Kinh tế

Vận hành thuỷ điện nhỏ và vừa: Phương diện quản lý chưa "chuẩn"!

Chuyên gia thừa nhận: "Trong việc phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ về phương diện quản lý chưa chuẩn. Nhà nước giao khoán cho địa phương nhưng địa phương thiếu chuyên gia cần thiết để vận hành hoặc mặt quản lý Nhà nước với các công trình này thực hiện chưa thấu đáo nên xảy ra chuyện nọ chuyện kia như xả lũ gây thiệt hại, mùa hè chặn nước..."


Thủy điện Hố Hô trước khi đi vào hoạt động đã từng bị cảnh báo về an toàn đập, vận hành, xả lũ.

Liên quan đến sự việc Nhà máy thủy điện Hố Hô (Hương Khê, Hà Tĩnh) bị “tố” xả lũ bất ngờ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân khu vực hạ du ngày 14/10 vừa qua, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương chiều 17/10, ông Lê Ngọc Huấn – Chủ tịch UBND huyện Hương Khê - khẳng định, chính quyền huyện này không hề được thông báo về kế hoạch xả lũ của Nhà máy thủy điện Hố Hô. Việc Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ, với lưu lượng lớn khiến người dân không kịp trở tay.

Trong khi đó, lãnh đạo Công ty Cổ phần thủy điện Hồ Bốn, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Hố Hô, vẫn khẳng định đã “xả lũ đúng quy trình”.

Phải rà soát lại toàn bộ quy trình

Trao đổi về vấn đề này, TS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng: "Với vụ việc xảy ra tại thuỷ điện Hố Hô, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn thanh tra xem xét. Qua theo dõi thì thấy rằng, có mâu thuẫn khi địa phương bảo xả không báo trước, không đúng quy trình nhưng phía nhà máy thì bảo có báo, có đúng quy trình. Do đó, phải đợi kết luận của Bộ Công Thương".

Theo ông Long, khi xây dựng bất kì một công trình thuỷ điện nào thì quy trình tích nước, vận hành hồ chứa, xả lũ trong trường hợp có lũ lớn như thế nào phải được cơ quan phê duyệt xem xét kĩ lưỡng thì mới được xây dựng.

"Do đó, cần phải truy lại những luận chứng, quy trình trong báo cáo khả thi xem chủ đầu tư đó có làm đúng không, và nếu làm đúng vẫn để xảy ra hậu quả thì phải xem ai phê duyệt quy trình không đúng đó để rút kinh nghiệm và quy trách nhiệm cho các cá nhân, tập thể trong vấn đề này", ông Long nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) lại đặt nghi vấn: “Nếu xả đúng quy trình mà hại cho hạ du thì không thể nói là đúng được. Bởi nếu thực sự báo trước 2 ngày thì người dân có thể tránh kịp, chính quyền địa phương sẽ có trách nhiệm di dời dân đến nơi an toàn”.

Trao đổi với báo chí, GS-TS Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi - cũng cho rằng mấu chốt ở đây là chuyện tích nước của các thủy điện nhỏ. Nguyên tắc điều tiết là phải nắm được tình hình dự báo báo lũ trong năm và có kế hoạch tích nước ở mức hợp lý. Tuy nhiên, phần lớn các thủy điện nhỏ lại tích nước đầy trước mùa lũ nên khi lũ về tràn, sợ vỡ cửa đập, tràn nước qua nhà máy gây nguy hiểm, phải xả ồ ạt thay vì xả từ từ.

Riêng đối với thuỷ điện Hố Hô, hồi năm 2009, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam từng có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Hương Khê, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh cảnh báo: "​Vì công trình thuộc sở hữu của tư nhân cho nên có thể mục tiêu lợi nhuận được đưa lên trên hết, người chủ công trình có thể cho tích nước về mùa cạn để phát điện được nhiều nhất nên sẽ xảy ra trường hợp hạ lưu bị cạn kiệt. Ngược lại về mùa lũ cho tích nước đầy hồ trước khi có lũ chính vụ, đến lúc lũ to thì xả xuống hạ lưu làm mức độ ngập lụt trầm trọng thêm".

Chức năng quản lý của Nhà nước chưa "chuẩn"

Trên thực tế, trước sự việc xảy ra với thuỷ điện Hố Hô, những năm gần đây, hầu như năm nào cũng xảy những vụ việc liên quan đến thủy điện gây thiệt hại về người và của.

Tháng 6/2011, đường ống dẫn nước từ đập về Nhà máy thủy điện Đam Bol (tỉnh Lâm Đồng) đã bất ngờ bị vỡ khiến một người chết, một người mất tích và ba người bị thương nặng. Năm 2012, vụ vỡ đập chắn thủy điện Đakrông 3 cũng khiến dư luận xôn xao. Năm 2013, Thủy điện Đắk Mi 4 từng xả lũ khiến nhiều nhà dân ở xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn bị hư hỏng nặng. Ngay tháng 9 vừa qua, thủy điện Sông Bung 2 vừa tích nước được 10 ngày thì xảy ra sự cố trôi van hầm dẫn dòng khiến 2 người chết; nhiều nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi.

Theo TS Trần Đình Long, việc vận hành các nhà máy thuỷ điện nhỏ và vừa luôn có 2 mặt, 1 mặt tận dụng tiềm năng thuỷ điện có trong hệ thống sông ngòi Việt Nam, dù lớn hay nhỏ cũng góp phần sử dụng năng lượng hợp lý cho Nhà nước.

Tuy nhiên, vị chuyên gia thừa nhận: "Trong việc phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ về phương diện quản lý chưa chuẩn. Nhà nước giao khoán cho địa phương nhưng địa phương thiếu chuyên gia cần thiết để vận hành hoặc mặt quản lý nhà nước với các công trình này thực hiện chưa thấu đáo nên xảy ra chuyện nọ chuyện kia như xả lũ gây thiệt hại, mùa hè chặn nước..."

"Tận dụng nguồn thuỷ năng của thuỷ điện vừa và nhỏ là cần thiết trong chính sách năng lượng quốc gia. Về tư tưởng mà nói, nếu làm đúng thì tác động với thuỷ lợi sẽ tốt hơn, ví dụ như miền trung, từ núi xuống biển có chiều dài ngắn, dốc lớn, nếu mưa lũ thì vài ngày mưa lũ lớn nhưng vài ngày là hết nước, không có nước dùng. Nếu chặn từng khúc, giữ nước lại thì mùa hè có nước dùng", ông nói.

Tuy nhiên, ông Long cũng khẳng định: "Nếu làm không đúng thì từ lợi lại chuyển sang hại. Tất cả trách nhiệm thuộc về phương diện quản lý Nhà nước, chúng ta đã nói rất nhiều và rút nhiều bài học nhưng vẫn lặp đi lặp lại, chứng tỏ về phương diện quản lý Nhà nước với thuỷ điện vừa và nhỏ mình làm chưa chuẩn. Cần phải rà lại quy trình tích nước, xả lũ rồi sử dụng nước như thế nào để đạt mục tiêu có lợi cho việc sử dụng nguồn nước và tận dụng nguồn thuỷ năng để phát điện".

Tác giả bài viết: Phương Dung

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok