệm thời gian, không gian, đọc hiểu các nguồn sử liệu đơn giản về sự kiện, nhân vật lịch sử.
GS Phạm Hồng Tung, Chủ biên Chương trình môn lịch sử mới, khẳng định ở cấp tiểu học, môn lịch sử và địa lý được dạy học từ lớp 4. Sự tích hợp sẽ theo logic kết nối 2 loại hình không gian: của địa lý là địa phương, đất nước và thế giới; của lịch sử là không gian gia đình - cộng đồng - dân tộc - thế giới.
Ở THCS, lịch sử và địa lý là môn học tích hợp nhưng ở mức độ tương đối thấp, có thể gọi là phối hợp giữa 2 phân môn khá độc lập. Chỉ có một số chủ đề tích hợp như biển Đông gồm kiến thức tổng hợp về nhiều vấn đề như: địa lý biển, kinh tế biển, lãnh hải, việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa, Hoàng Sa, các cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Ở THPT, lịch sử là môn độc lập nhưng là môn lựa chọn để phù hợp với việc phân hóa, hướng nghiệp cho HS.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay nếu chương trình và sách giáo khoa lịch sử hiện hành viết riêng lịch sử thế giới, sau đó là lịch sử Việt Nam thì nội dung lịch sử trong chương trình mới ở cấp THCS lấy thời gian làm trục xuyên suốt. Ở mỗi giai đoạn lịch sử đều cố gắng thiết kế theo mô hình: thế giới - khu vực - Việt Nam - lịch sử địa phương. Trong đó lấy lịch sử Việt Nam làm trọng tâm, chiếm 60% thời lượng của chương trình.
Trước đó, GS Phạm Hồng Tung cũng chia sẻ chương trình lịch sử mới được xây dựng trên quan điểm không có gì không thể nói và không được nói. Vấn đề là trình bày sao cho khoa học, nhân văn, tiến bộ. Những chuyện trong quá khứ vì lý do nào đó trước đây chúng ta né tránh hoặc chưa dạy thấu đáo, giờ đều có thể được đưa vào, sao cho phù hợp với năng lực nhận thức và tâm lý lứa tuổi của HS.
GS Tung khẳng định nhất thiết phải dạy HS về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, về lịch sử đấu tranh của dân tộc nhằm bảo vệ và thực thi chủ quyền đó, chẳng hạn các cuộc hải chiến Hoàng Sa (1974), trận Gạc Ma bảo về Trường Sa (1988), cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam (1975-1978), chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc (1979-1989)… cũng như nhiều vấn đề khác.
Những người viết chương trình đã đưa cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vào chương trình mới theo tinh thần của lịch sử là hướng tới tính nhân văn, nhân bản, không khơi sâu thêm hận thù, ghi công hay luận tội ai trong quá khứ.
Bắt buộc có hoạt động trải nghiệm Chương trình phổ thông mới lần đầu tiên đưa vào chương trình hoạt động trải nghiệm, thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Ở tiểu học, chương trình này được gọi là hoạt động trải nghiệm; tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phát triển bản thân, kỹ năng sống, quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Cấp THCS và THPT gọi là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng. Ở THPT, chương trình hoạt động trải nghiệm tập trung cao hơn vào giáo dục hướng nghiệp giúp HS tự chọn ngành nghề phù hợp tương lai. |
Tác giả: Yến Anh
Nguồn tin: Báo Người lao động